Fighting: Nội dung mới được đưa vào giải Jujitsu quốc gia có gì đặc biệt?

Lâm Gia
thứ năm 29-4-2021 16:35:00 +07:00 0 bình luận
Mang đồ bảo hộ Karate, sử dụng kĩ thuật của cả 3 bộ môn, nội dung “Fighting” xuất hiện tại giải Vô địch các câu lạc bộ Jujitsu toàn quốc không khỏi khiến nhiều khán giả lạ lẫm.

Tại giải Vô địch các câu lạc bộ Jujitsu quốc gia 2021 vừa kết thúc tại Đà Nẵng cuối tuần qua, ngoài các nội dung Gi và No-gi quen thuộc, ban tổ chức giải cũng bổ sung thêm 2 nội dung lần đầu được thi đấu tịa Việt Nam: Duo Show và Fighting.

Trong đó, thể thức thi đấu Fighting với đầy đủ các kĩ thuật đấm đá – quét ngã – khóa siết không khiến nhiều khán giả, thậm chí cả các vận động viên, cũng có phần phần lạ lẫm.

Phó chủ tịch Liên đoàn Jujitsu Việt Nam Nguyễn Đức Hoàng – cán bộ phụ trách mảng Duo Show và Fighting cho biết việc bổ sung  2 nội dung mới nhằm mở rộng Jujitsu tiếp cận tới nhiều đối tượng vận động viên.

“Trên thực tế, hình thức thi đấu Fighting đã được áp dụng ở nhiều giải đấu quốc tế, việc chúng tôi quyết định đưa nội dung này vào giải Vô địch các câu lạc bộ vừa qua nhằm tạo thêm sân chơi cho các vận động viên.” – ông Hoàng chia sẻ.

Jujitsu Fighting là một trong 2 nội dung mới được đưa vào giải Vô địch các CLB toàn quốc vừa qua.

Thoạt nhìn, luật thi đấu Fighting Jujitsu trông khá giống với … MMA (võ tổng hợp) khi cho phép các võ sĩ sử dụng đầy đủ 3 mảng kĩ thuật đấm đá – đánh ngã – khóa siết, tuy nhiên, Jujitsu Fighting có những tiêu chuẩn và giới hạn riêng không giống như võ tổng hợp.

Luật thi đấu Fighting chia làm 3 phần: Đấm và đá (Phần 1), Quật và Đánh ngã (Phần 2), Kĩ thuật dưới thảm, khóa và siết (Phần 3).

Trong đó, phần đấm và đá quy định vùng tấn công bao gồm đầu, mặt, cổ, bụng, ngực, lưng và bên sườn. Đặc biệt, luật Fighting yêu cầu võ sĩ phải trải qua tuần tự các phần 1 – 2 – 3 chứ không được phép bỏ qua bất kì bước nào.

Các kĩ thuật thi đấu Fighting được chia ra 3 nhóm nối liền nhau.

Tương tự như yêu cầu về tiến trình trận đấu, luật Fighting có chế độ tính điểm Ippon tách biệt giữa các nhóm kĩ thuật. Để có chiến thắng tuyệt đối, võ sĩ phải giành 3 điểm Ippon ở 3 nhóm kĩ thuật khác nhau: Đấm đá không bị ngăn chặn, có điểm dừng; quật ngã hoàn chỉnh; đè đối thủ trên 15 giây hoặc khóa siết (thắng tuyệt đối).

Có thể thấy, quy trình trận đấu và cách tính điểm Ippon của Jujitsu Fighting, buộc võ sĩ phải ghi điểm toàn diện, tránh các võ sĩ chỉ chú trọng vào một sở trường duy nhất.

“Cách tính điểm này yêu cầu các vận động viên phải có 3 điểm Ippon ở 3 phần, tránh việc một số võ sĩ lợi thế về đòn vật, chỉ chuyên vào vật mà không đấm đá, hay các võ sĩ sở trường đánh đứng như Karate, chỉ ghi điểm đánh đứng rồi … chạy.” – phó chủ tịch Nguyễn Đức Hoàng phân tích.

Chính bởi luật thi đấu mở, nhưng yêu cầu tính kĩ thuật toàn diện, nội dung Jujitsu Fighting lần đầu đưa vào tại giải Vô địch câu lạc bộ 2021 đã đón nhận nhiều vận động viên từ các bộ môn khác nhau như Judo, Karate,… bên cạnh các võ sĩ có nền tảng Jujitsu thông thường.

Nhiều võ sĩ từ Karate đã thử sức với nội dung Jujitsu Fighting.

Được biết, việc bổ sung thêm các nội dung thi đấu vào hệ thống giải quốc gia, là ý tưởng từ phía Liên đoàn Jujitsu Việt Nam nhằm nhân rộng bộ môn tới cộng đồng vận động viên và người tập phong trào.

Ra đời từ tháng 12 năm 2020, Liên đoàn Jujitsu Việt Nam với những gương mặt quen thuộc như chủ tịch Nguyễn Công Cường và Tổng thư ký Nguyễn Mạnh Hùng (PCT Liên đoàn Jujitsu Châu Á, Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao Thành tích cao 1 – Tổng cục TDTT) hướng tới mục tiêu đưa Jujitsu trở thành môn thể thao chính tại các kì đại hội trong nước và khu vực.

Với tín hiệu tích cực từ việc bổ sung hai nội dung Duo Show và Fighting, Liên đoàn đang trong quá trình xây dựng thêm hệ thống trọng tài – vận động viên đủ tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, quá trình cập nhật thêm các bộ luật mới trên thế giới cũng được tiến hành trong năm 2021 này.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm