Để Jiu-jitsu phát triển ở Việt Nam cần xoá bỏ ảo tưởng về võ thuật

thứ tư 28-9-2016 18:35:15 +07:00 0 bình luận
Webthethao đã trò chuyện với anh Trần Đoàn Linh, một trong những trọng tài Jiu-jitsu của Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5) về môn võ mới mẻ này

Brazilian Jiu-jitsu (BJJ) là một bộ môn võ thuật còn rất mới tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Chỉ mới có mặt tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á từ năm 2014, sang năm nay BJJ đã có sự góp mặt của 12 quốc gia cạnh tranh 18 bộ huy chương, trong đó Việt Nam sở hữu 1 cặp HCV (nội dung Duo biểu diễn), 3 HCB, 6 HCĐ.

Xuất hiện ở Việt Nam cách đây 6 năm, BJJ đã trở thành một bộ môn võ thuật được khá nhiều bạn trẻ quan tâm. Bắt nguồn từ môn Judo (Nhu đạo) ở Nhật Bản, Judo được võ sư Mitsuyo Maeda đưa tới Brazil hồi đầu thế kỷ 20. Sau khi tiếp xúc và chịu ảnh hưởng từ nhiều môn phái khác, Judo Brazil phát triển và trở thành BJJ hiện đại.

Đến nay, Brazil vẫn là quốc gia dẫn đầu về BJJ, nhưng các quốc gia khác cũng không kém cạnh với những võ sư xuất sắc đến từ Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Vương quốc Anh (UK), Nga,...

Brazillian Jiu-jitsu

Chất lượng của các võ sĩ tại ABG 5 khá cao. Ảnh: Quân Võ

Webthethao đã trò chuyện với anh Trần Đoàn Linh, một trong những trọng tài về bộ môn BJJ tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5) đang diễn ra tại thành phố biển Đà Nẵng.

Anh Trần Đoàn Linh sinh năm 1977, hiện đang là Huấn luyện viên tại BJJ Hà Nội (75 Đặng Văn Ngữ và Cung Quần Ngựa 55 Đốc Ngữ), một trong những trung tâm đào tạo Brazilian Jiu-jitsu đầu tiên tại Việt Nam.

Anh Linh đã có 5 năm tập luyện BJJ, đang mang đai xanh và đã hoàn thành khóa tập huấn trọng tài của Jiu-Jitsu Asian Union.

Theo anh Linh, số lượng VĐV của đoàn chủ nhà Việt Nam rất đông đảo, phủ kín tất cả các hạng cân của giải, tuy nhiên do BJJ chỉ mới phổ cập ở Việt Nam chưa lâu, đa số các vận động viên tham gia ABG năm nay chủ yếu được lấy từ bộ môn Judo.

Ngoài cặp HCV trong nội dung Duo nữ của hai võ sĩ Hoàng Thị Lan Hương và Nguyễn Minh Phương, anh Linh cũng cho biết võ sĩ Nguyễn Anh Tùng (hạng cân 77kg nam) và Dương Thị Thanh Minh (hạng cân 49kg nữ) đang được đánh giá là những gương mặt triển vọng của BJJ Việt Nam trong thời gian tới:

"Võ sĩ để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất có lẽ là Nguyễn Anh Tùng tại hạng cân 77kg. Tuy không đoạt huy chương nhưng Tùng đã có 2 trận thắng trước những võ sĩ rất mạnh của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Pakistan."

"Cũng phải nói thêm, đây là hạng cân đông đảo nhất, có những võ sĩ rất mạnh, thậm chí được nhập tịch từ Brazil - nơi khởi nguồn bộ môn Brazilian Jiu-jitsu."

jiu-jitsu

Brazilian Jiu-jitsu (BJJ) là môn võ còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Ảnh: Quân Võ

"Về võ sĩ có tiềm năng lớn để phát triển, tôi đặt nhiều hy vọng vào Dương Thị Thanh Minh ở hạng cân 49kg của nữ."

"Tại giải lần này Minh mắc một sai sót nhỏ ngay trận đầu và thua điểm nên rớt xuống nhánh tranh đồng. Sau đó, Minh đã không phạm thêm sai lầm nào nữa để mang về 2 chiến thắng submission."

"Minh có tốc độ và sức mạnh. Thời gian tới, nếu được đầu tư đúng hướng để trau dồi thêm về kỹ thuật và kinh nghiệm thi đấu, tôi tin là Minh sẽ làm nên chuyện."

Tuy thiếu vắng Nhật Bản, nơi khởi điểm của môn Jiu-jitsu, nhưng nhìn chung chất lượng của các võ sĩ tại ABG 5 khá cao. Các đoàn UAE, Jordan đều có huấn luyện viên Brazil, Bahrain thậm chí còn có võ sĩ Brazil nhập tịch.

"Võ sĩ nam gây cho tôi nhiều ấn tượng có lẽ là Haidarah Al-Rasheed của Jordan ở hạng cân 85kg," anh Linh nhận xét. "Lối đánh của Haidarah chủ động tấn công, giàu sức mạnh và tốc độ nhưng cũng không kém phần kỹ thuật. Tấm HCV cho võ sĩ này là hết sức xứng đáng."

"Về phần nữ thì chắc chắn là cặp chị em nhà Qubbaj cũng của Jordan, Rana (hạng cân 70kg) và Luma (hạng cân 70kg+). Cả hai đều giành HCV ở hạng cân mình thi đấu. Luma còn xuất sắc đoạt luôn HCV hạng Open weight (không giới hạn cân nặng). Ấn tượng hơn khi tất cả các chiến thắng của Luma Qubbaj đều kết thúc bằng đòn khóa siết submission."

Những trận đấu Brazilian Jiu-jitsu tại ABG 5 diễn ra rất quyết liệt
Những trận đấu Brazilian Jiu-jitsu tại ABG 5 diễn ra rất quyết liệt. Ảnh: Quân Võ

Cũng theo anh Trần Đoàn Linh, công tác tổ chức tuy còn đôi chỗ chưa thật hoàn hảo nhưng nhìn chung đã khá thành công về mặt chuyên môn cũng như các vấn đề khác như địa điểm, sàn đấu. Chỗ ăn ở có chất lượng ổn, phòng ốc rộng rãi, sạch sẽ và rất gần địa điểm thi đấu tiện lợi khi di chuyển.

Về phần các cổ động viên, là chủ nhà nên số lượng CĐV của Việt Nam áp đảo hoàn toàn các đội khách. Các CĐV cũng rất cuồng nhiệt và máu lửa.

Tuy nhiên xét về tổ chức và chuyên nghiệp, CĐV Việt Nam vẫn có phần lép vế so với người Thái. Họ cổ vũ rất bài bản nên dù số lượng ít, có khi chỉ với 1-2 người nhưng được trang bị trang phục và nhạc cụ dân tộc nên họ vẫn tạo được một không khí rất sôi động trên khán đài.

d

Anh Trần Đoàn Linh (người đứng giữa hàng trên) và các trọng tài BJJ tại ABG 5. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về thực trạng của BJJ tại Việt Nam, anh Linh cho biết: "So với các môn võ khác, Brazilian Jiu-jitsu còn nhiều khó khăn do thời gian phổ cập ở Việt Nam còn khá mới." 

"Trong tư tưởng của người Việt Nam, dường như võ phải là những ngón đòn ở tư thế đứng với vẻ đẹp mắt thường thấy trên phim ảnh, 1 người đánh 10 người. Vì thế người mới tìm hiểu sẽ khó chấp nhận một môn võ có vẻ ngoài "xấu xí" dù độ thực dụng của nó là không thể bàn cãi."

"Muốn Brazilian Jiu-jitsu phát triển hơn, việc đầu tiên là phải phá bỏ được lớp suy nghĩ cũ kỹ và có phần khá ảo tưởng về võ nói chung của người tập. Bên cạnh đó, cần phát triển BJJ một cách rộng rãi bằng cách mở thêm nhiều CLB tại các trung tâm TDTT, hoặc đưa vào trường học như một lựa chọn trong môn giáo dục thể chất."

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm