Cầu thủ NBA thường là "con nhà nòi"

thứ ba 25-10-2016 14:57:14 +07:00 0 bình luận
Nghiên cứu mới đây của "Wall Street Journal" đã đưa ra kết quả thú vị, khi gần một nửa số cầu thủ tại NBA được sinh ra trong gia đình có truyền thống thể thao.

Nghiên cứu mới đây của "Wall Street Journal" đã đưa ra kết quả thú vị, khi gần một nửa số cầu thủ tại NBA được sinh ra trong gia đình có truyền thống thể thao.


Tại Mỹ, không có giải đấu nào mà các cầu thủ có người thân đang và từng là VĐV chuyên nghiệp nhiều như ở NBA. Chẳng nói đâu xa, nhà vô địch 2014-15 Golden State Warriors là một ví dụ.

Ai cũng rõ về Stephen Curry – cầu thủ 3 lần giành MVP, song không phải ai cũng biết đến người bố của anh, Dell Curry là một chuyên gia ném xa từng thi đấu 16 mùa NBA. Ngoài ra, em trai của Stephen - Seth hiện là tay ném thuộc biên chế Sacramento Kings.

Tương tự như Stephen Curry, Klay Thompson là con trai của Mychal Thompson – người từng 2 lần liên tiếp vô địch NBA (1987, 1988) trong màu áo Los Angeles Lakers.

Cặp bố con bóng rổ: Dell/StephenCurry (trái) và Mychal/Klay Thompson
Cặp bố con của làng bóng rổ: Dell/StephenCurry (trái) và Mychal/Klay Thompson

Chưa hết, cặp tiền đạo Draymond Green và Andre Iguodala đều đang có những người em chơi bóng tại đại học, còn bác của hậu vệ Shaun Livingston đang thi đấu bóng rổ tại Đức.

Những mối quan hệ gia đình đó không phải là đặc sản của riêng Warriors. Thực tế cho thấy, mỗi CLB ở NBA luôn có các cầu thủ mà họ hàng đều có máu thể thao trong người, không chỉ là bóng rổ.

Trung phong số 1 của Oklahoma City Thunder, Steven Adams vẫn luôn tự hào về người chị gái Valerie với 2 tấm HCV Olympic môn đẩy tạ.

Trong khi đó hầu hết mọi thành viên trong gia đình của tiền đạo Kyle Singler đều là dân thể thao chính hiệu, bao gồm ông bố Ed Singler từng là cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng của Oregon State.

Chị gái của Steven Adams (áo xanh), Valerie từng giành 2 HCV Olympic
Chị gái của Steven Adams (áo xanh), Valerie từng giành 2 HCV Olympic

Theo nghiên cứu của "Wall Street Journal" về tiểu sử của các cầu thủ NBA, 48,8% số cầu thủ có người thân đã và đang là những VĐV thể thao đỉnh cao – những người chơi thể thao chuyên nghiệp trong hệ thống NCAA hoặc ở các cấp độ của đội tuyển quốc gia.

Ở những giải đấu khác, yếu tố phả hệ này thấp hơn nhiều. Tại giải bóng bầu dục NFL hay giải bóng chày MLB, tỷ lệ những VĐV có họ hàng chơi thể thao chỉ là 17,5% và 14,5%.

Nhiếu ý kiến cho rằng, lợi thế lớn nhất của các cầu thủ bóng rổ từ khía cạnh trên là chiều cao. Theo số liệu từ Cục Điều tra dân số Mỹ, cầu thủ NBA cao trung bình 1m98, nhiều hơn 23cm so với chiều cao trung bình của nam giới Mỹ.

“Đó là một giả thuyết hợp lý giải thích vì sao họ hàng của cầu thủ bóng rố cũng là những VĐV thể thao”, nhà nghiên cứu di truyền học của Harvard - Joel Hirschhorn nhận định: “Nếu ai đó cao 1m98 thì khả năng người thân của họ có chiều cao tương đương là rất lớn”.

