Nghịch lý truyền thông của ba nền võ thuật Nga - Thái - Nhật

thứ tư 5-9-2018 14:22:25 +07:00 0 bình luận
Nga, Thái Lan, Nhật Bản có nền võ thuật rất mạnh, tỉ lệ người tập võ và thi đấu chuyên nghiệp cao nhưng lại rất ít danh tiếng trên trường quốc tế. Vì sao?

Ngoài huyền thoại Fedor Emelianenko và ngôi sao sắp đối đầu với McGregor là Khabib Numargomedov, bạn biết bao nhiêu võ sĩ MMA Nga?

Bạn có biết Sitthichai Sitsongpeenong đang mang lá cờ Thái thống trị Kickboxing?

Bạn có biết Rizin tuy nhỏ bé dưới cái bóng của UFC, nhưng với người Nhật, nó đã là một giải MMA đủ mạnh, đủ điên cuồng để theo dõi?

Đây chính là nghịch lý truyền thông của ba cái tên tiêu biểu trong những quốc gia dẫn đầu thế giới võ thuật đối kháng, những xứ sở phát triển mạnh mẽ bất chấp việc trở thành "điểm mù" với phần còn lại của thế giới.

Nghịch lý truyền thông của ba nền võ thuật Nga - Thái - Nhật - Ảnh 2.

Bạn biết gì về người Nga ngoài hai tên tuổi Khabib Numargomedov và Fedor Emelianenko ở làng MMA?

Vậy vì sao dù có nền võ thuật rất mạnh, tỉ lệ người tập võ và thi đấu chuyên nghiệp cao nhưng 3 quốc gia kể trên lại rất ít nổi tiếng trên trường quốc tế?

Cách biệt ngôn ngữ

Ngôn ngữ có lẽ là rào cản lớn nhất của bài toán truyền thông này.

Trong khi truyền thông võ thuật ở các quốc gia có thể dễ dàng dịch tin tức từ Anh, Mỹ, thì đa số lại phải "bó tay" với các thông tin từ Nga, Nhật Bản và Thái Lan.

Lượng thông tin quốc tế ít ỏi khiến nhiều người nhầm tưởng rằng các quốc gia này không có nền võ thuật mạnh mẽ, hoặc giả sử người ta có biết đến, nhưng cũng không có kiến thức đầy đủ để đánh giá.

Siêu sao Kickboxing trẻ Tenshin Nasukawa danh tiếng rất khiêm tốn so với những gì anh thể hiện. Phải chăng là vì truyền thông Nhật chưa tiếp cận được với thế giới?

Tinh thần tự chủ cao​​​​​​​

Có lẽ không cần phải nói thêm về tính tự tôn dân tộc của người Nga và cái cách mà giới truyền thông Phương Tây cô lập đất nước này.

Về người Thái Lan, trong khi người phương Tây đang xây dựng đế chế hoàng kim của Boxing khoảng những năm 1920 thì cũng trong thời gian đó, người Thái đã có những nhà thi đấu Muay chuyên nghiệp đầu tiên.

Còn người Nhật Bản thì đã có sẵn một nền võ thuật giàu mạnh đậm chất truyền thống và phát triển cùng với đà nhảy vọt kinh tế sau chiến tranh.

Cả ba nền văn hóa trên đều có lý do để tự hào và tự chủ. Họ tiếp nhận làn sóng từ phương Tây nhưng không bị nó cuốn đi, từ đó dẫn tới việc nền võ thuật phát triển cũng không bị phụ thuộc vào truyền thông nước ngoài.

Nghịch lý truyền thông của ba nền võ thuật Nga - Thái - Nhật - Ảnh 6.

Nếu không thi đấu tại UFC, chưa chắc đã có ai biết đến thành tích bất bại của Khabib Nurmagomedov

Nền võ thuật đối kháng "tự cung tự cầu"​​​​​​​

Các nền võ thuật phụ thuộc vào truyền thông nước ngoài thường có một trong hai nhược điểm: thiếu người xem hoặc thiếu võ sĩ. Nga, Nhật Bản và Thái Lan đều tự giải quyết được hai vấn đề này.

Người Nga không thiếu các câu lạc bộ võ thuật hùng mạnh, với nền tảng Sambo và Boxing. Người Nhật có Kickboxing, Boxing, Karate. Người Thái có Muay. Số lượng và chất lượng của các võ sĩ chuyên nghiệp tại đây hoàn toàn đủ để đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Lượng khán giả nội địa ở 3 quốc gia này cũng rất khổng lồ. Điều này đến từ nền văn hóa yêu chuộng võ thuật và một tư duy tổ chức võ thuật đối kháng chuyên nghiệp gắn liền với công nghiệp giải trí.

Tất cả những lý do trên đã làm nên nghịch lý truyền thông của ba nền võ thuật Nga - Thái - Nhật. Nhưng cùng với sự phát triển của các kênh truyền thông, thế giới cũng đang dần "phẳng" hơn, và ta hoàn toàn có thể kỳ vọng những trận chiến đỉnh cao từ 3 cường quốc võ thuật kể trên có thể tiếp cận được với các khán giả quốc tế trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm