Võ thuật là một yếu tố quan trọng trong phim và truyện kiếm hiệp, nhưng thường xuyên được "chém gió" quá tay và dẫn đến nhiều ảo tưởng cho người xem.
"Hai bên giao đấu trên trăm hiệp"
Nghe câu này, hầu hết fan phim kiếm hiệp đều nghĩ đến khái niệm "hiệp đấu" dài 3 phút thường thấy trong Quyền Anh, MMA...
Trên thực tế, một "hiệp đấu" trong khái niệm võ thuật Trung Hoa cổ điển chỉ là một pha đòn, bao gồm một pha chủ động tấn công và cách đối thủ phản ứng lại với nó.
Nếu đòn đánh trúng đích, bị phản đòn thành công hay bị gạt trượt đi, "hiệp" đó kết thúc và đòn đánh kế tiếp được tính là một "hiệp" khác.
Như vậy, những trận đấu long trời lở đất trong phim kiếm hiệp dù có "kéo dài hàng trăm hiệp" thực tế cũng chỉ như vài hiệp đấu MMA.
"Chỉ trong nháy mắt, Vô Kỵ đã ghi nhớ từng chiêu thức..."
Đây là câu chém gió kinh điển của giới võ lâm trong các phim kiếm hiệp. Một số cao thủ bẩm sinh như Trương Vô Kỵ, hoặc từng tập qua Tiểu Vô Tướng Công của Tiêu Dao có thể học được công phu các môn phái khác chỉ bằng cách nhìn lén trong tích tắc.
Trương Vô Kỵ và Lệnh Hồ Xung - những cao thủ học lóm võ công trong tích tắc thực ra chỉ là do ngòi bút phóng đại.
Sự thật phũ phàng hơn nhiều. Con người không ghi nhớ các kỹ thuật chiến đấu giống như cách ghi nhớ dòng chữ hay câu hát. Để nhớ được kỹ năng võ thuật, võ sĩ phải thực sự chuyển động cơ bắp, và chính những chuyển động ấy mới là thứ được khắc ghi vào não.
Kể cả khi có trí nhớ đặc biệt do bẩm sinh thần kinh (chẳng hạn thiên tài âm nhạc Mozart có thể nhớ từng nốt trong cả bản nhạc sau một lần nghe), điều đó cũng vô nghĩa trong võ thuật.
Bản chất võ thuật là sự vận động cơ thể nên không thể ghi nhớ giống như cách học thuộc một đoạn văn hay bản nhạc.
"Võ công thiên hạ xuất Thiếu Lâm"
Thiếu Lâm là một trong những môn phái được trọng vọng nhất trong các truyện kiếm hiệp, không ít lần được vinh danh ở vị trí "võ lâm chí tôn" và là nơi xuất xứ của mọi công phu khác trong thiên hạ.
Thiếu Lâm tự thực tế không phải cái nôi của làng võ thuật Trung Hoa.
Tuy nhiên, thực tế võ thuật Thiếu Lâm chỉ xuất phát từ khoảng giữa lịch sử Trung Hoa. Trước và cả trong thời Thiếu Lâm tự hưng thịnh nhất, nhiều vùng miền của Trung Quốc cũng đã có di sản võ thuật riêng, mãi đến sau này mới bị quyền pháp Thiếu Lâm tự ảnh hưởng và đồng hóa.
"Vô địch thiên hạ"
Nhiều môn phái và cao thủ trong truyện kiếm hiệp tự xưng mình là vô địch thiên hạ. Thực tế, võ thuật hiện đại đã chứng minh giữa các trường phái võ thuật luôn có sự khống chế lẫn nhau, các võ sĩ dù hoàn thiện đến mấy nhưng luôn có kẽ hở vì mỗi sở trường họ chọn để trau dồi đều luôn có mặt trái của nó.
Võ thuật hiện đại đã chứng minh khái niệm "độc cô cầu bại" là rất phi logic.
Thực tế, chính Kim Dung cũng đã cố đưa sự cân bằng vào chốn võ lâm, đặc biệt là qua hình tượng của năm đại cao thủ Đông Tà - Tây Độc - Nam Đế - Bắc Cái - Trung Thần Thông.
Năm đại cao thủ của truyện Kim Dung thực ra cũng không hề phân chia vai vế cao thấp, dù tất cả đều được xem như bậc võ lâm chí tôn.
Năm người này vốn được xây dựng trên ý tưởng về ngũ hành, mỗi người sống ở một phương hướng, quần áo có màu sắc riêng, tính cách đặc biệt và cả sở trường võ thuật đều ứng với ngũ hành.
Dù đều là cao thủ bậc nhất trong võ lâm nhưng năm người này lại đứng ngang hàng vai vế và không có người nào thực sự là vô địch thiên hạ. Giữa họ cũng có những cuộc chiến và thường được Kim Dung quyết định thắng thua bằng... sự tương khắc trong ngũ hành, cũng giống như sự thật rằng võ sĩ Quyền Anh không thể chống cự được đòn vật của Wrestling hay một người tập Judo không biết làm gì với cú đạp của đối thủ Muay Thái.