Vì sao thể thao đối kháng không tổ chức theo thể thức 1 hiệp?

Huỳnh Phi Sang
thứ sáu 18-1-2019 2:00:00 +07:00 0 bình luận
Thể thức 1 hiệp (đấu tới khi có một người gục ngã hoàn toàn hoặc chịu thua) đã từng là luật đấu của một số môn võ. Vì sao điều này không còn tồn tại?

Một trong những sự kiện đầu tiên thay đổi hoàn toàn tư duy "1 hiệp đấu" của làng võ có lẽ là việc Jack Broughton cho ra đời bộ luật Quyền Anh mà ngày nay vẫn được gọi là "luật Broughton" (năm 1743). Luật Broughton tiến bộ đến nỗi nó xóa bỏ tình trạng "võ đài tay không" của quyền Anh. Cũng chính từ bộ luật Broughton này mà khái niệm "hiệp đấu" Quyền Anh ra đời. Sau này, sự ảnh hưởng của Quyền Anh khiến khái niệm luật đấu được áp dụng vào mọi môn khác như MMA, Kickboxing, Muay Thái...

Vì sao thể thao đối kháng không tổ chức theo thể thức 1 hiệp?
Jack Broughton - người được xem như "cha đẻ" của tư duy thi đấu nhiều hiệp.

So với thể thức thi đấu 1 hiệp, việc thi đấu nhiều hiệp tạo nên những cải tiến sau đây:

Thể lực và an toàn cho võ sĩ

Khoa học ngày nay nghiên cứu được rằng cơ thể con người bị giới hạn thể lực theo một chuỗi phản ứng sinh lý. Nói một cách đơn giản khi cơ thể rơi vào trạng thái hoạt động mạnh, cơ bắp sẽ "khóa" nguồn năng lượng vào cơ bắp mà chỉ tập trung sử dụng một lượng giới hạn năng lượng. Kể cả với các võ sĩ chuyên nghiệp được tập luyện bài bản để xây dựng cơ bắp một cách chính xác và tối ưu, lượng năng lượng này chỉ đủ để dùng trong khoảng 3 phút thi đấu liên tục. Sau đó, họ cần nghỉ ngơi một chút để cơ bắp hồi phục rồi mới quay lại với bản lĩnh và thể lực thi đấu tốt nhất.

Vì sao thể thao đối kháng không tổ chức theo thể thức 1 hiệp?
Nếu các võ sĩ cạn kiệt thể lực, họ rất dễ gặp chấn thương nghiêm trọng vì mất khả năng phòng vệ hoàn toàn.

Trước hết, việc để các võ sĩ nghỉ ngơi sẽ cho võ sĩ nhiều cơ hội thể hiện hơn, cống hiến một trận đấu hay và nhiều sắc màu hơn. Kế đến, việc bảo toàn thể lực cho võ sĩ rất quan trọng. Hầu hết các chấn thương nguy hiểm xảy ra khi một trong hai võ sĩ bị cạn kiệt thể lực, không còn đủ khả năng điều khiển kỹ thuật phòng vệ và lãnh nhận pha tấn công trước khi trọng tài kịp can thiệp.

Dễ so sánh võ sĩ

Thể thao đối kháng càng phát triển, các võ sĩ ngày càng thu hẹp khoảng cách trình độ. Cơ thể con người cũng có giới hạn và dường như con người ngày càng đến gần với giới hạn đó. Việc so sánh các võ sĩ cần một cái nhìn toàn diện hơn yếu tố thắng thua - điều hoàn toàn có thể xảy ra nhờ một pha đòn "hên xui".

Vì sao thể thao đối kháng không tổ chức theo thể thức 1 hiệp?
Võ thuật đối kháng càng phát triển, khoảng cách trình độ giữa các võ sĩ đỉnh cao càng bị thu hẹp và cần thời gian thi đấu lâu hơn để phán đoán chính xác người nắm phần thắng xứng đáng.

Đó cũng là lý do vì sao Quyền Anh chuyên nghiệp không chỉ tính điểm theo số lượng cú đấm trúng đích mà còn nhiều yếu tố khác như khả năng kiểm soát trận đấu, xử lý tình huống, sự cân bằng khả năng tấn công - phòng thủ. Trận đấu càng kéo dài, không chỉ chất lượng trận đấu được nâng cao nhờ có nhiều tình huống hơn mà còn thể hiện rõ sự khác biệt trình độ võ sĩ.

Một thế giới nhìn võ thuật bằng con mắt "thể thao"

Một yếu tố quan trọng khác dẫn đến việc quy ước "1 hiệp đấu" bị loại bỏ, đó là việc võ thuật trở thành một môn thể thao đối kháng - vâng xin nhắc lại, là "thể thao" thực thụ. Cũng như tổ sư Judo Kano Jigoro đã từng nói: "Đã qua rồi cái thời người ta giết nhau bằng võ. Judo là thể thao!"

Vì sao thể thao đối kháng không tổ chức theo thể thức 1 hiệp?
Tổ sư Judo Kano Jigoro, một trong những người châu Á đầu tiên xem "võ thuật" ngày nay như một môn thể thao.

Mà trong thể thao, những yếu tố kể trên như sự an toàn, sự thể hiện khả năng của vận động viên và tính công bằng tuyệt đối là điều cần phải được phát huy. Rõ ràng luật 1 hiệp đấu không thể nào làm được điều đó như việc thi đấu nhiều hiệp.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm