Thực tế, võ thuật cổ điển vốn đã là võ thuật tổng hợp. Nhu cầu chiến đấu khắc nghiệt, cộng thêm khái niệm "thể thao" chưa xuất hiện nên võ thuật ở thời điểm này gần như không có rào cản về số lượng kỹ thuật.
Ở châu Âu, các môn võ cổ điển đã xuất hiện hàng ngàn năm trước đây như Pankration (Hy Lạp) là ví dụ rõ ràng nhất. Ở một nền văn hóa khác là Ấn Độ, nơi gần như không có bất cứ sự tiếp xúc nào với nền văn hóa châu Âu (ở thời điểm đó) cũng có Kalaripayattu - lại là môn võ thuật cổ điển mang đậm chất tổng hợp. Bokator của người Campuchia cũng đã có 2000 năm tuổi không thay đổi tư duy võ tổng hợp của mình.
Ngay cả các môn võ thuật thể thao đối kháng hiện đại ngày nay cũng có chút "dấu vết" kỹ thuật võ tổng hợp, chẳng hạn như Muay Thái dù được xét là một môn striking hiện đại nhưng có xuất xứ cổ xưa với rất nhiều kỹ thuật vật, khóa (nay đã thất truyền hay chỉ còn lại ở một số dòng phái Muay cổ). Shotokan Karate cũng được xem là môn striking nhưng cũng có nhiều kỹ thuật gài - khóa - vặn bẻ như grappling.
Có thể nói, võ tổng hợp như là một xu thế tất yếu của thời đại.
Thế giới phát triển vào thời trung đại và các môn võ dần bị chuyên biệt hóa, gần như chỉ có thể được xếp vào 4 nhóm là wrestling (vật), striking (đấm đá chỏ gối, nói chung là gây sát thương bằng va chạm), grappling (khóa siết) và weaponry (các môn chuyên dùng vũ khí). Tuy vậy, vẫn có một số môn võ bị "lai" giữa hai hoặc thậm chí 3 trường phái kể trên. Hệ thống võ thuật Trung Hoa cổ điển với đại diện quan trọng nhất là võ thuật Thiếu Lâm là một ví dụ.
Sự chuyên biệt hóa đó không xóa sổ võ tổng hợp mà làm nền cho một bước phát triển mà có lẽ chính lịch sử cũng không ngờ tới. Suốt hàng trăm năm, những cú đấm đá chưa hoàn chỉnh của người cổ đại đã cùng Karate, Quyền Anh phát huy hết sức mạnh vật lý của con người. Những đòn khóa siết thô kệch của 2000 năm trước cũng trở thành Brazilian Jiujitsu - một trong những môn võ có độ phức tạp hàng đầu thế giới thể thao đối kháng hiện đại.
Rõ ràng, trong một đời người, việc khám phá, tìm tòi và phát hiện những điểm cải tiến trong tập luyện và ứng dụng võ thuật là rất hạn chế. Vậy nên cái thời đại trung gian khi mà võ tổng hợp bị phai nhòa đôi chút ấy lại chính là điểm tiến hóa quan trọng nhất của dòng chảy võ thuật. Sự chuyên biệt theo từng trường phái giúp nguồn nhân lực ở các bộ môn có thể "rảnh tay" hơn mà cải tiến kỹ thuật. Dần dần con người khám phá ra các mấu chốt vật lý trong việc sử dụng cơ thể vào cả hai mục đích: thể thao đối kháng và võ thuật - đúng với khái niệm nguyên thủy của nó.
Và khi mỗi trường phái đã đưa võ thuật gần đến với giới hạn, chuyện gì xảy ra? Kỷ nguyên của võ tổng hợp quay lại.
Sự ra đời của các giải MMA như Shooto, UFC,... luôn được xem là đại diện của võ tổng hợp hiện đại. Đúng, nhưng đúng một nửa! Những giải đấu như thế đã đưa các môn võ thuật thể thao đối kháng hiện đại xích lại gần nhau, học cách giao hòa với nhau. Bên cạnh đó, vẫn có hàng chục môn võ khác, bao gồm cả những môn võ nhro lẻ mà có thể bạn chưa từng nghe tên trong đời như Hapkido, Gongkwon Yusul, Kudo (Daido Juku Karate), Sambo... tất cả đều là võ tổng hợp. Tất cả đều là những môn võ đã xóa bỏ định kiến "trường phái" đã tồn tại suốt hàng trăm năm qua, một lần nữa đưa ra nguyên lý của việc vận động cơ thể con người với tất cả những kỹ thuật khả thi cho mục đích chiến đấu.
Dù đúng dù sai, sự trở lại của võ tổng hợp xứng đáng được gọi là một nguyên lý của thời đại!