Nguyễn Trần Duy Nhất sinh ngày 21 tháng 3 năm 1989 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Anh vốn quê gốc Quảng Ngãi nhưng dành chủ yếu thời gian lớn lên tại Lâm Đồng, cũng là nơi anh bắt đầu hành trình võ thuật nối nghiệp gia đình.
Cha của Nguyễn Trần Duy Nhất là võ sư Nguyễn Trần Diệu, hay còn được giới võ thuật của thời kì trước biết đến với cái tên Tấn Phi Diệu, truyền nhân của “lò Tấn” – Tấn gia quyền nổi tiếng. Mẹ anh trước đây cũng là một võ sư từng giành chức vô địch quốc gia nhiều năm về trước, võ sư Minh Ánh Ngọc.
Có cha mẹ đều là những võ sư nổi tiếng, Nguyễn Trần Duy Nhất đã sớm làm quen với võ thuật từ năm 3 tuổi và bắt đầu thi đấu ở các giải địa phương từ những năm học cấp hai.
Tìm đến Muay Thái
Năm 2007, Nguyễn Trần Duy Nhất vào TP. Hồ Chí Minh theo học Đại học Thể dục Thể thao, đây cũng là thời điểm anh bén duyên với bộ môn Muay Thái sau những ấn tượng về môn võ này qua series phim nổi tiếng “Truy tìm tượng Phật”. Ngay khi đội tuyển Muay TP. Hồ Chí Minh thành lập, Nguyễn Trần Duy Nhất đã đến đăng ký tham gia khi còn là sinh viên năm nhất đại học.
Với nền tảng võ thuật từ gia đình, cùng khả năng thích ứng nhanh với bộ môn đối kháng toàn diện như Muay Thái, chàng võ sĩ từ Lâm Đồng nhanh chóng trở thành cái tên chủ lực của Muay TP. Hồ Chí Minh và đội tuyển Muay Quốc gia.
Năm 2009, Duy Nhất ghi dấu ấn tại Đại hội Thể thao võ thuật Châu Á với tấm huy chương Bạc. Cũng trong thời gian này, anh giành tiếp tấm huy chương Vàng ở Đại hội Thể thao trong nhà Châu Á (Asian Indoor Games) ở Việt Nam. Đáng chú ý, các trận chung kết của Duy Nhất đều diễn ra trước những võ sĩ mạnh của Thái Lan, cho thấy khả năng cạnh tranh của anh tại các võ đài quốc tế.
Hành trình gian truân tại SEA Games
Sau 2 thành công tại các giải võ thuật Châu Á, Nguyễn Trần Duy Nhất bước vào SEA Games 2009 trên đất Lào đầy tự tin. Anh thắng một mạch tới trận chung kết gặp võ sĩ người Thái Lan, đáng tiếc, dù chơi lấn lướt hoàn toàn đối thủ, Duy Nhất lại không thể có được phán quyết của trọng tài và đành dừng bước với tấm huy chương Bạc.
Sau đó, liên tiếp đại diện Việt Nam tại các kì SEA Games 2013, 2017, 2019, Nguyễn Trần Duy Nhất đều chưa thể giành được tấm huy chương Vàng ở đại hội thể thao khu vực. Đây cũng là danh hiệu còn thiếu của anh ở võ đài nghiệp dư chưa thể hoàn toàn.
Các danh hiệu thế giới và chuyên nghiệp
Trái với những lần lỡ hẹn tại SEA Games, Nguyễn Trần Duy Nhất để lại nhiều dấu ấn ở các võ đài thế giới khi từng 7 lần giành HCV World Muay Thai Federation, 2 HCV Asian Beach Games (2014, 2016); HCĐ IFMA 2019.
Bên cạnh việc đại diện Việt Nam thi đấu ở các võ đài Muay nghiệp dư, Nguyễn Trần Duy Nhất còn thành công ở sàn đấu chuyên nghiệp. Anh từng thắng điểm võ sĩ người Pháp Victor Pinto tại THAI Fight Vietnam 2015 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh; 2 chiến thắng tại Asia Fighting Championship trước các đối thủ Trung Quốc các năm 2017, 2018.
Năm 2019, Duy Nhất thử sức ở với môn Lethwei, thể thức thi đấu không găng, dùng dây thừng quấn tay và cho phép húc đầu tại World Lethwei Championship. Anh cũng xuất sắc vượt qua 2 đối thủ người Campuchia và Malaysia để giành cúp tại giải đấu này.
Những thành công ở các võ đài khắp thế giới đã giúp Nguyễn Trần Duy Nhất có được bản hợp đồng với giải võ thuật ONE Championship. Năm 2019, anh nối dài chuỗi thắng với 2 trận knockout Azwan Che Wil và Yuta Watanabe, đứng trước cơ hội lớn tranh đai vô địch hạng flyweight.
Lối đánh và sở trường
Nền tảng võ thuật cổ truyền giúp Nguyễn Trần Duy Nhất kết hợp được cả bộ pháp vào các kĩ thuật đánh cương mãnh của Muay Thái. Võ sĩ sinh năm 1989 nhiều lần nhấn mạnh đây chính là phương cách anh thường sử dụng để đối phó với những đối thủ khác nhau, cũng như tạo ra phong cách đánh của riêng mình.
“Khi mà mình tập luyện chuyên sâu về bộ môn Muay Thái, thì mình thấy Muay Thái có một đặc điểm là rèn sao cho mình trở nên rắn, cứng, người ta tấn công thì mình be gối phòng thủ, né nhanh và phản đòn liền. Nhưng Muay Thái lại có một nhược điểm là bộ di chuyển không linh hoạt. Do đó Nhất kết hợp Muay Thái với bộ di chuyển của môn võ tự do Tấn Gia Quyền ở nhà”.
“Mình sẽ cần sử dụng đến cái rắn, mạnh của Muay Thái để ra đòn dứt khoát; còn Tấn Gia Quyền giúp mình linh hoạt hơn ở phần di chuyển. Di chuyển linh hoạt là cái rất có lợi, mình linh hoạt là mình né tốt, người ta nhào vào đánh cứ hụt mãi thì người ta sẽ mau tốn sức, bị mệt. Đó là thời điểm ta phản công lại và giành chiến thắng”. Duy Nhất chia sẻ.
Qua năm 2021 và giai đoạn đầu 2021, Nguyễn Trần Duy Nhất cũng bắt đầu chia sẻ các hình ảnh tập luyện Nhu thuật Brazil (BJJ, Jiujitsu) và dự lớp tập huấn MMA tại TP Hồ Chí Minh. Anh cũng chia sẻ về khả năng tham gia thi đấu võ thuật tổng hợp trong tương lai.
VIDEO Nguyễn Trần Duy Nhất vs. Nguyễn Xuân Phương - Chung kết Muay VĐQG 2020:
Đón đọc bài tiếp theo: Top 10 võ sĩ Muay Thái hàng đầu Việt Nam: Bùi Yến Ly và cú đúp HCV Muay độc đáo