Có tiếng mà không có miếng
Võ sĩ hiện đang xếp thứ 6 hạng Lightweight, Donald Cerrone từng nói: "Cứ nhìn vào chỗ tiền người ta trả cho tôi sau mỗi trận đánh mới biết tôi chả là cái gì trong mắt họ cả."
Không chỉ Cerrone, mà rất nhiều võ sĩ, dù đã rời UFC hay vẫn đang thi đấu, đều phàn nàn rằng số tiền mà UFC trả cho họ quá thấp. Thậm chí chưa chắc đã đủ nuôi thân.
Joanna Calderwood - võ sĩ xếp thứ 7 tại hạng Bantamweight nữ - từng ngồi buồn xo trong phòng thay đồ, thông báo rằng dù thắng trận, cô vẫn phải đi tìm việc khác vì không chi trả nổi khóa huấn luyện full time.
Myles Jury, cái tên đã từng ở trong top 10 hạng Lightweight, công bố phá sản tháng 10 năm ngoái sau khi không thể thanh toán nổi bất cứ hóa đơn nào.
Chia sẻ với truyền thông, Jury tóm tắt chi phí tối thiểu mà một võ sĩ cần để chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo sẽ là 8.500 USD. Những võ sĩ muốn có một huấn luyện viên tốt và chuyên viên dinh dưỡng để giữ mình ở top đầu phải trả cái giá cao hơn rất nhiều, vào khoảng 25.000 - 30.000 USD và thậm chí còn hơn thế.
Nếu một võ sĩ mới vào UFC thua trận đấu đầu tiên, anh ta chỉ được trả 10.000 USD. Trừ đi 8.500 USD tối thiểu chuẩn bị cho trận đấu kế tiếp, anh chàng võ sĩ sẽ còn lại tối đa 1.500 USD cho tiền ăn và tiền sinh hoạt trong 2-3 tháng tiếp theo.
Phần nhiều các võ sĩ không thể xoay sở nổi trong khoảng 1.500 USD đó. Với cường độ vận động cao kể cả trong khi luyện tập, nhu cầu về sức ăn của các võ sĩ phải gấp 1,7 đến 2,2 lần khẩu phần trung bình của một người trưởng thành.
Tiền ăn và sinh hoạt phí đã là một chuyện. Nếu anh ta gặp chấn thương sau trận thua, hay trong lúc luyện tập thì còn tệ hơn: tiền thuốc men sẽ ngốn sạch 1.500 USD còn nhanh hơn tốc độ dũng sĩ Hesman biến hình.
Không chỉ những võ sĩ mới gia nhập UFC mới gặp khó khăn về kinh tế. Tân vương hạng Heavyweight Stipe Miocic hiện vẫn đang làm nghề... lính cứu hỏa. Cựu vương Shane Carwin vừa đánh võ đài vừa làm thợ máy.
Ngay cả một võ sĩ có khá nhiều fan như Nate Diaz trước khi anh đánh bại "mỏ vàng của UFC" Conor McGregor cũng chỉ được nhận mức lương ít ỏi 40.000 USD cho mỗi trận thắng. Con số đó sẽ chỉ còn một nửa nếu thua.
Nhà tài trợ... góp phần làm nghèo võ sĩ
Ngoài lý do từ chính UFC, hợp đồng độc quyền trang phục của Reebok cũng là một lý do khiền hầu bao của các võ sĩ thắt lại.
Các võ sĩ đấu 1-5 trận tại UFC: 2.500 USD (sau 26/4/2015 là 5.000 USD)
Các võ sĩ đấu 6-10 trận tại UFC: 5.000 USD (sau 26/4/2015 là 8.000 - 10.000 USD)
Các võ sĩ đấu 11-15 trận tại UFC: 10.000 USD (sau 26/4/2015 là 12.000 - 15.000 USD)
Các võ sĩ đấu 16-20 trận tại UFC: 15.000 USD (sau 26/4/2015 là 18.000 - 20.000 USD)
Trên 21 trận: 20.000 USD
Người khiêu chiến đai vô địch: 30.000 USD
Nhà vô địch: 40.000 USD
Do Reebok đã ký độc quyền trang phục, các võ sĩ không thể mặc trang phục với logo của nhà tài trợ lên sàn đấu nữa. Thay vì thế, các võ sĩ sẽ chỉ được mặc trang phục thể thao của Reebok và nhận tiền quảng cáo từ Reebok với một con số "nhỏ giọt" đến khó tin.
So sánh một cách hình tượng, việc đổi tiền tài trợ từ các nhãn hàng thành tiền tài trợ của Reebok không khác gì đang đi SH mà phải đổi thành Wave Tàu.
Tim Kennedy cho biết với một trận đấu tại Strikeforce, một mình anh có thể kiếm được số tiền tài trợ nhiều hơn tổng số tiền Reebok trả cho 18 võ sĩ tại UFC Fight Night 70.
Gegard Mousasi cũng tiết lộ với báo giới rằng con số mà Reebok trả cho anh chỉ bằng khoảng 20-25% thu nhập trước kia từ các nhãn hàng tài trợ.
Nhưng ví dụ kinh điển nhất phải kể đến Eddie Alvarez. Nhà ĐKVĐ UFC hạng Lightweight chỉ mới đấu 2 trận tại UFC thời điểm năm 2015, do đó tiền quảng cáo mà phía Reebok đã trả cho anh sau trận đấu với Gilbert Melendez vỏn vẹn có 2.500 USD.
Trước đó, anh đã từng kiếm 70.000 USD tiền quảng cáo thương hiệu cho mỗi trận đấu tại Bellator.
Tóm lại, theo thống kê của Economist.com, con số trung bình mà mỗi võ sĩ UFC được trả sau trận đấu chỉ vào khoảng 24.500 USD. Kể cả tiền tài trợ từ Reebok.
Hệ quả là các trận "money fight" lên ngôi
Với đa phần các võ sĩ, cơ may đổi đời duy nhất chỉ đến khi họ trở thành nhà vô địch, hay được đưa lên trận đấu chính của một sự kiện. Lúc đó các võ sĩ mới được quyền chia phần trăm tiền bản quyền truyền hình (pay-per-view).
Hiện nay Conor McGregor vẫn là người được hưởng lợi nhiều nhất từ khoản thu nhập này, với 3 USD mỗi lượt view của khán giả. Theo Forbes.com, chỉ tính riêng khoản tiền bản quyền truyền hình được chia chác trong năm 2015, 'The Notorious' đã bỏ túi 15 triệu USD.
Do đó, con đường kiếm tiền của các võ sĩ cũng trở nên rất rõ ràng: thắng, tiếp tục thắng, trở thành nhà vô địch, đánh những trận "money fight" với những đối thủ danh tiếng, kể cả cùng hạng cân hay thậm chí chênh lệch vài hạng cân, miễn sao nó đủ hấp dẫn một lượng lớn pay-per-view.
Gần đây, UFC đã được bán với cái giá 4 tỷ USD, tương đường gần 90 nghìn tỷ VND. Ngoài giá trị bản thân giải đấu, UFC còn sở hữu một kênh truyền hình trả tiền 'Fight Pass', một series game giác đấu hợp tác cùng EA Sports, hợp đồng bán quyền phát sóng trực tiếp với FOX Sports, và một lượng fan hâm mộ khổng lồ sẵn sàng trả 60 USD cho một vé vào cửa mỗi sự kiện.
UFC không thể thành công đến thế nếu máu và mồ hôi của rất nhiều võ sĩ, cả nam lẫn nữ, không chảy trên sàn đấu.
Đã đến lúc giải đấu MMA lớn nhất thế giới phải thay đổi trong cách đối xử với các võ sĩ. Không chỉ Conor McGregor hay Ronda Rousey mới xứng được trả lương cao.