Nếu là một khán giả từng theo dõi Boxing (Quyền Anh), chắc chắn bạn đã từng nghe tới những danh hiệu vô địch chuyên nghiệp do các võ sĩ nổi tiếng nắm giữ. Tuy nhiên, điều gì khiến Boxing chuyên nghiệp lại sở hữu nhiều nhà vô địch đến vậy? Đâu là chiếc đai Quyền Anh danh giá nhất?
Trên thế giới, hiện nay tồn tại 4 tổ chức Boxing chuyên nghiệp được đánh giá là có uy tín nhất bao gồm: WBA, WBC, IBF và WBO. Danh hiệu vô địch của các tổ chức này cũng là mục tiêu mà tất cả các võ sĩ chuyên nghiệp hướng tới. Webthethao.vn sẽ sơ lược các thông tin về 4 tổ chức tới những người hâm mộ Quyền Anh Việt Nam.
Tổ chức Boxing chuyên nghiệp lâu đời nhất thế giới được thành lập tại Hoa Kỳ từ năm 1921 với tên ban đầu là Hiệp hội Quyền Anh Quốc gia (NBA) để quản lý các trận đấu chuyên nghiệp,
Tới năm 1962, các thành viên của NBA đã thống nhất đổi tên tổ chức này thành WBA để hướng tới phát triển bộ môn Quyền Anh trên toàn cầu, kêu gọi các quốc gia khác làm thành viên. Hệ thống đai vô địch thế giới của WBA chia làm hai danh hiệu Regular và Super, nơi các nhà vô địch có nhiệm vụ và thẩm quyền khác nhau với những trận tranh đai.
WBC được thành lập năm 1963 theo lời đề nghị của Tổng thống Mexico lúc bấy giờ Adolfo Lopez Mateos, cũng với mục tiêu thống nhất các tổ chức Quyền Anh trên khắp thế giới.
Từ 11 thành viên ban đầu (Mỹ, Argentina, Anh, Pháp, Mexico, Philippines, Panama, Chile, Peru, Venezuela, Brazil), WBC hiện tại đã có tổng cộng 161 quốc gia thành viên, với là quốc kỳ của tất cả các nước được khắc hoa trên chiếc đai vô địch màu xanh lá cây của tổ chức này.
Sự thành lập của WBC được xem là để cạnh tranh với WBA, khi đó vốn ưu tiên cho các võ sĩ cũng như trận đấu tại Mỹ. Tính quốc tế hóa của WBC đã được cộng đồng thế giới ủng hộ, giúp họ tạo nên những trận đấu kinh điển và thậm chí uy tín hiện nay đã vượt trên cả WBA - tổ chức lâu đời nhất.
IBF có tiền thân là Hiệp hội Quyền Anh Hoa Kỳ (USBA), được thành lập năm 1983 bởi Robert W. "Bobby" Lee Sr tại New Jersey, Hoa Kỳ.
Năm 1983, Bobby Lee khi đó đang là chủ tịch USBA, đã thất bại trong cuộc tranh ghế chủ tịch WBA với Gilberto Mendoza. Lee cùng một số đồng sự đã chủ động tách ra khỏi WBA và thành lập tổ chức cấp độ thế giới của riêng mình, lấy tên là IBF (International Boxing Federation - Liên đoàn Quyền Anh Thế giới).
IBF nhanh chóng có được sự công nhận của giới Quyền Anh chuyên nghiệp khi lôi kéo được những tên tuổi lớn như Larry Holmes, vào năm 1984 đã chấp nhận từ bỏ danh hiệu vô địch của WBC để giữ danh hiệu của IBF. Từ thời điểm đó, IBF chính thức được ghi nhận là một trong ba ông lớn của làng Quyền Anh thế giới.
Sự ra đời của WBO cũng đến từ vấn đề nội bộ WBA, khi một nhóm doanh nhân từ Puerto Rico và Dominica rời khỏi hội nghị thường niên năm 1988 do các tranh chấp về những quy tắc được áp dụng trong thi đấu.
Ngay sau khi thành lập, WBO đã nỗ lực tổ chức nhiều trận tranh đai cấp độ thế giới tuy nhiên vẫn chưa có được sự công nhận từ các tổ chức khác. Tới năm 2000, WBA bắt đầu đưa các võ sĩ vô địch của WBO vào bảng xếp hạng, tương tự các nhà vô địch WBC và IBF.
Dấu mốc gia nhập nhóm các tổ chức danh giá nhất của WBO đến trong năm 2004 khi WBC là tổ chức tiếp theo công nhận các võ sĩ giữ đai WBO. Đây cũng là thời điểm WBO được công nhận cùng với ba tổ chức còn lại, tạo nên nhóm 4 danh hiệu Quyền Anh uy tín nhất thế giới.
Năm 2021, nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi đã giành đai vô địch WBO thế giới hạng minimum-weight khi đánh bại đối thủ Etsuko Tada (Nhật Bản), trở thành võ sĩ đầu tiên của Việt Nam giành đai vô địch thế giới của một trong các tổ chức uy tín.