Người chơi võ, tức là những con người thực sự hiểu được cảm giác lãnh trọn một cú đấm hoặc một đòn đá, là những người hiểu được cảm giác hồi hộp, phấn khích khi giao đấu. Người chơi võ là những người bước đến phòng tập tươm tất và ra về với bộ võ phục đẫm mồ hôi, có khi là cả máu.
Đây mới thực sự là những con người hiểu được bản chất thật của võ thuật, nhưng khổ nỗi, không phải ai cũng là dân chơi võ và cũng không phải ai cũng có cái nhìn thấu đáo về võ thuật thực sự. Do đó, với hiểu biết sai lệch và sự mù quáng cảm tính, cộng đồng không chơi võ đôi lúc đã gây ra những mâu thuẫn dở khóc dở cười đến lố bịch.
1. Muay Thai có nguồn gốc từ Việt Nam
"Quyền Thái là môn đánh chỏ gối" - đó là lời nhận định quen thuộc của bất kỳ ai coi phim của diễn viên Tony Jaa mà không thật sự trải nghiệm Muay Thái. Mọi chuyện cũng sẽ không có gì đáng nói nếu như không có một ngày, một cây viết nghiệp dư nào đó cho rằng Muay Thai có nguồn gốc từ võ cổ truyền Việt Nam với lý do rất ngây thơ. Võ Việt có trước và cũng có nhiều đòn chỏ gối đa dạng.
Sức mạnh của Muay Thai đến từ các đòn đá và kỹ thuật clinch ôm ghì kiểm soát. Nhờ vào kỹ thuật clinch, đòn chỏ và gối của Muay Thai trở thành kỹ năng "tuyệt sát" của môn võ này. Trong khi đó, ở bộ môn Võ Cổ Truyền Việt Nam không hề đề cao đến việc kiểm soát clinch để dễ dàng tung chỏ gối. Tất cả chỉ là những kỹ thuật chỏ gối đơn lẻ.
Tuy sai lệch là thế nhưng bài viết này lại nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ đáng sợ của những người không chuyên. Thậm chí trên mạng xã hội cũng đã có chia sẻ những câu chuyện thực hư về võ sinh Việt đem điều này nói với các đồng nghiệp và bạn học tại Thái Lan. Đương nhiên kết cục khi đụng chạm đến niềm tự hào của một dân tộc luôn không bao giờ tốt đẹp.
2. Floyd Mayweather vs Manny Pacquiao
Năm 2015, fan võ thuật thế giới may mắn được chứng kiến trận Boxing vĩ đại nhất lịch sử khi hai tay đấm huyền thoại Manny Pacquiao và Floyd Mayweather cuối cùng cũng đã chịu thượng đài với nhau. Kết quả "độc cô cầu bại" Mayweather giành một chiến thắng bằng tính điểm sau một trận đấu công-thủ đẹp mắt.
Nhưng thay vì vui vẻ và mãn nguyện vì được chứng kiến trận đấu có một không hai này, cộng đồng không chuyên bắt đầu trở thành những nhà phân tích Boxing trên mạng xã hội. Qua đó, đại đa số đều cho rằng Floyd Mayweather đã chọn một lối đánh hèn nhát để giành chiến thắng. Tôi vẫn còn nhớ có một bình luận như thế này: "Đánh vậy mà cũng đòi vô địch. Chạy như thế thì để tôi đánh cũng được. Xem phí thời giờ!"
3. MV Yêu em là định mệnh
Vì không phải là một nhạc sĩ hay người có chuyên môn về âm nhạc, tôi sẽ không bàn tán đến chất lượng hay giọng ca trong ca khúc Hit của ca sĩ đình đám Cao Thái Sơn này.
Điều khiến dân võ cảm thấy hơi "khó chịu" chính là việc đội ngũ sản xuất đã "tiết kiệm" quá mức và để cho chàng ca sĩ vóc dáng thư sinh Cao Thái Sơn phải vật vã "múa" trước bao cát thay vì thuê cascadeur. Đó là còn chưa kể đến những màn tập luyện khiến người xem phải "cười ra nước mắt" vì hỡi ôi! Đánh đã sai mà còn quay chậm và quay cận cảnh cho rõ cái sai cái xấu ra. Thật hết biết.
4. MMA là môn tàn bạo không có tình người
MMA dù tàn bạo vẫn là một môn thể thao đối kháng, những nhà tổ chức không bao giờ muốn nhân viên của mình phải bỏ mạng cả. Do đó các trận MMA luôn được diễn ra dưới một bộ luật thi đấu nghiêm ngặt bảo vệ cho võ sĩ.
Cho dù đây đã là thế kỷ 21, những trò giao đấu ký giấy sinh tử chỉ còn có trong truyền thuyết xa xưa, nhiều người vẫn cho rằng MMA là một môn "đánh chết bỏ". Rõ ràng chiếc lồng sắt hoang dã của MMA đã tạo nên một hiệu ứng đặc biệt trong mắt khán giả.
Quan điểm này còn đi xa hơn nữa khi nhiều người, nhiều nhà "võ đạo" vào bình phẩm và cuối cùng đưa ra một câu kết "xanh rờn rợn": "Để MMA phù hợp với tinh thần thượng võ của người Việt, nên bỏ đánh nằm." Vâng! Bạn không nghe lầm đâu, loại bỏ đi điểm đặc trưng nhất của một bộ môn chỉ để "thượng võ".
Đối với họ, những cái ôm sau một trận đấu không phải là "thượng võ", việc ngồi nhà gõ phím chửi bới tất cả mọi thứ mới là "võ đạo".