Kể từ lâu, võ thuật cổ truyền luôn là một nét đặc trưng mỗi khi nhắc tới nền văn hóa Việt Nam. Bởi trong chiều dài lịch sử mở mang bờ cõi, bảo vệ tổ quốc, võ thuật Việt Nam luôn song hành với vai trò quan trọng qua mỗi thời kỳ. Từ đó, hình thành nên những vùng đất võ thuật nổi danh tới tận ngày nay.
Võ thuật Hà Thành
Là kinh đô của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, võ thuật ở Hà Thành và các tỉnh lân cận cũng vì thế mà phát triển thông qua các cuộc thi “võ cử”. Tại đây hình thành nhiều môn phái võ đa dạng, phát triển song hành như Thăng Long Võ Đạo, Nam Hồng Sơn, Lâm Sơn Động, Thanh Phong Võ Đạo, Việt Võ Đạo…
Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, với đặc thù thích hợp cho chiến trận, võ thuật cổ truyền Hà Nội tiếp tục đóng góp không nhỏ vào công tác đào tạo, huấn luyện chiến sĩ bộ đội. Những cây cổ thụ trong làng võ thuật Hà Thành như các lão võ sư Trần Tiến, Trần Công, Trần Hưng Quang… là minh chứng sống cho điều đó.
Cho tới thời nay, võ thuật cổ truyền Hà Thành vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy tinh hoa của các thế hệ đi trước. Các giải đấu Liên võ đường, Đại hội Võ thuật cổ truyền… được tổ chức hàng năm để bảo tồn văn hóa, tìm ra những cá nhân xuất sắc của làng võ cổ truyền.
Những vùng đất Vật cổ truyền
Kế bên Hà Thành, tiến về khu vực lân cận như Bắc Ninh – Bắc Giang (Kinh Bắc), Hà Tây, Hải Phòng, Hà Nam… Mỗi khi nhắc tới những miền đất này, không thể không nhắc tới đặc sản võ thuật: Vật cổ truyền. Mỗi dịp Tết đến xuân về, những hội vật cổ truyền luôn được người dân đón chờ nhất bởi sự hào hứng mà nó đem lại. Từng tiếng trống giục, hình ảnh những “ông đô” xe đài, những miếng vật khéo léo, uyển chuyển và mạnh mẽ được tung ra luôn thu hút sự chú ý của người dân xem hội.
Có thể nói, hiếm có quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á lại phát triển các kĩ thuật vật cổ truyền đa dạng như Việt Nam. Vật cổ truyền trông tưởng chừng đơn giản nhưng lại tỏ ra hiệu quả từ những sới vật ngày Tết cho đến khi mang ra chiến trận, được đặt tên theo từng "thế" đánh như "gồng", "sườn", "bốc"...
Không chỉ trong thời chiến, ngay thời bình, Vật cổ truyền Việt Nam luôn đóng góp cho Vật Việt Nam những cái tên xuất sắc. Từ những đô vật đã thành danh ở đấu trường quốc tế như Nguyễn Thị Lụa, Hà Văn Hiếu… và gần đây nhất là thành tích toàn bộ 12 tấm huy chương vàng ở SEA Games 30 đã được các đô vật Việt Nam “thâu tóm” trên đất khách Philippines.
Võ thuật Bình Định và miền Trung-Tây Nguyên
Nổi tiếng và là đại diện tiêu biểu của cụm từ “đất võ” tại Việt Nam, Bình Định là cái nôi của hàng loạt môn phái võ thuật danh tiếng.
Bắt đầu từ thời kì mở mang bờ cõi về phía Nam, võ thuật Bình Định phát triển mạnh mẽ dưới thời Chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn. Đặc biệt khi các cuộc giao tranh không ngừng nghỉ khiến người dân Bình Định luôn xem võ thuật như kĩ năng tất yếu trong cuộc sống của mình.
Bình Định Sa Long Cương, Kim Kê Tây Sơn Nhạn, Võ Trận Bình Định Gia,… những môn phái võ Bình Định vẫn duy trì và trở thành một biểu tượng văn hóa của khu vực này. Đặc biệt, tương tự như Vật cổ truyền, võ thuật Bình Định cũng tổ chức các giải đấu giao lưu ngày xuân như Võ đài Miền Trung – Tây Nguyên để tìm ra các nhân tài đối kháng. Trải qua hàng trăm năm phát triển, từ võ trận lên tới những võ đài đối kháng, võ thuật Bình Định đã đóng góp không nhỏ cho các sàn võ trong cả nước.
Video thi đấu Đêm Võ Đài tại Bình Định: