Trần Thị Mỹ Nga và con đường tìm người kế thừa cho Muay Việt

Nhân Kiệt
thứ ba 23-4-2019 5:00:00 +07:00 0 bình luận
Trần Thị Mỹ Nga không phải là một võ sĩ, nhưng chị lại yêu võ thuật đến vô cùng. Chấp nhận đối mặt với kinh tế khó khăn, đánh đổi thanh xuân, chị miệt mài cho con đường tìm kiếm những tài năng kế thừa Muay Việt.

Nếu những ai đã từng xem những giải đấu mà đội tuyển Muay Tp. Hồ Chí Minh tham dự, thì chắc hẳn họ không quên được hình ảnh của một cổ động viên - huấn luyện viên nữ cổ vũ nhiệt tình và máu lửa nhất khán đài, người một mình “chấp hết” các cổ động viên của đội bạn. Chị là Trần Thị Mỹ Nga, sinh năm 1982, ở Tp. Hồ Chí Minh. 

Tốt nghiệp đại học Sư phạm khoa Giáo dục Thể chất, chị Nga là người rất đam mê võ thuật. Chị chia sẻ: “Mình cũng muốn ngồi đàng hoàng cổ vũ, nhưng khi học trò mình bước lên đài là “máu nghề” nổi lên và mình cổ vũ, chỉ đạo thật to để các em vững tinh thần”.

Trần Thị Mỹ Nga và con đường tìm người kế thừa cho Muay Việt

 Chị Trần Thị Mỹ Nga (áo xanh dương) “chấp hết” các cổ động viên của đội bạn bằng sự nhiệt huyết

Không lên đài thi đấu như các nữ võ sĩ khác, chị Mỹ Nga thể hiện hiện tình yêu võ thuật của mình bằng một cách riêng biệt. Chị chọn cách nuôi nấng và dạy dỗ các em ở độ tuổi từ 13 đến 25 tuổi, đa số các em này có hoàn cảnh khó khăn nhưng thích thi đấu võ đài.

Ý định này được nhen nhóm khi chị đi dạy thể dục ở trường Lương Định Của vào năm 2007. Thấy các em có hoàn cảnh khó khăn (nhà nghèo, cha mẹ vất vả mưu sinh bằng nghề mua ve chai, bán dạo hay bán vé số...) nhưng có năng khiếu thể thao, chị dẫn dắt các em về ăn ở, tập luyện cùng với chị và thầy Cao Văn Tài vào những dịp cuối tuần.

Trong quá trình tập luyện, các em bộc lộ năng khiếu võ thuật vượt trội và tiếp xúc với các em càng lâu chị càng yêu quý các em hơn. Chính vì điều đó đã khiến chị Trần Thị Mỹ Nga đưa ra một quyết định táo bạo: “phải đưa các em về nuôi nấng và dạy võ”.

Nói là làm, chị tập hợp khoảng 10 em có năng khiếu, đưa về nhà ở cùng chị. Vừa phải lo cho gia đình, vừa phải lo cho các em võ sĩ trẻ, đôi lúc chị Nga cảm thấy rất khó khăn nhưng vẫn cố gắng gồng gánh để các em được đầy đủ. Ngoài cái ăn, chỗ ở, chỗ tập luyện thì chị Trần Thị Mỹ Nga còn chăm lo cho cả chục em võ sĩ trẻ được học hành đến nơi đến chốn. Đội ngũ này có đầy đủ các lứa tuổi, từ học sinh cho đến sinh viên và những em quá tuổi thì được lo đi học bổ túc...

Trần Thị Mỹ Nga và con đường tìm người kế thừa cho Muay Việt

Ngoài cái ăn, chỗ ở, chỗ tập luyện thì chị Trần Thị Mỹ Nga còn chăm lo cho cả chục em võ sĩ trẻ được học hành đến nơi đến chốn

Vì muốn lo chu toàn cho các em, nhiều lúc chị Nga đã lâm vào cảnh kinh tế khó khăn. Chị tâm sự rằng bản thân “có khi gần như vỡ nợ nhưng mà vẫn cố, chứ không nỡ buông bỏ các em”.

Cứ thế gồng gánh trong hơn mười năm qua, bao lớp võ sĩ của chị Trần Thị Mỹ Nga ngày nào giờ đã thành tài, không chỉ trong nước mà cả đấu trường quốc tế.

Những cái tên rất quen trong làng võ đối kháng như: Nguyễn Thị Thanh Trúc, Nguyễn Thanh Tùng, Phạm Tiến Hải, Nguyễn Đức Đại, Lưu Xuân Đức... đều qua sự chỉ dạy hoặc nuôi nấng của chị. Và hiện nay, những cái tên như Nguyễn Đình Minh Khuê, Nguyễn Thị Lệ Khóa (huy chương đồng Muay Thái giải Vô địch trẻ Thế giới)... cũng đang trở thành những niềm hy vọng mới của nền Muay Việt.

Trần Thị Mỹ Nga và con đường tìm người kế thừa cho Muay Việt

Cứ thế gồng gánh trong hơn mười năm qua, bao lớp võ sĩ của chị Trần Thị Mỹ Nga (hàng sau, thứ 4 từ trái sang) đã thành tài

Một điều đặc biệt là dưới sự bảo bọc của chị Nga, các em rất chăm ngoan và nhanh tiến bộ. Đối với các em thi đấu tốt, tùy vào trình độ sẽ được đưa vô tuyến võ sĩ quận 2 (nơi chị đang làm công tác huấn luyện) hoặc võ sĩ tuyến Tp. Hồ Chí Minh. Khi các em được vào đội tuyển, có thu nhập, các em sẽ trở lại phụ chị về kinh tế để chăm lo cho thế hệ đàn em tiếp theo.

Xuất phát từ niềm đam mê võ thuật và một tâm hồn cao đẹp, những gì chị Mỹ Nga làm đã ươm mầm cho bao tài năng võ thuật được vươn xa.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm