Mỗi khi nhắc tới võ thuật truyền thống, một trong những khái niệm đầu tiên được đề cập chính là “tấn pháp”. Đây là bài tập nhập môn của rất nhiều bộ môn yêu cầu võ sinh phải nắm vững trước khi tiếp cận các kĩ thuật cấp cao hơn.
Tấn pháp và vai trò của tấn pháp là gì ?
Mỗi môn phái lại có một định nghĩa về tấn pháp khác nhau. Trong Võ cổ truyền Việt Nam, tấn pháp được chia ra rất nhiều thế với các tiêu chuẩn về chiều cao (thượng – trung – hạ), theo việc mô phỏng các con vật (hạc, xà, kim kê,…). Cũng từ đó, cách định nghĩa và mô tả về thế tấn đặt ra làm tiêu chuẩn cho võ sinh thực hiện theo.
Tuy nhiên, dù có phức tạp về số lượng, hình dáng tư thế… tấn pháp cũng nhằm một mục đích đơn giản là giữ thăng bằng, kiểm soát trọng tâm cho cơ thể để thực hiện các kĩ thuật di chuyển, tấn công và phòng thủ.
Trong võ thuật hiện đại, tấn pháp (stance) cũng có mục đích tương tự là tạo sự cân bằng để ra các đòn thế cần thiết. Tuy nhiên, do chủ yếu sử dụng trên võ đài, số lượng các đòn đánh không quá nhiều nên các tư thế tấn của võ hiện đại thường ít phức tạp hơn.
Tại sao lại có sự khác biệt giữa tấn pháp trong võ hiện đại và cổ truyền?
Như đã đề cập ở trên, võ cổ truyền có phạm vi ứng dụng rộng hơn rất nhiều so với võ thuật hiện đại. Sinh ra trong môi trường phong kiến, chiến tranh, võ cử… võ cổ truyền phải thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn võ thuật hiện đại, giờ đây chủ yếu tập trung vào yếu tố thi đấu.
Để dễ hình dung, ta hãy thử quan sát một số thế tấn đặc trưng của võ cổ truyền. Ví dụ như đinh tấn, với một chân trước trụ sâu, chân sau sải dài; hay trung bình tấn với hai chân hạ thấp, vuông góc. Có thể nói, các thế tấn này gần như không xuất hiện trong các trận đấu võ thuật hiện đại bởi sự thiếu cơ động của nó. Lúc này, trọng tâm cơ thể hạ thấp, việc nhấc chân di chuyển sẽ trở nên rất khó khăn so với cách đứng tự nhiên.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bài đao Siêu xung thiên – một trong các bài võ quy định của Võ cổ truyền Việt Nam, ta sẽ lí giải được vai trò của các thế tấn trên. Đó là trong trường hợp sử dụng các vũ khí dài, nặng, với các đòn đánh có độ chấn mạnh khi kết thúc, những thế như trung bình hay đinh tấn sẽ rất hiệu quả trong việc kiểm soát vũ khí trong tay người sử dụng. Bởi lúc này, trọng tâm cơ thể còn chịu ảnh hưởng của vũ khí, cần một thế tấn rộng để kiểm soát.
Video Bài Siêu Xung Thiên – Bài đao pháp sử dụng rất nhiều các thế tấn thấp khi kiểm soát thanh đao:
Một ví dụ rất nhỏ để cho thấy, sự phức tạp trong số lượng các thế tấn của võ cổ truyền so với võ thuật hiện đại nằm ở mục đích đa dạng hơn. Sử dụng vũ khí, hoạt động trên các địa hình không bằng phẳng, mỗi một thế tấn lại được võ cổ truyền ứng dụng cho một tình huống khác nhau.
Tấn pháp trong đối kháng
Trở lại với điểm chung là thi đấu đối kháng. Lúc này, tấn pháp phức tạp không còn là lựa chọn tối ưu của các võ sĩ trên sàn đấu. Bởi mỗi môn võ, số lượng kĩ thuật khi thi đấu ở áp lực cao và liên tục buộc họ phải tối giản hóa tư thế đứng của mình nhất có thể.
Trên thực tế, tấn pháp cũng chỉ là một cách tập để rèn luyện cơ bắp của chân, thân dưới nhằm phục vụ cho mục đích di chuyển, hay chính là “bộ pháp”. Bởi dù trong thi đấu hay chiến trận, không ai muốn mình trở thành một mục tiêu cứng nhắc để cho đối thủ thoải mái tấn công, sự linh hoạt mới là điều quan trọng nhất.
Chính vì hiểu sai vai trò của tấn pháp, không ít võ sinh có những cách tập luyện sai lầm và thiếu sót không đáng có.
Tập luyện tấn pháp không gắn liền với bộ pháp
Đây chính là yếu điểm thường gặp nhất, bởi có không ít võ đường, môn sinh chỉ tập trung đứng tấn hàng giờ liền, với những thế tấn, bài quyền phức tạp. Trong khi đó, khi chuẩn bị cho các trận đấu đối kháng, họ không có sự thay đổi phù hợp, võ sĩ không được tiếp cận với những bộ pháp dành cho thi đấu riêng biệt. Lúc này, tấn pháp và bộ pháp giống như 2 mảnh ghép hoàn toàn không thể kết nối trong một bức tranh tổng thể.
Để nói về các tư thế tấn, không hẳn là võ thuật hiện đại không có các “tư thế” giống với tấn pháp của võ cổ truyền. Ví dụ với tư thế trung bình tấn, thực chất cũng là động tác giữ squat trong các bài tập hiện đại.
Trong bộ môn Boxing, việc giữ tư thế squat trong một thời gian dài là cách tập phổ biến để rèn luyện cho cơ bắp của đôi chân. Thế nhưng, các bài tập bổ trợ cho bộ pháp của Boxing còn đa dạng hơn thế. Đó là chưa kể, từ tập luyện bổ trợ chuyên biệt, võ sĩ Boxing còn kết hợp 2 yếu tố trên với các bài tập thực tế với huấn luyện viên (đánh đích), với bạn tập (đấu tập, sparring). Tất cả đều nhằm sử dụng hiệu quả đôi chân đã được rèn luyện bởi “tấn pháp” và “bộ pháp”.
VIDEO Bài tập “đứng tấn” trong Boxing:
KẾT
Như vậy, tấn pháp vốn là một điểm chung dù là bất cứ môn võ nào. Tuy nhiên, việc hiểu rõ mục đích khi tập luyện tấn pháp cũng có vai trò tiên quyết với người võ sĩ. Bởi chỉ có hiểu, chúng ta mới bổ sung thêm vào những bài tập sau tấn pháp cho từng trường hợp khác nhau.
Tập luyện tấn pháp sai lầm và thiếu sót, cũng giống như chúng ta chăm chút cho chiếc xe của mình thật đẹp, thật mạnh, nhưng lại quên học cách lái nó trên từng cung đường, địa hình phù hợp. Và từ đó, trở nên lúng túng khi áp dụng thực tế và vô tình tự gây hại cho bản thân.