Võ roi Caci - Văn hóa độc đáo của xứ sở vạn đảo Indonesia

Nguyễn thanh anh
thứ tư 20-2-2019 23:00:20 +07:00 0 bình luận
Indonesia được biết đến với nền văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc dân tộc và nhiều nét độc đáo. Trong đó, phải kể đến văn hóa chiến đấu võ thuật bằng đòn roi, hay còn gọi là võ roi Caci.

Nếu may mắn đến Indonesia vào giữa tháng Bảy và tháng Mười Một, khách du lịch sẽ có dịp xem các đấu sĩ chiến đấu bằng roi mây, một nghi lễ truyền thống nổi tiếng của người Manggarai - lễ hội võ roi Caci.

Võ roi Caci không đơn thuần là điệu nhảy truyền thống của người Manggarai miền Nam của Indonesia, mà nó còn là một nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa của người bản xứ. 

Võ roi Caci - Văn hóa độc đáo của xứ sở vạn đảo Indonesia
Chiến binh võ roi Caci đeo mặt nạ khi chiến đấu

Sau mùa thu hoạch, các chàng trai khỏe mạnh từ các làng khác nhau sẽ được chọn lựa để thực hiện nghi lễ múa võ roi Caci. Họ đeo mặt nạ, mặc đồ sáng màu, đồng thời đeo một dây ở thắt lưng và một chuỗi chuông ở chân để tạo ra âm thanh đặc biệt và kỳ dị trong lúc di chuyển.

Vũ khí và trang thiết bị thi đấu của những chiến binh võ roi Caci bao gồm: roi da hoặc roi mây, khiên, mặt nạ, gậy.

Trong đó, mặt nạ được làm bằng gỗ hoặc da, sau đó bọc bằng vải với lông dê rủ xuống. Khiên của các võ sĩ thì được làm từ tre, mây và bọc da trâu.

Thể thức thi đấu của võ roi Caci rất phức tạp, trong đó việc phân vai được quy ước rõ ràng: người xâm lược cầm roi mây có tay cầm bọc da, vũ khí đó tượng trưng cho nam giới và bầu trời; người bảo vệ một tay cầm khiên, một tay cầm gậy, vũ khí của người bảo vệ tượng trưng cho giới nữ và trái đất.

Võ roi Caci - Văn hóa độc đáo của xứ sở vạn đảo Indonesia
Một trận đấu bằng roi mây của người Indonesia

Họ thi đấu dựa trên ý nghĩa của vũ khí trên, khi roi chạm vào khiên có nghĩa là yếu tố nam - nữ được thống nhất, tượng trưng cho sự sống được sinh sôi nãy nở; khi roi da đánh vào lưng người bảo vệ là tín hiệu tốt, tượng trưng cho mùa thu hoạch sau sẽ được mùa. Ngược lại, khi roi da đánh vào mặt hoặc đầu là người xâm lược đã
xâm lược thành công, việc đó đồng nghĩa với cuộc đấu đã kết thúc.

Sự hấp dẫn của võ roi Caci còn nằm ở chỗ vai trò của người bảo vệ và người xâm lược sẽ được hoán đổi cho nhau sau mỗi đòn roi, và được hoán đổi 4 lần cho một trận đấu võ roi.

Ngoài ý nghĩa văn hóa thể hiện nghi lễ của người Manggarai khi kết thúc mùa thu hoạch cũ, chuẩn bị cho vụ mùa mới, võ roi Caci còn được biểu diễn trong các dịp kết hôn, sinh nở, và cả tang lễ. Lễ hội võ roi Caci thường không diễn ra độc lập, mà nó còn kết hợp với nhạc trống, chiêng và lễ hiến tế động vật.

Võ roi Caci - Văn hóa độc đáo của xứ sở vạn đảo Indonesia
Buổi biễu diễn võ roi Caci luôn rất ấn tượng và là điểm thu hút sự quan tâm của khách du lịch

Bằng tính hấp dẫn của mình, võ roi Caci luôn là nét văn hóa thu hút đông đảo khách du lịch quan tâm và tìm hiểu. Đồng thời, võ roi Caci cũng chính là niềm tự hào của người Manggarai nói riêng và đất nước Indonesia nói chung, khi môn võ này là một trong những nét văn hóa nhận được vô cùng nhiều sự quan tâm của bạn bè quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm