Chính thức được công nhận tại Việt Nam muộn hơn so với nhiều môn võ khác, nhưng Muay Thái lại sớm có được sức hút với cộng đồng võ thuật nhờ yếu tố chuyên môn cao và tính giải trí đặc sắc. Đây cũng lí do này khiến bộ môn đối kháng toàn diện nhanh chóng được nhiều võ sĩ lựa chọn theo đuổi.
Năm 2009, Việt Nam tổ chức Đại hội Thể thao trong nhà Châu Á (Asian Indoor Games 3) có nội dung thi đấu Muay Thái và có những thành tích quốc tế nhất định. Từ năm 2010, giải Cúp các Câu lạc bộ Muay toàn quốc đầu tiên được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu lần đầu Muay gia nhập các môn thể thao có hệ thống giải quốc gia.
Từ năm 2011 tới nay, môn Muay đã phát triển với hệ thống các giải Vô địch toàn quốc; giải Vô địch trẻ toàn quốc; giải Vô địch các CLB toàn quốc cùng các sự kiện quốc tế mở rộng hàng năm. Trong hành trình đó, Muay Việt Nam đã tìm ra nhiều tài năng xuất chúng, tiến ra các đấu trường khu vực và thế giới với những thành tích vang dội.
Nguyễn Trần Duy Nhất chính là cái tên đầu tiên mỗi khi người ta nhắc tới Muay Thái tại Việt Nam. Võ sĩ sinh năm 1989 bắt đầu bén duyên với môn võ này từ năm 2008 khi được chọn vào đội tuyển Muay TP. Hồ Chí Minh.
Với thành tích nhiều năm liền không có đối thủ tại đấu trường quốc nội, Nguyễn Trần Duy Nhất được khán giả ưu ái gọi với cái tên “Độc cô cầu bại Muay Việt Nam” trong gần 10 năm.
Ở võ đài quốc tế, Duy Nhất cũng là võ sĩ tiêu biểu với 7 lần HCV World Muay Thai Federation hệ B; 2 HCV Asian Beach Games (2014, 2016); HCV Asian Indoor Games 2013; HCB SEA Games 2009, HCĐ SEA Games (2013, 2019); HCB Asian Martial Arts Games 2009; HCĐ IFMA Thế giới 2019.
Đặc biệt, ở võ đài chuyên nghiệp, Nguyễn Trần Duy Nhất ghi dấu ấn ở hàng loại giải nhà nghề như AFC, THAI Fight, Uni Super Championship, WLC (môn Leithwei) và gần đây nhất là giải võ thuật danh tiếng ONE Championship.
Nếu Nguyễn Trần Duy Nhất là cái tên tiêu biểu nhất trong số các nam võ sĩ, thì Bùi Yến Ly – võ sĩ người Bắc Giang đang thi đấu cho đội tuyển Muay-Kickboxing Hà Nội là cái tên bất khả xâm phạm ở hạng cân 54kg nữ.
Nữ võ sĩ sinh năm 1995 đã có 10 năm liên tiếp vô địch các giải đấu cấp quốc gia ở hai bộ môn Muay – Kickboxing. Ở đấu trường quốc tế, cô cũng là võ sĩ duy nhất của Việt Nam giành tới 2 huy chương Vàng SEA Games (2015, 2019), 4 HCV Thế giới IFMA, 1 HCV World Games.
Bên cạnh đó, những chức vô địch Châu Á ở võ đài Kickboxing, 2 HCV Asian Beach Games, 1 HCV Asian Indoor Games là minh chứng rõ nhất cho đẳng cấp của Bùi Yến Ly.
Sinh năm 1988, Nguyễn Kế Nhơn được biết tới như một trong những gương mặt gạo cội của làng Muay Việt Nam khi nhiều năm liền nắm giữ hạng cân 51kg với 11 HCV quốc gia.
Sự nghiệp nhiều lần biến động của Nguyễn Kế Nhơn còn giúp anh kinh qua nhiều môn võ khác nhau và đều gặt hái thành công nhất định: HCĐ Đại hội Võ thuật Châu Á 2009; HCV Đại hội TDTT Toàn quốc 2010 (Vovinam); Vô địch Kickboxing Toàn quốc 2011; HCĐ Asian Beach Games 2016 (Muay), Vô địch giải bán chuyên Coco Championship 2017.
Dấu ấn đáng chú ý trong sự nghiệp của Nguyễn Kế Nhơn chính là chiếc đai vô địch WBC Muay Thái – một trong những danh hiệu uy tín nhất của làng Muay thế giới sau khi đánh bại võ sĩ người Nga Sergei Belik năm 2018. Nhờ thành tích này, anh cũng là võ sĩ Việt Nam đầu tiên lọt Top 10 võ sĩ hạng super-flyweight của WBC cùng năm.
Nhắc đến những tên tuổi lớn chắc chắn không thể bỏ qua Võ Văn Đài, võ sỹ sinh năm 1986 quê Đồng Nai, tham gia đội tuyển Muay TP. Hồ Chí Minh năm 2008. So với những cái tên trên, anh là người rất hiếm khi xuất hiện trước truyền thông nên không thường được nhiều khán giả nhắc tới.
Tuy nhiên, điều đó không làm lu mờ đi thành tích của Võ Văn Đài - người từng giành HCV Châu Á 2012; HCB SEA Games (2011, 2013); HCB Thế giới (2012, 2014); HCB Asian Indoor Games; HCĐ Asian Beach Games 2014 và 5 năm liền Vô địch Quốc gia.
Dấu ấn đặc sắc nhất của Võ Văn Đài với khán giả Việt Nam chính là lần võ sĩ này tham dự THAI Fight, giải đấu uy tín của Hoàng gia Thái Lan trong lần tới Việt Nam năm 2015.
Tại đây, Võ Văn Đài đã đối đầu Insee Samui Lukjaoporongtom Kromsappasamit một đại diện từ vùng đất sản sinh ra môn võ này. Bị đánh giá thấp hơn cả về thể hình, tuổi tác và đặc biệt là kinh nghiệm thi đấu gần 100 trận của đối thủ, Võ Văn Đài vẫn mang tới một thế trận đôi công nghẹt thở qua 4 hiệp đấu để giành thắng lợi.
Lối đánh càn lướt, tấn công của Võ Văn Đài cùng ngoại hình của anh khiến khán giả liên tưởng tới “thánh Muay” Buakaw Banchamek, đó cũng là lúc biệt hiệu “Buakaw Việt Nam” ra đời.
Đón đọc bài tiếp theo: Top 10 võ sĩ Muay Thái hàng đầu Việt Nam: Tượng đài Duy Nhất