Trọng tài Nguyễn Khánh Nguyên - một trong hai trọng tài bắt chính - vừa chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ sau khi mùa giải Coco Championship 2017 kết thúc
Coco Championship đã tổ chức 27 sự kiện trong suốt 3 tháng, mỗi tuần 2 sự kiện vào thứ 4 và thứ 7 hàng tuần.
Với 5 trận đấu mỗi sự kiện, chỉ có 2 trọng tài chính và 1 trọng tài dự bị trong trường hợp cần thay thế, khối lượng công việc của mỗi trọng tài không hề nhỏ. Nhưng không trọng tài nào lại không cháy theo ngọn lửa đam mê mà các võ sĩ đã mang lên võ đài.
"Không thấy vất vả đâu!" Trọng tài Nguyễn Khánh Nguyên cười tươi chia sẻ. "Cái cảm giác được bắt những trận đấu, được thấy tinh thần và ý chí của các võ sĩ, nó sướng lắm."
Đảm bảo an toàn cho võ sĩ luôn là tiêu chí được đặt lên hàng đầu trong mỗi trận đấu.
Với một trọng tài thể thao đối kháng, đặc biệt là ở những môn có tính sát thương cao như Boxing, Muay Thái, việc dừng trận đấu đúng lúc là hết sức quan trọng. Điều này đòi hỏi sức quan sát nhạy bén của trọng tài, đồng thời chú ý giữ khoảng cách với hai võ sĩ.
"Khi thực hiện công tác trọng tài, phải tập trung 100%," Trọng tài Nguyễn Khánh Nguyên chia sẻ.
"Đặc biệt là khi hai võ sĩ đánh trong cự ly gần, phải đứng đủ gần để có thể quan sát và kịp thời vào can thiệp, nhưng cũng phải đủ xa để không bị... ăn đòn oan".
Thông thường, khi một võ sĩ đã bị trúng đòn nặng, hoặc bị đánh ngã xuống sàn (knockdown), trọng tài sẽ bắt đầu đếm và đợi võ sĩ ra tín hiệu có thể đấu tiếp.
Nhưng cũng có những trường hợp mà võ sĩ chỉ đứng dậy bằng sức mạnh tinh thần, bằng bản năng của một chiến binh. Lúc đó, dù võ sĩ đã ra hiệu có thể tiếp tục, trọng tài vẫn phải chủ động kết thúc trận đấu.
"Bạn trẻ Dương Đức Tùng của Hà Nội," Trọng tài Khánh Nguyên chỉ ra một ví dụ điển hình. "Kỹ thuật của Đức Tùng ở mức trung bình thôi. Nhưng ý chí và tinh thần của bạn đó rất, rất tốt."
Thi đấu ở hạng 65 kg, Dương Đức Tùng đấu 4 trận, để thua 3 trận và chỉ thắng 1. Đức Tùng không có thành tích nổi bật tại Coco Championship, nhưng không phải không có lý do khi trọng tài phải dùng đến hai chữ "rất" để mô tả về ý chí của võ sĩ trẻ Hà Nội.
Khoảng gần cuối hiệp 2 của trận đấu với Nguyễn Văn Hùng, Đức Tùng dính một cú đá khá mạnh vào vùng lá lách. Trọng tài Khánh Nguyên bắt đầu đếm.
Trong lúc đó, Đức Tùng luôn miệng nói "Em còn thi đấu được, em còn thi đấu được!", dù vậy, trọng tài vẫn phải quyết định dừng, bởi tiếp tục trận đấu sẽ hết sức nguy hiểm cho sức khỏe của Đức Tùng.
Clip cú đá vào lá lách trong trận Nguyễn Văn Hùng vs. Dương Đức Tùng:
"Nghe tuyên bố, Đức Tùng đổ sập xuống, không thể đi nổi," Trọng tài Khánh Nguyên kể lại. "Trận đánh với Bành Chí Hồng cũng diễn ra tương tự. Tôi có cảm giác đối với Đức Tùng, nếu còn đứng, cậu ấy sẽ còn đấm."
Đáng mừng là trừ những quyết định khó khăn như trường hợp của Dương Đức Tùng, các trọng tài Coco Championship chưa từng "gặp ca khó" với các võ sĩ, kể cả ở trên đài lẫn dưới đài.
Đây là một nét văn hóa võ thuật hết sức đặc trưng Châu Á - nơi mà tinh thần thượng võ được đề cao và tất cả các võ sĩ đều rất tôn trọng quyết định của trọng tài.
Khen võ sĩ, nhưng phải chê võ đài. Võ đài Boxing hay Muay Thái thông thường chỉ có 4 dây đài, không thích hợp cho một giải đấu mà võ sĩ có thể bị xô ra khỏi võ đài trong những pha quật ngã.
Do đó, cấu trúc của võ đài Coco Championship mô phỏng theo cấu trúc của những sàn MMA tại Nhật như PRIDE hay Rizin, với 5 dây đài được phân bố rộng hơn, trong đó dây đài dưới cùng nằm ngang với cẳng chân của võ sĩ.
Clip Nguyễn Thị Quỳnh (48 kg) suýt "bay" khỏi sàn đấu trong trận gặp Phạm Thị Bích Liễu tại CC 27:
Nhược điểm của võ đài Nhật Bản cũng bị Coco Championship "kế thừa" y như đúc.
Có thêm dây đài thứ 5 bên dưới, kèm thêm những sợi dây nhỏ để kiềng dây đài, nhưng vẫn có những trường hợp các võ sĩ nhỏ con như nữ võ sĩ Nguyễn Thị Quỳnh (48 kg) suýt "bay" khỏi sàn đấu trong trận gặp Phạm Thị Bích Liễu tại Coco Championship 27.
Nếu làm khít hơn, thì lại hụt bên trên, có thể khiến võ sĩ ở các hạng cân lớn nhào ra khỏi võ đài.
Clip đội ngũ người hỗ trợ giữ dây đài tại giải Rizin của Nhật:
Ở Nhật, đội ngũ người hỗ trợ (3-5 người) sẽ là những người giữ dây đài, để trọng tài chỉ tập trung vào diễn biến trận đấu và trạng thái của hai võ sĩ.
Ở Coco, các trọng tài vất vả hơn nhiều vì buộc phải gánh thêm trách nhiệm giữ chặt dây đài đề phòng võ sĩ bị lọt khi các pha quật ngã, tựa dây diễn ra. Đây có lẽ là điểm mà Coco Championship cần tham khảo thêm trong mùa giải năm sau.
"Coco muốn đưa giải đấu tới gần khán giả hơn, để tìm ra nhiều tài năng võ thuật Việt hơn nữa," Trọng tài Nguyễn Khánh Nguyên chia sẻ.
"Mục tiêu là đưa được ít nhất một võ sĩ phát triển tới tầm ngôi sao. Không dám mong ước hoành tráng như ONE FC, nhưng sẽ cố gắng hết sức để có tiếng vang trong khu vực Đông Nam Á."