Ngày 31 tháng 8 vừa qua, Oscar Valdez - võ sĩ đang giữ đai boxing WBC hạng Junior Lightweight bị phát hiện dương tính với phentermine - một dược phẩm bị cấm trong danh mục của VADA (Voluntary Anti-Doping Association - Hiệp hội Phòng chống Doping Tự nguyện).
Hai ngày sau mẫu thử đầu tiên dương tính, mẫu thử thứ hai của Oscar Valdez cũng cho ra kết quả tương tự. Điều này khiến khán giả hoài nghi về khả năng giữ đai của Oscar Valdez cũng như cơ hội để bảo vệ danh hiệu trước Robson Conceicao ngày 11 tháng 9 tới đây.
Tuy nhiên, trong thông báo mới đây, Ủy ban Thể thao Pascua Yaqui Tribe - cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức trận đấu, đã quyết định dựa trên quy chế của WADA (World Anti-Doping Agency - Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới), theo đó, phentermine không thuộc danh mục các chất tăng cường hiệu suất bị cấm trong thời gian thi đấu, và trận bảo vệ đai của Oscar Valdez có thể được chấp thuận.
Dựa theo quyết định WBC đã không tước danh hiệu của Oscar Valdez, và nhà vô địch người Mexico vẫn thực hiện trận bảo vệ danh hiệu theo đúng lịch trình đã công bố từ trước.
Tuy nhiên, Valdez sẽ phải chịu một khoản phạt đóng góp vào WBC Clean Boxing Progam (WBC-CBP) và Quỹ võ sĩ Jose Sulaiman. Đồng thời, anh cũng sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ bằng các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên trong vòng 6 tháng tới; hoàn thành chương trình quản lý cân nặng của Ủy ban Dinh dưỡng do WBC thiết lập; chịu quản chế trong 12 tháng bởi WBC.
Dư luận ngay lập tức đã có những phản ứng tiêu cực khi cho rằng Oscar Valdez đã nhận được sự ưu ái quá lớn từ WBC, với lập luận rằng tổ chức này đã lựa chọn phương án có lợi cho võ sĩ người Mexico.
Ngoài ra, chương trình WBC Clean Boxing Program mà tổ chức này áp dụng, cũng bộc lộ nhiều lỗ hổng, bởi theo các tay đấm thuộc chương trình này, họ không được yêu cầu kiểm tra chất cấm thường xuyên. Thay vào đó, các cuộc rà soát chỉ được thực hiện trong thời gian ngay trước và sau khi thi đấu.
Tại Mỹ, các chương trình kiểm tra chất cấm phổ biến nhất là VADA, WADA (như được đề cập ở trên) và USADA (Ủy ban Chống Doping Hoa Kỳ) có những điểm khác biệt riêng.
Trong khi USADA chú trọng kiểm tra thường xuyên và đột xuất các vận động viên thuộc hệ thống của mình, điển hình nhất là những võ sĩ tại UFC, còn VADA và WADA - các cơ quan WBC sử dụng để đánh giá võ sĩ, lại chỉ tăng cường số chất cấm, chứ không bắt buộc vận động viên phải thực hiện việc lấy mẫu bất ngờ, hoặc trong thời gian dài dù có thi đấu hay không.
Điều này, một phần đến từ vấn đề kinh tế. Bởi để thực hiện kiểm tra chất cấm, bản thân giải đấu hoặc võ sĩ phải tự bỏ tiền túi để thực hiện việc lấy mẫu, xét nghiệm.
Trước đây, khi UFC chưa đặt dưới sự giám sát của USADA, chỉ có một số ít võ sĩ chủ động chi tiền thực hiện kiểm tra thường xuyên theo cơ chế của VADA - đơn cử như nhà cựu vô địch hạng bán trung UFC Georges St-Pierre, người từng nổi tiếng với cáo buộc UFC bao che đối thủ Johnny Hendricks không kiểm tra chất cấm trước trận đấu tại UFC 167 năm 2013.
Đối với WBC, do số lượng võ sĩ đông đảo trên khắp thế giới, việc áp đặt cơ chế bắt buộc như USADA sẽ tốn một khoản chi phí khổng lồ bởi tần suất của các cuộc kiểm tra dày đặc. Chính vì vậy, cơ quan này cho tới nay chỉ giám sát võ sĩ nhờ chương trình tự nguyện của VADA và những đánh giá từ WADA.
Hình thức này khiến những võ sĩ có thể sử dụng chất cấm trong thời gian tập luyện, sau đó, tìm cách đào thải chúng ra khỏi cơ thể bằng nhiều phương thức khác nhau. Và khi thực hiện nộp các mẫu kiểm tra, họ có thể hoàn toàn "trong sạch".
Giữa làn sóng các tổ chức boxing lâu đời đang thực hiện cải tổ, lấy lại uy tín với khán giả, vấn đề kiểm tra - xử phạt chất cấm của WBC sẽ còn là chủ đề được nhắc tới trong tương lai, như một hiện trạng cần xem xét lại của những "ông lớn" làng Quyền Anh thế giới.