Cần biết rằng khoa học đã mất thời gian dài để nghiên cứu mối liên hệ thực sự giữa gen và chiều cao. Dù vẫn còn nhiều câu hỏi song những thành quả đầu tiên đã đến. Năm ngoái, với sự phối hợp của 300 học viện nghiên cứu trên khắp thế giới qua quan sát hơn 250.000 người, một công trình có tên GIANT đã hé lộ nhiều điều.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng không tồn tại một loại gen trội đặc biệt về chiều cao, mà thay vào đó là sự trộn lẫn giữa các gen sẽ ảnh hưởng đến chiều cao con người.

Khi ấy, ảnh hưởng sẽ không chỉ từ phía những người thân nhất trong gia đình, mà tác động còn đến từ những thế hệ xa hơn, phụ thuộc vào nguồn gốc dân tộc của mỗi cá nhân.

Ví dụ như ở châu Âu, người Hà Lan có chiều cao trung bình tốt hơn so với Tây Ban Nha. Điển hình như trường hợp của cựu cầu thủ cao 2m24 Rik Smits. Không chỉ Smits, chiều cao của các thành viên trong gia đình cầu thủ Hà Lan này cũng đều xấp xỉ 2m.

Cặp anh em nổi tiếng người Tây Ban Nha: Pau (trái) và Marc Gasol
Cặp anh em nổi tiếng người Tây Ban Nha: Pau (trái) và Marc Gasol.

Về phía các nhà tuyển trạch, dễ hiểu vì sao con cái của những cựu cầu thủ là ưu tiên hàng đầu của họ. Phụ trách công tác tìm kiếm cầu thủ giúp 247Sports, Jerry Meyer cho biết: “Tôi càng ngày càng tin rằng gen di truyền là điều kiện tối quan trọng”.

Theo Hirschhorn, không có nhiều cặp anh, chị em ruột “đột biến” chiều cao trong một gia đình. Nhưng ở NBA, điều này không phải là ít với những cặp anh em như Marc – Pau Gasol, Miles – Mason Plumlee, Brook – Robin Lopez và Cody – Tyler Zeller. Tất cả đều cao từ 2m11 trở lên.

Tuy nhiên, chiều cao không phải là nguyên nhân duy nhất. Chuyên gia Hirschhorn cho rằng còn 2 lợi thế khác khiến NBA trở thành giải đấu “cha truyền con nối”: Đó là ảnh hưởng từ môi trường xung quang và những đặc điểm thể trạng như kỹ năng, tầm bật nhảy, thể hình, chiều dài cánh tay.

Harvey Grant, big men một thời của Portland Trail Blazers và từng 4 lần vô địch NBA, chia sẻ bóng rổ đến với anh bắt đầu từ hàng giờ chơi bóng và tập luyện tại công viên cùng người anh Horace. Hai con trai của Harvey, Jerami và Jerian cũng đang là cầu thủ tại NBA.

“Phần lớn cầu thủ NBA không có nhiều thời gian dành cho gia đình, vì vậy chúng tôi thường mang con cái đi cùng đến sân tập luyện, thi đấu”, Harvey nói: “Ở đó, chúng có thể tập luyện hay thi đấu cùng tôi”.

Robin Lopez (số 11 đội Brooklyn Nets) đối đầu với anh em sinh đôi Robin Lopez bên phía New York Knicks
Brook Lopez (số 11 đội Brooklyn Nets) đối đầu với anh em sinh đôi Robin Lopez lúc còn khoác áo New York Knicks mùa trước.

Với trung phong Robin Lopez, món quà của gia đình đóng vai trò không chỉ đơn giản là vấn đề chiều cao: “Tôi nghĩ mình quá may mắn khi cao 2m13. Nhưng khi nhìn lại, đó chỉ là một phần nhỏ. Tôi đã có chỗ dựa vững chắc khi mẹ tôi đưa anh trai (Brook) đi thi đấu. Chúng tôi đã kết nối và làm quen được với nhiều người khác. Nếu tôi là con một, tôi không chắc liệu mình có được sự nghiệp như này không”.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm