Từ khoảng thời gian những năm 60, khi Muhammad Ali chọn cho mình phong cách của một kẻ kiêu căng tự phụ, cho đến thời kỳ Mike Tyson tự nhận mình là "Kẻ xấu xa nhất thế gian", câu chuyện vẫn chưa dừng lại cho đến hiện nay, Conor McGregor cũng đang nối gót các đàn anh đi trước để trở thành một "gã khốn" trên truyền thông.
Mở rộng ra ở thể thao, bóng đá có những cái tên nổi tiếng kiêu ngạo nhưng cũng lắm fan như Cristiano Ronaldo, Zlatan Ibrahimovich, hay bóng rổ có Michael Jordan, Shaquille O'Neal... Những con người này là những kẻ đã góp phần tạo nên sức hút cho bộ môn họ tham gia.
Dù các ngôi sao này vẫn gặp phải nhiều chỉ trích vì vẻ kiêu ngạo và những phát ngôn gây sốc, trên các diễn đàn online hay trên các mạng xã hội, vẫn luôn có những lời bình luận: "Kobe Bryant đã đưa tôi đến bóng rổ, CR7 đưa tôi đén bóng đá, Conor McGregor đưa tôi đến với MMA..." Có thể thấy rằng, sự hiện diện của những kẻ đáng ghét là một điều cần phải có cho mọi môn thể thao.
Những người hùng trong bóng tối
Cái giá để trở thành một "kẻ ác" không hề rẻ, bởi khi chọn vào vai kẻ ác, nghĩa là bạn chọn cách gây chú ý bằng cách cực đoan. Và trước khi đến được giai đoạn mọi người hiểu và yêu quý, ban đầu, ai cũng sẽ ghét cay ghét đắng những kẻ kiêu ngạo.
Để có được trận tranh đai với Liston, chàng võ sĩ trẻ Cassius Clay (Muhammad Ali) đã phải tốn công lên tiếng chửi bới, mạt sát đàn anh của mình trong vòng vài tháng trời. Anh trashtalk nhiều đến nỗi công chúng từ cảm giác thú vị chuyển sang nhức đầu với cái mồm của chàng võ sĩ trẻ. Tuy nhiên, Muhammad Ali lúc bấy giờ chỉ dừng lại khi đạt được trận tranh đai ông mong muốn.
Trong khoảng thời gian đó, ai cũng ghét bỏ Ali, chẳng ai muốn nghe một thằng nhóc ba hoa khoác lác về bản thân. Thành thực mà nói, chiến lược đóng vai ác của Muhammad Ali hay với bất kỳ một tay đấm nào khác là một chiến lược liều lĩnh. Bởi giả sử như Muhammad Ali bị đánh cho tan tác ở trận đấu với Liston, ông sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội tranh đai với bất kỳ ai, và ông cũng sẽ chẳng thể là một huyền thoại thế giới.
Khi xuất hiện một kẻ ác, người hâm mộ luôn mong muốn môn thể thao xuất hiện một "người hùng" để đánh bại tên phản diện đáng ghét kia. Qua đó, những "người hùng" này tạo thêm sức hút cho môn thể thao. Phản diện càng mạnh mẽ, càng khó bị đánh bại, thì giá trị của những người hùng càng được nâng cao. Có thể kể đến những cặp người hùng-phản diện nổi tiếng ở giới thể thao như Ronaldo-Messi, Mayweather-Pacquiao, McGregor-Khabib...
Lấy ví dụ riêng về Mayweather, trước khi đến với trận đấu Pacquiao, người hâm mộ đã từng vái trời cho những Miguel Cotto, Canelo Alvarez, Manuel Marquez, Marcos Maidana... "đập vỡ mồm" tay đấm Mỹ. Sự ghét bỏ Mayweather trở thành nam châm hút hết truyền thông vào các hạng cân nhỏ. Dần dà khi đã dọn dẹp sạch sẽ hạng bán trung, người hâm mộ bắt đầu lôi ra nhiều cái tên ở những hạng cân khác để tìm được kẻ đánh bại Mayweather. Có thể nói rằng, chỉ cần Mayweather xuất hiện, Boxing hạng cân nhỏ đã trở thành hạng cân siêu sao.
Trái với Mayweather là Manny Pacquiao, mỗi khi Pacquiao xuất hiện, chẳng ai mong sẽ tìm được kẻ đánh bại Pacquiao cả. Pacquiao chỉ xuất hiện với tư cách là võ sĩ giỏi có khả năng hạ gục Mayweather. Nói cách khác, sự chú ý dành cho Pacquiao cũng phần nhiều đến từ sự đáng ghét của Mayweather. Tóm lại, môn thể thao nào cũng rất cần những kẻ phản diện mạnh mẽ.
Những rào cản dành cho kẻ đáng ghét
Khi chọn trở thành một kẻ phản diện nghĩa là vận động viên ấy chọn việc trở thành một kẻ đáng ghét với rủi ro cao là bị quên lãng. Không khó để tìm thấy những video clip có nội dung hả hê, thích thú trước những kẻ kiêu ngạo bị đánh bại. Số những kẻ kiêu ngạo gục ngã là quá nhiều so với những người như Muhammad Ali, Conor McGregor... Sự khác biệt chỉ là những kẻ kiêu ngạo kia đã bị lãng quên từ rất lâu. Đó chính là minh chứng rõ nhất cho sự khốc liệt dành cho những tay đấm chọn phong cách kiêu ngạo.
Chỉ cần 2 trận thua nổi trội, fan đã có thể bới móc lại tất cả những trận thua trước đó của Conor McGregor
Những người như Ali, CR7, Conor McGregor, hay bất kỳ một vận động viên nào khác khi còn là một kẻ học việc đều có chung một giấc mơ trở thành siêu sao thể thao thế giới. Nhưng mấy ai dám nói về ước mơ của mình khi nỗi sợ "nói trước bước không qua" đang sừng sững trước mắt. Sự kiêu ngạo sẽ kéo theo những áp lực lớn lao.
Giới thể thao nói chung và giới võ thuật Việt nói riêng đang thiếu những "kẻ phản diện" như thế. Những kẻ phản diện dám nói, dám chịu trách nhiệm vì những thứ mình nói thay vì là những kẻ "điếc không sợ súng". Tuy nhiên, cũng khó mà đòi hỏi sự liều lĩnh ở vận động viên trong thời gian hiện tại khi cái giá phải trả cho việc làm phản diện là quá lớn: danh tiếng, uy tín, áp lực... trong khi cái lợi ích của việc làm phản diện tại thể thao Việt dường như là không quá nổi bật.
Điều khó nữa chính là, một kẻ phản diện đủ chất, phải là một kẻ phản diện với một đường lối, một lối đi khác người cho một lý tưởng lớn lao chứ chẳng phải một kẻ phản diện không mục đích. Để kẻ phản diện được yêu thích, hắn lại phải là đại diện cho nhiều cá tính "đáng mến" của một cộng đồng lớn. Chính điều đó mới tạo ra một phản diện đủ tốt cho giới võ sĩ Việt hiện tại.