Cần tránh nhầm lẫn giữa các thể thức cáp kèo của những giải đấu thể thao nói chung và võ thuật nói riêng. Nếu bạn đã quen với thể thức tournament (đấu loại trực tiếp), hãy nhớ rằng các võ sĩ sẽ phải đấu với nhau theo một lịch trình rất dễ đoán trước. Họ thắng một trận đấu thì trận đấu kế tiếp chắc chắn sẽ gặp người thắng ở nhánh đấu gần nhất. Thêm một chút khả năng nhận định, võ sĩ đó (hoặc giới cá cược, huấn luyện...) sẽ đoán được ai là người thắng ở nhánh đấu đó - đồng nghĩa với việc có thời gian chuẩn bị chính xác cho đối thủ tương lai gần.
Thứ duy nhất có thể sắp xếp được là việc chia bảng đấu. Bên cạnh việc tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên, một số giải đấu theo tournament có thể sẽ chủ động chia các võ sĩ "hạt giống" ra các nhánh đấu khác nhau để tránh đụng độ quá sớm, mất tính cạnh tranh và đáng theo dõi ở những vòng sau của mùa giải.
Các giải đấu MMA không hoạt động theo cách đó (trừ một số trường hợp như những mùa giải đầu tiên của UFC, các mùa Grand Prix của Bellator hay ONE Championship...). Họ sử dụng một cơ chế linh hoạt hơn nhiều, được xây dựng ngay từ những bản hợp đồng võ sĩ không có nhiều tính ràng buộc về thời điểm - đối thủ sắp tới cũng như một hệ thống match making chặt chẽ.
Một số hệ thống thi đấu MMA như IMMAF (Liên đoàn MMA thế giới) vẫn đang sử dụng kiểu xếp bảng thi đấu loại trực tiếp (tournament), trong khi các giải đấu mang tính truyền thông giải trí sẽ ưa thích kiểu xếp kèo chủ động
Thực tế các giải đấu vẫn có một số luật cơ bản trong cáp kèo, chẳng hạn chỉ có các võ sĩ trong top 5 mới được xếp trận đấu với nhà vô địch, hoặc các võ sĩ ngoài top 10 phải đấu với các võ sĩ trong top 5 - 10 và không được "nhảy" cao hơn. Tuy vậy, các điều luật này vẫn khá lỏng lẻo (một cách cố ý) để giải đấu có thể dễ thực hiện "cáp kèo" hơn.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề match making.
Trước hết, yếu tố "giải trí" đang ngày càng trở nên quan trọng trong chuyện kinh doanh của các giải đấu. Vậy nên, các võ sĩ được yêu thích (như Anderson Silva đã từng) hoặc có khả năng tạo scandal truyền thông (Conor McGregor - thời trước khi trở nên quá "kén kèo") sẽ được sắp xếp thi đấu nhiều nhất có thể. Đổi lại, các giải đấu phải hạn chế số trận đấu của các võ sĩ ít quan trọng hơn vì số lượng sự kiện và số trận đấu vốn đã là con số "cứng" không thể nới rộng thêm.
Kế đến, một số giải đấu tổ chức trên phạm vi rộng như UFC sẽ tìm cách "để dành" võ sĩ sân nhà cho từng địa điểm. Chẳng hạn tại UFC 237 vừa qua (ngày 11/5 tại Rio de Jainero), UFC đã huy động khá nhiều tên tuổi Brazil như Anderson Silva, Jose Aldo, Jéssica Andrade, Thiago Alves,... từ rất sớm. Nói cách khác, từ lúc UFC xác định được thời điểm tổ chức sự kiện ở Brazil (dù là trước vài tháng), các võ sĩ có tầm ảnh hưởng của Brazil sẽ không được đội match making tổ chức thi đấu trong suốt thời gian đó.
