Cuối thế kỷ 19, không khí ảm đạm bao trùm xã hội London khi trang nhất của những tờ báo lúc nào cũng đầy tin về cướp bóc, đạo chích, bụi đời. Những kẻ sát nhân hàng loạt, như “Jack the Ripper”; cùng những xó tối tăm của các trại tế bần càng làm London dưới triều đại nữ hoàng Victoria trở nên u ám hơn.
Chính trong bầu không khí đó, Bartitsu, môn võ mà nhiều độc giả sau này biết đến như môn võ của Sherlock Holmes trong tiểu thuyết, đã ra đời như một phương thức võ tổng hợp tự vệ chuyên dành cho các quý ông.
Bartitsu - môn võ "chỉ dành cho quý tộc"
Khác với nhân vật Sherlock Holmes chỉ tồn tại dưới ngòi bút của Conan Doyle, Bartitsu là một môn võ có thật.
Edward William Barton-Wright, một kỹ sư người Anh, đã giới thiệu Bartitsu vào năm 1898. Sau 3 năm tại Nhật Bản, Barton-Wright về London; thách đấu với những võ sĩ quyền Anh và đô vật chuyên nghiệp trước sự chứng kiến của số đông công chúng.
“Tôi hạ gục tất cả 7 tên trong 3 phút”, Barton kể lại.
Trước đó, Barton-Wright từng tập quyền Anh, vật, đấu kiếm. Sang Nhật, ông tiếp thu thêm các kỹ thuật của Shinden Fudo Ryu Jujutsu và Kodokan Judo; tạo nên một thể thức võ thuật độc đáo với vũ khí là chiếc áo măng tô và cây gậy chống (baton) kinh điển. Ông ghép tên mình với hậu tố của "Jiu-jitsu" để tạo thành tên môn võ mới: Bartitsu.
Là một võ sư nhưng có "máu con buôn" rất nặng, Barton-Wright dùng khá nhiều chiêu trò để thổi phồng võ Bartitsu như biện pháp duy nhất cho tình hình trị an nghèo nàn của London thời đó.
Barton chọn mục tiêu là những nhà quý tộc hoặc thương nhân cần đi qua khu Đông London để giao dịch mà luôn có nguy cơ bị cướp bóc bởi những kẻ lang thang. Quảng cáo cho môn võ của mình, Barton đảm bảo các võ sinh có thể dùng áo và gậy để hạ gọn đối thủ có vũ khí mà vẫn không mất "phong cách quý ông".
Sai lầm và sự biến mất của Bartitsu khỏi lịch sử võ thuật
Năm 1899, Barton-Wright tóm tắt các nguyên lý của võ tự vệ Bartitsu chỉ trong 3 bước. Đầu tiên phải làm mất thế cân bằng của kẻ tấn công. Thứ hai là phải chiếm quyền chủ động trước khi kẻ tấn công lấy lại cân bằng. Cuối cùng là kiểm soát đổi thủ bằng cách tác dụng lực vào các khớp như khớp bả vai, khuỷu tay, cổ tay, đầu gối, cổ chân,...
Chú trọng vào thực chiến nên nhiều kỹ xảo của Bartitsu được các nhà nghiên cứu hiện đại công nhận là khá hiệu quả.
Barton-Wright đã tiếp nhận những kỹ thuật đánh gậy tương tự như võ tự vệ mà Pierre Vigny (người đã tổng hợp các phương pháp tự vệ bằng gậy baton và dù che mưa, gọi chung là La Canne) để tấn công tầm xa; sau đó kết hợp chúng với đòn thế khóa siết của Jiu-jitsu và vật (European Wrestling) để tạo nên Bartitsu của mình.
Dù việc thành lập Học viện Bartitsu có phần nhờ những chiêu trò quảng cáo, học viện võ tổng hợp này vẫn có sự giảng dạy của những chuyên gia có thực lực ở nhiều môn võ, như Pierre Vigny chuyên võ gậy; đô vật Armand Cherpillod chuyên võ Svingen (võ về vật từ Thụy Điển); đặc biệt có hai võ sư người Nhật rất nổi danh thời đó là Yukio Tani and Sadakazu Uyenishi - những người đầu tiên mang Jiu-jitsu và Judo đến Anh.
Tuy nhiên, càng về sau, mâu thuẫn trong nội bộ Học viện càng ngày càng lớn. Võ sư William Garrud tiết lộ rằng Barton-Wright đã đánh giá sai tiềm năng của thị trường học võ dành cho các nhà quý tộc. Học phí cao chót vót khiến giới trung lưu không thể tiếp cận với Bartitsu, còn giới nhà giàu thì lại ưa quăng tiền cho các dịch vụ bảo vệ chứ không thích tập võ.
Không thu hút được võ sinh mới, "cơn sốt" Bartitsu dần tàn lụi. Barton tiếp tục dạy Bartitsu đến những năm 1920, thậm chí vẫn dùng cái tên Bartitsu cho những dự án... y học cho đến khi qua đời trong cảnh nghèo khó vào năm 1951.
Dù không tồn tại lâu, ý tưởng của Barton-Wright về một môn võ giúp kẻ yếu chiến thắng kẻ mạnh cũng đã góp phần đặt nền móng cho sự phát triển và truyền bá các môn võ tự vệ tại Châu Âu, nhất là Jiu-jitsu và Judo sau này.
Đến ngày nay, không chỉ xuất hiện trở lại trên phim ảnh cùng nhân vật Sherlock Holmes, Bartitsu còn thật sự được khôi phục bởi các nhà nghiên cứu võ tự vệ ứng dụng tại Mỹ. Chỉ có điều, các "quý ông" Bartitsu hiện đại buộc phải chuyển sang cầm dù che mưa và gậy bóng chày thay cho baton mà thôi.