Vụ việc xảy ra tại cổng phụ SVĐ Mỹ Đình, thuộc phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), người dân phát hiện một nam thanh niên lái taxi mang BKS 30A-909.XX thuộc hãng taxi Linh Anh, tử vong trên vũng máu. Theo thông tin từ các nhân chứng và cơ quan chức năng, có đến hai thủ phạm tham gia vào vụ việc và nạn nhân xấu số là Nguyễn Văn Duy (SN 1993) ngụ tại xã Quang Tiến (Sóc Sơn, Hà Nội).
Trước hết, xét về thời điểm tử vong của nạn nhân (gục ngã chỉ sau khi bỏ chạy khỏi taxi vài bước và tử vong tại chỗ), rõ ràng nạn nhân bị thủ phạm chủ động cố sát. Hiện quá trình điều tra chưa làm rõ được hung thủ cố ý cắt cổ nạn nhân ngay lập tức hoặc sau khi nạn nhân chống trả vụ cướp taxi.
Trong một trạng thái bất lợi như thế (thân thể không thoải mái do đang ngồi trên xe, thiếu tầm nhìn và ý thức vụ việc do bị đối thủ tấn công từ phía sau), rõ ràng tài xế Nguyễn Văn Duy không có nhiều khả năng chống trả. Mọi biện pháp sử dụng võ thuật tự vệ (nếu có) đều gần như bất khả thi.
Về lý thuyết có một kỹ năng tự vệ quen thuộc, đó là dùng tay che cổ. Kỹ năng tự vệ này khá "đa năng" và xuất hiện trong nhiều môn võ như Brazilian Jiujitsu (che cổ để tránh "dính" những đòn siết như rear neck choke), võ thuật quân đội ("thí" bàn tay để chống các đòn đâm, cắt bằng dao hoặc lưỡi lê), các giáo trình tự vệ (chống siết cổ từ phía sau bằng tay không hoặc dây thừng...).
Đây gần như là kỹ năng tự vệ duy nhất có thể giúp tài xế Nguyễn Văn Duy sống sót khỏi vụ cướp taxi, ít nhất là khiến vết đâm không đủ sâu để gây mất máu quá nhiều và biến vụ cướp thành vụ án mạng. Tuy nhiên, thực tế chua chát rằng kỹ thuật này đòi hỏi tập luyện rất nhiều, hình thành một phản xạ "nhạy" đến mức đôi khi bạn có thể đưa tay lên che cổ "chỉ vì có bóng người đến quá gần từ phía sau" (theo lời HLV tự vệ nổi tiếng Fred Mastro). Thực tế chính các võ sĩ Brazilian Jiujitsu chuyên nghiệp cũng thỉnh thoảng không kịp che tay lên cổ khi bị đối thủ thực hiện đòn siết.
Quay lại vụ cắt cổ tài xế taxi và bỏ qua những vấn đề liên quan đến võ thuật tự vệ, hãy chú ý đến một điều rằng: chưa hẳn hung thủ muốn cắt cổ tài xế ngay từ đầu. Quá trình điều tra chưa khẳng định điều này. Cũng như rất nhiều vụ cướp taxi khác, rất có thể tài xế bị tấn công khi cố gắng chống trả.
Nếu như võ thuật tự vệ đã "bó tay", tại sao cứ phải chống trả? Thực tế ở rất nhiều vụ cướp, hung thủ chỉ nhắm đến tài sản. Bất cứ tên tội phạm còn tỉnh táo nào (tức là trừ ra những trường hợp "ngáo đá") cũng muốn mức độ phạm tội của mình thấp nhất có thể, cướp một chiếc xe chắc chắn không thể nào nặng án bằng lấy một mạng người. Thậm chí, rất nhiều hung thủ trong các vụ cướp hay cả ẩu đả đã thú nhận trước vành móng ngựa rằng vụ án mạng thậm chí không nằm trong kế hoạch, hoặc không ngờ được hậu quả khi tấn công một nạn nhân đang chống trả.
Hầu các các HLV võ thuật tự vệ có kinh nghiệm đều đưa ra lời khuyên: nên "hòa thuận" với tên cướp. Thay vì chống trả để rồi trở thành nạn nhân của một vụ án mạng, hãy giữ bình tĩnh, không chống cự và dành thời gian quan sát, ghi nhớ nhận dạng của các hung thủ. Một nhân chứng (dĩ nhiên là còn sống) có thể kể chính xác chiều cao, giọng nói, đặc điểm của tên cướp luôn là nguồn thông tin quý giá nhất để xử lý vụ án, thậm chí thu hồi được tài sản bị cướp.
Hãy thành thực thừa nhận rằng kỹ năng tự vệ hay bất cứ phạm trù nào khác của võ thuật cũng có giới hạn của nó. Có những võ sĩ tập luyện chăm chỉ hàng năm trời với đầy đủ ý chí, kiến thức và sự chuẩn bị tâm lý vẫn đổ gục trên sàn đó thôi! Vậy nên, bên cạnh việc nâng cao (hoặc tự nâng cao) trình độ tự vệ của người lao động ở những nhóm nghề dễ gặp nguy hiểm như bảo vệ, tài xế taxi... việc đào tạo một tâm lý và cách xử lý tội phạm đúng cách cũng là điều cần quan tâm thực sự.