Không chỉ có sự nghiệp như một huyền thoại võ thuật, Lý Tiểu Long còn là một triết gia uyên bác. Những thành tựu ấy đến từ thói quen mà ông đã duy trì từ khi còn bé: đọc sách.
Khi đã lập gia đình và trở thành nhân vật của công chúng với những tựa phim đình đám, Lý Tiểu Long vẫn duy trì một chế độ tập luyện điên cuồng nhưng không bao giờ bỏ lỡ giờ đọc sách mỗi tối của mình.
Những năm cuối cùng của đời mình trước khi vĩnh viễn ra đi đột ngột ở tuổi 33, Lý Tiểu Long viết một số tựa sách. Những cuốn sách này nhanh chóng nổi tiếng vì tiếng tăm của sự nghiệp ông đã gây dựng nhưng ít ai biết được Lý Tiểu Long đã đọc những gì để hình thành nên tư duy sắc bén ấy.
Nhiều học giả đương thời nhận xét "Lý Tiểu Long có lối nói chuyện rất ma mị và đầy chất huyền bí phương Đông". Dù chưa từng chính thức đỗ đạt trong ngành Triết học những những kiến thức mà ông thể hiện suốt sự nghiệp điện ảnh và viết sách của mình khiến ông được vinh danh như một triết gia thực thụ.
Lý Tiểu Long dành rất nhiều thời gian cho việc đọc sách dù luôn giữ mật độ tập luyện và làm việc dày đặc.
Nếu bạn muốn thử tìm đọc những gì mà Lý Tiểu Long đã lưu lại trên tủ sách cá nhân của mình, hãy tìm thử những cái tên sau:
Sách triết học phương Tây
Nhìn vào tủ sách mà Lý Tiểu Long đã sưu tập trong suốt sự nghiệp, không khó để tìm thấy những cuốn sách triết học phương Tây như Thần học Summa - St. Thomasa Aquinas; Điều tra về hiểu biết con người - David Hume; Thiền định trong triết học - Rene Descartes; Bí mật của sự ích kỷ - Carl Jung hay Muôn mặt anh hùng - Joseph Campbell
Lý Tiểu Long phải dành nhiều công sức để viết kịch bản và sách. Việc đọc sách giúp ông tích lỹ kiến thức và kỹ năng viết.
Sách triết học phương Đông
Dù sống phần lớn thời gian ở Mỹ nhưng Lý Tiểu Long không bao giờ "mất gốc" tư tưởng Đông Á, phần lớn là nhờ những gì được truyền đạt từ các tác phẩm kinh điển như: Đạo đức kinh của Lão Tử; Đạo - Trang Tử; Ngũ luân thư - Miyamoto Musashi hay Binh pháp - Tôn Tử
Các sách về võ thuật
Sau khi dần từ bỏ các truyện võ hiệp, Lý Tiểu Long bắt đầu đọc những cuốn sách "nghiêm túc" hơn về võ thuật, phần lớn là các tác phẩm hướng dẫn kỹ thuật của những tên tuổi nổi tiếng như:
• Gần 60 đầu sách từ nhiều tác giả trong bộ môn Fencing, chủ yếu là của Aldo Nadi.
• Nghệ thuật tự vệ Aikido - Koichi Tohei
• Kỹ thuật Karate nâng cao - Mas Oyama. Lý Tiểu Long cũng đọc rất nhiều sách của Mas Oyama.
Đạo của Triệt Quyền - bộ sách tâm huyết của Lý Tiểu Long được xây dựng dựa trên những gì mà huyền thoại võ thuật học tập từ nhiều cuốn sách khác và quá trình tự nghiên cứu của cá nhân ông.
• Chapionship Fighting - một sách hướng dẫn kỹ thuật Quyền Anh viết bởi huyền thoại Jack Dempsey. Ngoài ra Lý Tiểu Long còn tìm đọc cách sách của Rocky Marciano và Joe Louis.
• Vịnh Xuân Quyền - James Lee (người sau này trở thành bạn thân và thầy của Lý Tiểu Long)
• Tác động của chuyển động cơ thể con người - Marion Ruth Broer.
Lý Tiểu Long có một tủ sách riêng trong nhà mình. Đến giờ tủ sách vẫn được gia đình ông bảo quản cẩn thận như một kỷ vật của người chồng - người cha quá cố.
Các sách Self-Help của người Mỹ
Dù mang dòng máu Đông Á nhưng Lý Tiểu Long có tư duy của một người Mỹ chính hiệu. Ông thường xuyên đọc các sách self-help (kỹ năng tự phát triển bản thân) của các tác giã Mỹ, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như Đắc Nhân Tâm - Dale Carnegie hay các tác phẩm của Norman Vincent Peale, điển hình là cuốn Hiệu quả phi thường của lối suy nghĩ tích cực.
Tựa sách huyền thoại Đắc Nhân Tâm là một trong những tác phẩm Lý Tiểu Long yêu thích nhất.
Ông cũng đặc biệt yêu thích những cuốn sách như Người suy niệm của James Allen hay Tư duy đột phá (Melvin Powers.)
Ngoài ra, trên tủ sách của Lý Tiểu Long còn lưu lại một số tác phẩm thú vị mà huyền thoại họ Lý rất quan tâm như Những yếu tố của phong cách, tiểu thuyết Huân chương đỏ của lòng dũng cảm (Stephen Crane), trọn bộ 11 cuốn Lịch sử của nền văn minh (Will Durant) hay nhiều tác phẩm của Shakespeare và Plato.