Với những giải đấu đậm tính truyền thông giải trí như UFC< khả năng kiếm lợi nhuận của các võ sĩ là yếu tố quan trọng quyết định thứ tự ưu tiên khi đội match making sắp xếp lịch đấu
Về mặt lý thuyết quản lý, match making là một bài toán phức tạp hơn nữa.
Đội phân tích của mỗi giải đấu phải phân tích và nắm rõ được các thông số của từng võ sĩ như độ nổi tiếng, lịch sử những trận gần đây, lối đánh, đối thủ phù hợp... và mỗi trận đấu được "cáp kèo" hoàn toàn có thể là một phần trong quá trình quảng bá dài hạn cho riêng võ sĩ đó.
Conor McGregor là một ví dụ. Kể từ khi thắng Jose Aldo, việc nhảy lên một hạng cân không tưởng đấu với Nate Diaz sẽ là thứ đáng xem. Ai cũng biết Nate Diaz đã "bẻ cổ" võ sĩ đang được hâm mộ bậc nhất UFC vào thời điểm đó. Thế là trận tái đấu trở nên vô cùng hợp lý! McGregor đòi lại được danh dự thì phần tiếp theo của câu chuyện - thách đấu đai vô địch của Eddie Alvarez mà chưa có từng có một trận đấu nào để "thăng hạng theo thủ tục" ở Lightweight - lại trở thành một trận đấu hết sức dễ chấp nhận.
Có thể thấy, từng trận đấu đó, dù không đoán trước được kết quả nhưng đều được sắp xếp một cách rất hợp lý và đúng thời điểm.
Tuy vậy, vấn đề match making tối ưu hóa lợi nhuận cũng gây ra nhiều hệ lụy như khiến các võ sĩ ít nổi tiếng như John Lineker không được thi đấu thường xuyên
Đó là ở cấp độ võ sĩ. Match making còn ảnh hưởng tới cả quá trình "xếp kèo" của một sự kiện. Hẳn bạn còn nhớ UFC 235 nhàm chán đến mức nào với sự góp mặt của cặp đấu nổi tiếng "đổ bê tông" nhàm chán Tyron Woodley - Kamaru Usman, cộng thêm sự xuất hiện của Ben Askren. Kể cả khi có sự xuất hiện của nhà vô địch Jon Jones ở main card, UFC 235 vẫn được dự đoán ngay từ đầu sẽ là một sự kiện đáng buồn ngủ khi Jon Jones đối đầu một kèo khá dễ là Anthony Smith.
Và bạn có để ý rằng phần còn lại của Fight Card đầy rẫy những trận đấu máu lửa từ các võ sĩ có thiên hướng thi đấu tích cực (dẫn đến 4 trận knock out trong 7 trận trước main card, những trận thắng điểm còn lại cũng không hề nhàm chán).
Chủ tịch UFC Dana WHite rất thường xuyên trực tiếp chỉ đạo và đưa ra quyết định cáp kèo cho giải đấu
Tuy không có sự thừa nhận nào từ UFC nhưng rất có thể đội ngũ phân tích và match making của giải MMA hàng đầu thế giới đã làm đúng nhiệm vụ của họ: phán đoán ngay từ đầu việc UFC 235 có thể sẽ mang đến những trận đấu nhàm chán và lấp đầy nó bởi những cuộc đối đầu mang tính cạnh tranh cao hơn. Trong trường hợp này, sự khôn ngoan trong quá trình "cáp kèo" đã mang đến thành công cho cả đêm sự kiện.
Như vậy, có thể nói match making là một công việc đòi hỏi tính chuyên môn vào, yêu cầu sự hiểu biết về cả bộ môn võ tổng hợp, đặc tính của các võ sĩ và những quy luật thương mại. Nếu như nói Quyền Anh nhà nghề là bộ môn đã khai sinh ra kiểu thi đấu theo kiểu "bắt kèo" và thoát khỏi lối mòn của thể thức của Tournament thì các giải đấu MMA đã và đang kế thừa phát minh đó - một hệ thống tổ chức giải đấu có thể kiến tạo sự kịch tính và lợi nhuận tốt hơn.