Nhiều người vẫn tin võ sĩ phải ăn đủ thịt, đủ sữa mới có sức chinh chiến, nhưng những nghiên cứu về Protein, về dinh dưỡng lại cho thấy một góc nhìn hoàn toàn khác.
Mỗi ngày, các protein trong cơ thể đều sẽ liên tục bị phá vỡ và tự xây dựng lại, nhưng khi các võ sĩ tập luyện hay thi đấu, quá trình này diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Nếu tỷ lệ phân hủy protein vượt quá tốc độ hình thành protein mới thì sẽ dẫn đến sự tiêu giảm khối lượng cơ, điều này tác động vô cùng tiêu cực đến cơ thể võ sĩ.
Nguồn Protein chính trong thực đơn võ sĩ thường gồm thịt, cá, trứng, sữa và uống thêm whey bổ sung
Do vậy, chất đạm vẫn luôn là thành phần quan trọng nhất trong thực đơn của bất kỳ võ sĩ nào. Cũng bởi thế, nhiều người vẫn tin võ sĩ phải ăn đủ thịt, uống đủ whey thì mới có sức chinh chiến.
Nhưng có thật là chỉ nguồn đạm động vật mới đảm bảo nguồn Protein và dinh dưỡng cho võ sĩ? Chưa chắc.
Một nghiên cứu mới được công bố của tiến sĩ Douglas Kalman và chuyên gia dinh dưỡng Alison Escalante cho thấy những VĐV sử dụng nguồn protein từ gạo lứt có được kết quả tương đồng với những VĐV sử dụng nguồn protein từ whey.
Anthony Johnson (phải) tham gia nghiên cứu của tiến sĩ Kalman về protein thực vật
Cuộc nghiên cứu này đã được thực hiên trên 11 võ sĩ MMA, trong đó có 7 người đang thi đấu ở UFC.
Nghiên cứu cho thấy quá trình tăng trưởng và giữ cơ trong khoảng thời gian 6 tuần giữa hai nhóm VĐV trên là hoàn toàn giống nhau. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với những định kiến về protein thực vật đã có từ lâu, vốn được coi là thua kém so với nguồn protein từ thịt và sữa.
Nguồn protein thực vật đã bị đánh giá thấp trong một thời gian dài
Tiến sĩ Kalman cho biết: "Cuộc nghiên cứu này là bằng chứng cho thấy ngay cả với những VĐV hàng đầu như các võ sĩ MMA thì nguồn protein từ gạo lứt vẫn có tác dụng tương đương protein từ whey trong việc giúp họ duy trì cân nặng và khối lượng cơ bắp."
Nhóm 11 VĐV trên, bao gồm cả võ sĩ nổi tiếng Anthony Johnson, được chia làm hai nhóm – nhóm Thực vật và nhóm Động vật. Sau 6 tuần theo dõi, kết quả thu được từ hai nhóm là tương đồng, ngay cả trong khoảng thời gian tập luyện cường độ cao.
Một võ sĩ khác tham gia nghiên cứu, Andre Soukhamthath (trái) có vấn đề về tiêu hóa whey và đã thi đấu khá tốt khi đổi sang dùng đạm thực vật
Theo tiến sĩ Kalman, những người ăn chay và những người có vấn đề về dạ dày sẽ hấp thu đạm động vật kém hiệu quả.
Thay vì cứ phải ậm ạch chờ đến nửa tiếng để tiêu hóa các chất đạm động vật, việc thay thế chúng bằng nguồn đạm thực vật thực ra rất tốt chứ không phải lo "thiếu chất" như người ta vẫn nghĩ.
Biểu đồ về lượng protein mà các loại thực vật khác nhau có thể cung cấp trên mỗi 100g
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc sử dụng đạm thực vật.
Ví dụ như một nguồn đạm thực vật duy nhất sẽ không thể cung cấp đủ 9 loại acid amin cần thiết giống như thịt. Đồng thời lượng creatine (vốn được dùng để tăng cường độ luyện tập và phục hồi cơ bắp) mà nguồn đạm thực vật có thể cung cấp cũng ít hơn.