Mô hình và cách tổ chức của một số giải MMA trên thế giới

Lâm Gia
thứ tư 3-6-2020 20:35:12 +07:00 0 bình luận
Sự khác biệt trong cách thức tổ chức của những giải MMA trên thế giới có thể là nguồn tham khảo đáng cân nhắc cho MMA Việt Nam trong tương lai.

Kể từ sự kiện đầu tiên năm 1993, MMA đã trải qua 27 năm phát triển thịnh vượng tới ngày hôm nay. Từ những trận đấu hoang dã, vô luật chỉ với mục đích “tìm ra hình thức chiến đấu hiệu quả nhất”, MMA giờ đây đã trở thành một trong những môn thể thao hấp dẫn nhất đầu thế kỉ 21. 

Phát triển là vậy, thế nhưng hiện tại vẫn chưa có một tổ chức nào tham gia quản lý các hoạt động về MMA trên thế giới. Tất cả các tổ chức lớn về MMA đều đang vận hành dưới danh nghĩa các công ty tư nhân và điều phối các hoạt động theo cách riêng của mình. 

Công ty truyền thông võ sĩ (Promotion Company)

Đây là cách mô tả trực quan nhất về tất cả các thương hiệu như UFC, Bellator ở Mỹ, ONE Championship ở Châu Á, M-1 Global ở Nga hay Cage Warriors tại Châu Âu.

Không thuộc bất cứ Liên đoàn hay Tổ chức thể thao nào, các giải MMA nổi tiếng nhất thế giới đều vận hành theo hình mẫu của một công ty truyền thông. Các trận đấu, hoạt động của võ sĩ lúc này được xem như những “sản phẩm truyền thông” để kinh doanh thông qua việc bán bản quyền truyền hình, phân phối trên các nền tảng trực tuyến.

UFC, ONE Championship thực chất đều là các công ty truyền thông với sản phẩm là các trận đấu.  (Ảnh: Forbes) 

Chính vì mô hình kinh doanh này, mỗi giải đấu trên thế giới đều mang một “màu” riêng phù hợp với thị trường nơi họ hoạt động. Điều đó tạo nên sự đa dạng thú vị trong từng sản phẩm mà khán giả được tiếp cận. 

Tổ chức võ sĩ và luật thi đấu    

Hoạt động trong các công ty tư nhân, các võ sĩ sẽ được tuyển chọn với những tiêu chí của đội ngũ chuyên môn riêng. Các trận đấu cũng sẽ được tính toán dựa trên hệ thống đánh giá xếp hạng, hiệu quả truyền thông bởi những người sắp kèo (match-maker) và đội ngũ truyền thông (media team/partner) của riêng giải đấu. Hoàn toàn không có một tiêu chuẩn chung nào được áp đặt cho các công ty này – lí do khiến thị trường MMA vốn “mở” lại càng trở nên tự do hơn bao giờ hết.

Để dễ bề so sánh, nếu Boxing có những Liên đoàn nghiệp dư như AIBA hay chuyên nghiệp như WBC, WBA để phân cấp, đánh giá, xếp hạng võ sĩ trên toàn thế giới, thì MMA hoàn toàn không có đơn vị nào chịu trách nhiệm này. Đó chính là lí do cho những trường hợp võ sĩ hoàn toàn không có thành tích thi đấu nghiệp dư hay chuyên nghiệp nào, vẫn được xuất hiện trên sàn MMA. 

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng bởi hệ thống kĩ thuật mở và phức tạp như MMA, để đưa ra một tiêu chuẩn chung là rất khó. Vì thế, các giải đấu hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm của những chuyên gia nhiều kinh nghiệm để đảm bảo chất lượng võ sĩ của giải. 

Rich Franklin – Cựu võ sĩ UFC là người phụ trách giám sát chuyên môn võ sĩ tại ONE Championship. (Ảnh: ONE Championship). 

Tương tự như việc tổ chức võ sĩ, luật thi đấu của các giải MMA cũng không có điểm chung trên toàn thế giới.

Hiện nay, bộ luật phổ biến nhất là Luật MMA Thống nhất (Unified MMA Rules) được ban hành lần đầu tiên tại Mỹ năm 2000. Tuy nhiên, bộ luật này chỉ được giám sát bởi ABC (Association of Boxing Comisssion) – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên quản lý các vấn đề liên quan tới Boxing và thể thao đối kháng ở Bắc Mỹ. Chính vì thế, Unified MMA Rules cơ bản cũng chỉ có tác dụng pháp lý trên lãnh thổ này. 

ONE Championship, M-1 Global,… một số giải đấu ở ngoài Bắc Mỹ trên thực tế cũng không áp dụng những tiêu chuẩn của Unified MMA Rules mà đều có những hiệu chỉnh riêng. Không chỉ các kĩ thuật trong thi đấu, ngay cả tiêu chuẩn về sàn đấu, cân nặng cũng đều có những khác biệt nhất định.

IMMAF – Tổ chức nghiệp dư lớn mạnh nhất

Bên cạnh các giải đấu tư nhân như UFC hay ONE Championship hiện tại phát triển theo hướng nhà nghề, IMMAF được biết đến như tổ chức phi lợi nhuận quản lý MMA ở cấp độ nghiệp dư lớn nhất ở thời điểm hiện tại. 

Về tổ chức võ sĩ, IMMAF đưa ra những quy định rõ ràng về một võ sĩ thế nào được công nhận là “nghiệp dư” có mặt trong hệ thống của mình. Ngoài ra, một bộ luật riêng cũng khiến các trận đấu của IMMAF được đánh giá là “đủ nhẹ nhàng” để những võ sĩ nghiệp dư có thể đáp ứng được. 

Hiện tại, IMMAF đang duy trì hệ thống thi đấu có huy chương với hình thức đấu loại trực tiếp cùng những tiêu chuẩn giám sát võ sĩ, phòng chống doping. Đây được xem như nỗ lực của IMMAF để sớm được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) công nhận và sớm trở thành môn thể thao góp mặt tại Thế vận hội Mùa hè của thế giới.

IMMAF và những nỗ lực phát triển MMA nghiệp dư trên thế giới. (Ảnh: IMMAF)

Có thể thấy, MMA trên thế giới phát triển theo một hướng khác với rất nhiều môn thể thao đối kháng trên thế giới bởi sự phức tạp của nó. Dựa trên những đặc thù của thị trường, tiềm năng võ sĩ, mỗi giải đấu lại lựa chọn cách thức hoạt động khác nhau. 

Bên cạnh các tổ chức chuyên nghiệp, hình thức hoạt động nghiệp dư theo liên đoàn quốc tế như IMMAF cũng rất đáng tham khảo. Bởi đây là con đường để đưa MMA phổ biến trong cộng đồng và MMA Việt Nam trở thành một phần của một “Olympic MMA” trong tương lai.
 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm