Thể lực, yếu tốt quan trọng bậc nhất trong thể thao, đặc biệt là võ thuật. Kỹ thuật tốt nhưng đi kèm với thể lực yếu chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại. Thể lực hoàn hảo đi kèm với kỹ thuật yếu vẫn có thể may mắn giành chiến thắng. Nói như vậy là quá rõ để nhận ra tầm quan trọng của thể lực (Cardio) trong võ thuật. Tuy nhiên, khi nói về thể lực hay còn gọi là Cardio, người tập vẫn còn nhiều nhầm lẫn về nó.
Khái niệm của Cardio
Cardio là từ viết tắt của Cardiovascular, nghĩa là các bài tập có liên quan tới tim mạch. Đây không phải là một bài tập cụ thể mà là một phương pháp kết hợp hệ thống nhiều bài tập.
Các bài tập Cardio giúp cơ thể tăng đồng thời kiểm soát nhịp tim, hỗ trợ quá trình lưu thông máu. Nhờ vậy, việc cung cấp nhiều oxy tới toàn bộ cơ thể nói chung và tế bào cơ bắp nói riêng cũng được cải thiện theo hướng tích cực. Cardio nói cách khác là tập luyện cho tim, giúp tim hoạt động hiệu quả hơn trong vận động.
Dù mang nhiều dáng vẻ, Cardio vẫn là bài tập cho tim mạch
Quá trình vận động của cơ thể
Khi cơ thể hoạt động, cơ bắp cần nhiều oxi. Tim chính là nơi bơm oxi đến cơ bắp bằng các hồng cầu vận chuyển oxi. Khi bạn vận động và các cơ bắp làm việc nặng nhọc, cơ thể bạn sử dụng nhiều oxy hơn và sinh ra nhiều khí carbonic hơn. Để thích ứng với nhu cầu thêm này, hơi thở của bạn phải tăng từ khoảng 15 nhịp một phút (12 lít không khí) khi nghỉ ngơi, lên đến khoảng 40 đến 60 nhịp một phút (100 lít không khí) trong lúc tập thể dục. Hệ tuần hoàn của bạn cũng phải tăng tốc độ chuyên chở oxy đến các cơ để chúng duy trì hoạt động.
Thể lực chuyên môn
Một VĐV chạy bộ vẫn có thể bị kiệt sức khi tham gia một trận bóng đá nhịp độ cao, một võ sĩ MMA chuyên nghiệp vẫn có thể hụt hơi nếu như bước vào một trận đấu Boxing. Tất cả là vì những người này không có thể lực chuyên môn. Họ có thể chạy tốt, đấm tốt ở chuyên môn của họ, nhưng khi đưa họ vào môi trường gần như tương đương với nhịp độ khác, lối vận động khác, họ vẫn sẽ bị kiệt sức.
Những sai lầm trong tập luyện thể lực/cardio
Qua 3 khái niệm cơ bản trên về thể lực cho thấy rằng: Tập thể lực chính là tập luyện để tim làm việc hiệu quả hơn, bền bỉ hơn để có thể vận chuyển oxi đến cơ bắp tốt hơn so với thông thường. Tập luyện thể lực còn phải xem xét đến việc phù hợp với chuyên môn mình đang tập. Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều người vẫn chưa nắm rõ các khái niệm về tim mạch và cardio, họ dễ dàng mắc phải những sai lầm sau.
- Tập quá nặng
Khi nhắc đến tập nặng, những võ sinh mới thường hào hứng nghĩ đến cảnh những thần tượng như võ thuật tập luyện "như trâu như bò". Họ cũng đến phòng tập và cố gắng đẩy cơ thể lên ngưỡng tối đa trong khi tập luyện, nhưng chăm quá lại hóa hại. Thay vì tập luyện cho tim, họ lại nhầm lẫn với việc làm tim quá tải.
Một trong những sai lầm tiêu biểu nhất của tình trạng này là lạm dụng bài tập Tabata. Khi thiết kế bài tập, các nhà khoa học đã đặt mốc thời gian tối đa cho một bài Tabata là 4 phút, nhưng trong một lúc sung sức nào đó, những người tập không chuyên đẩy hẳn lên 2-3 lần Tabata. Điều này khiến bài tập Tabata không còn hiệu quả, hoặc tệ hơn, bạn vừa gây quá tải cho tim và có khả năng khiến tim ngừng đập đột ngột.
Hãy chú ý, có khi bạn đang làm trụy tim chứ chẳng phải tập luyện tim
- Lạm dụng chạy dài
Chạy bộ là bài tập cần thiết cho võ sĩ, nhưng nếu chỉ dùng mỗi một bài chạy bộ cho thể lực thì bạn đang mắc sai lầm lớn. Chạy dài giúp tăng khả năng vận động của tim mạch, tuy nhiên cơ bắp và cơ thể cũng sẽ thích nghi với việc chạy bộ hơn. Quãng đường chạy càng dài thì cơ bắp sẽ càng nhỏ, nhẹ hơn để giảm bớt gánh nặng lên toàn cơ thể trên đường chạy.k
Nếu sáng bạn làm nhỏ cơ, tối bạn đẩy tạ để làm to cơ thì liệu bài tập có thực sự hiệu quả? Thậm chí, ngay cả chạy dài cũng không phải là thể lực chuyên môn của võ thuật. Hãy tập chạy đúng cách.
Ngay cả chạy bộ cũng cần phải có lịch tập cụ thể, khoa học.
- Tập luyện vô tội vạ
Cardio chuyên biệt cho võ thuật cũng chia ra nhiều bài tập. Điều tối quan trọng để việc tập luyện võ thuật trở nên hiệu quả là mỗi bài tập trong ngày đều phải hỗ trợ cho nhau. Nếu bạn đang tập kỹ thuật và chiến thuật tốc độ, bỗng nhiên bạn chuyển sang bài cardio cho sức mạnh, kết quả tập luyện của ngày hôm đó coi như đi tong.
Với những võ sinh không chuyên, đây không hẳn là điều đáng lo ngại, nhưng nếu bạn có ý định theo đuổi nghiệp võ, bạn nên để ý đến vấn đề tự tập của chính mình.
Tập siêng là chưa đủ, còn phải tập hiệu quả.