Những "quả tạ" trên con đường phát triển võ truyền thống

Khôi Nguyên
thứ năm 18-6-2020 10:00:00 +07:00 0 bình luận
Sự phát triển của những môn võ hiện đại như Boxing, Kickboxing hay Muay thể thao đã dần khiến các môn cổ truyền mất đi vị thế của mình, nhưng đây lại là vấn đề do những người truyền bá gây ra.

Nếu bạn vẫn còn nhớ võ sư Thái Cực Ngụy Lôi đã thảm bại ra sao trước Từ Hiểu Đông, hay việc giới võ cổ truyền Trung Quốc thuê những võ sĩ Tán Thủ, Muay Thái mặc đồ Thái Cực, Thiếu Lâm để thi đấu trên võ đài quốc tế, thì tất cả những điều đó là những sự xấu xí trong giới võ truyền thống. Nhưng dù xấu xí, nó vẫn chỉ là bề nổi, là một phần nhỏ của những tác động tiêu cực lên võ truyền thống.

Tôi xin lấy nền võ thuật Trung Quốc ra để nói, vì đơn giản đây là cái nôi của võ thuật Đông Á thời trung và cận đại. Trung Quốc là quốc gia có đến hàng trăm môn võ khác nhau với nền văn hóa võ thuật có thể nói là đa dạng bậc nhất thế giới, nhưng những hào quang đẹp đẽ đó đã và đang ngày càng trở nên tối tăm khi các môn võ mang tính chiến đấu cao như Boxing và MMA lên ngôi.

Võ truyền thống càng bị lép vế trước sự phát triển của những môn đối kháng hiện đại

Lép vế về kỹ thuật và kỹ năng thi đấu đã đành, lớp võ sư truyền thống bắt đầu sử dụng chiêu trò để tự nâng tầm của mình lên, những màn "ảo thuật" núp danh khí công, kình lực cũng theo đó ra đời. Những pha ném đá, công kích thậm chí ẩu đả, chà đạp lẫn nhau núp danh "giao đấu" cũng bắt đầu trở thành vấn đề nhức nhối trong giới võ truyền thống.

Vậy điều gì khiến võ truyền thống càng ngày càng trở nên xấu xí? 

Sự truyền tin lệch lạc, thêm mắm dặm muối của người kể chuyện

Trung Quốc là nơi đất rộng, người đông. Đây vừa là yếu tố tạo nên sự đa dạng của võ thuật Trung Quốc, cũng vừa là yếu tố khiến võ truyền thống Trung Quốc dần trở thành một nơi tạp nham với đủ các loại võ sư trên trời dưới đất.

Thời xa xưa, thông tin không thể nhanh chóng và chính xác như bây giờ, mọi thông tin đều được đi theo hình thức truyền miệng, do đó, rất khó để thông tin giữ được độ chính xác như ban đầu. Ví dụ điển hình nhất cho yếu tố thêm mắm dặm muối của người truyền tin có thể kể đến trận đấu khuynh đảo giới võ Trung Quốc ngày xưa đó là trận đấu giữa Tông sư Thái Cực Ngô Công Nghi và võ sự Bạch Hạc Quyền Trần Khắc Phu vào năm 1954, tại Macau.

Khi đó, tin mà tờ Đại Công Báo (Ta Kung Pao) của Hong Kong đưa về cuộc đấu này được viết rất sôi động. Vòng đấu thứ hai của cuộc đấu mô tả trên tờ Đại Công Báo diễn ra như sau:

“Trần Khắc Phu bỗng nhiên dùng 'Liêu Âm chùy', dùng lực vung về phía Ngô Công Nghi. Ngô Công Nghi uốn lưng, vươn người về phía trước, nhưng vẫn bị 'Liêu Âm chùy' của Trần Khắc Phu đánh trúng bụng. Tiếp đó, Ngô Công Nghi tung ra một đòn 'Thất Tinh chùy', tay phải đánh trúng sống mũi của Trần Khắc Phu. Mũi của Trần Khắc Phu lập tức chảy máu lênh láng. Dưới võ đài, khán giả hò la náo nhiệt."

Thứ võ thuật mà Ngô Công Nghi và Trần Khắc Phu vốn chẳng khác những đứa trẻ đang đánh nhau là bao

Thực tế, đoạn băng quay lại cuộc đấu không hề cho thấy hai võ sư tung ra chiêu thức đặc biệt nào của Thái Cực quyền hay Bạch Hạc quyền. “Liêu Âm chùy” thực chất chỉ là cái đạp chân, còn “Thất Tinh chùy” không khác gì một nông phu đang khua tay. Rõ ràng, thứ võ thuật mà Ngô Công Nghi và Trần Khắc Phu vẫn trông như trẻ con đánh lộn.

Nếu có thể tận mắt chứng kiến trận đấu, liệu có bao nhiêu người còn tin tưởng vào năng lực thật của các vị tông sư tự xưng? Đáng tiếc là tại thời điểm bấy giờ, người dân Trung Quốc chỉ có thể nghe tường thuật về trận đấu mà thôi.

Màn sương mờ ảo của các "đại tông sư" tự xưng

Theo sự phát triển của thế giới, xã hội luôn xoay vần, thích nghi hoặc bị đào thải là một quy luật bất biến. Võ truyền thống của Trung Quốc cũng chọn cho mình một con đường thích nghi với sự phát triển của xã hội, nhưng thay vì tập trung vào khoa học chiến đấu, họ lại tập trung vào việc tạo ra một màn sương ảo hư hư thực thực giữa khoa học chiến đấu và những ham muốn vượt qua giới hạn thể chất của người tập.

Giới võ sư truyền thống Trung Quốc đánh vào điểm yếu chết người từ phần lớn những người học võ: sự nóng nảy hấp tấp và cả sự lười biếng.

Võ sư Ngụy Lôi dùng khí công Thái Cực xô ngã trụ sắt, giữ bồ câu không bay.... và rất nhiều màn biểu diễn huyền ảo khác

Những thuật ngữ như thực chiến, hiệu quả luôn được nhồi nhét vào đầu các võ sinh non nớt để rồi các người thầy lại càng khua môi múa mép tạo nên những hàng nghìn hàng nghìn lớp võ nhắng nhít với đủ mọi chiêu thức, đủ mọi bài học và đương nhiên là đủ các loại học phí khác nhau...

Bán võ cũng như kinh doanh, với những người thầy có trình độ thật sự, họ sẽ bán kiến thức, bán kinh nghiệm của mình, nhưng với những con buôn "đểu", họ sẽ cố quảng cáo "láo", phóng đại những thứ họ có hòng lấn át những người thầy chân chính. Tiếc thay, những lời quảng cáo đa cấp kiểu "tập nhẹ đánh giỏi", "chóng thành cao thủ" lại được chú ý hơn so với những cam đoan về chất lượng huấn luyện của người thầy đứng lớp.

Do không thể dùng giao đấu thật sự để kiểm chứng, lại càng không đủ trình độ để có thể giảng giải những vấn đề phức tạp, các võ sư tự phong này chọn cách ngược lại, phức tạp hóa những vấn đề cơ bản. Họ chứng minh thực lực của mình dựa trên những màn ảo thuật, những màn dàn dựng công phu để hòng kiếm được nhiều đệ tử. Nói cách khác, những võ sư tự phong lấy số lượng để đè bẹp chất lượng.

Tâm lý của những võ sinh mới

Khi nghe đến việc tập luyện phải "đổ mồ hôi", sôi nước mắt", rất nhiều võ sinh lắc đầu ngao ngán, tuy nhiên, cũng chính những võ sinh này lại là những người ôm mộng tưởng "một địch mười". Tư tưởng lười biếng nhưng lại ôm mộng cao khiến họ dễ dàng sa vào bẫy của những võ sư tự phong. 

Tuy dạng võ sinh lười biếng là dạng đáng trách, giới võ sinh còn một dạng võ sinh đáng thương đó chính là những con người siêng năng thật sự, sẵn sàng đánh đổi mồ hôi nước mắt nhưng lại thiếu kiến thức chuyên môn, dễ sa vào những lớp võ "rởm" bởi những lời quảng cáo bốc phét ngập tràn trên truyền thông. Dù sao đi nữa, những lớp võ sinh này sẽ sớm nhận ra những điều bất hợp lý trong lớp võ của mình mà rời đi tìm kiếm những người thầy khác.

Võ sinh mới như một tờ giấy trắng, tạo nên một kiệt tác hay nguệch ngoạc làm hỏng tờ giấy là lỗi của người võ sư

Có thể nói rằng, những quả tạ mà các môn võ truyền thống phải gánh chịu phần nhiều đến từ lớp người muốn kiếm chác từ võ thuật. Vì đồng tiền, vì lợi ích, những người thầy rởm sẵn sàng làm vấy bẩn mọi cái hay, cái đẹp mà võ thuật truyền thống đem lại.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm