Cựu siêu sao NBA Spencer Haywood đã mất đi số tiền lớn thế nào chỉ vì nghe theo lời khuyên của nhóm cố vấn?
Từng có câu chuyện làm giàu đáng kinh ngạc của Ulisses Junior Bridgeman, sao hạng 2 thành danh từ đội bóng NBA Milwaukee Bucks hồi thập kỷ 80. Bridgeman xuất phát với tiếng tăm và mức lương có hạn mà vẫn có thể kiếm được số tiền gấp trăm lần so với thu nhập của ông lúc còn tại NBA.
Trong khi đó, thời kỳ đầu những năm 70, Spencer Haywood lại được coi như một cầu thủ ở đẳng cấp siêu sao.
Haywood 18 tuổi đã có danh tiếng nổi như cồn.
Ông có 4 lần tham dự All-Star, 4 lần lọt vào đội hình tiêu biểu toàn NBA. Bên cạnh đó, sự nghiệp Haywood còn đặc biệt cần nhắc tới 2 thành tích quan trọng nhất gồm huy chương vàng Olympic 1968 và danh hiệu cầu thủ giá trị nhất thuộc ABA.
18 tuổi, Haywood đã được trao tặng giải thưởng Mr Bastkeball USA, vinh dự tương đương như danh hiệu Cầu thủ hay nhất năm được bình chọn bởi ESPN ngày nay.
Trong thời kỳ đỉnh cao, huyền thoại này có trung bình 30 điểm và 13 rebound/mùa cho Seattle Supersonics, đội bóng sau đó đã treo số áo 24 của ông để tôn vinh.
Nằm trong nhóm những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất, Hayward cũng có thể trở thành một trong những người giàu có nhất thế giới. Đáng tiếc, ông đã bỏ lỡ cơ hội do nghe lời của nhóm cố vấn.
Thương vụ hợp tác quảng bá bán giày giữa Nike và Haywood.
Với danh tiếng nổi bật từ sớm, Haywood được chú ý bởi những hãng kinh doanh đang hướng tầm nhìn đầu tư vào giải đấu NBA. Trong khi nhiều đồng nghiệp nằm mơ cũng không được, Haywood lại có chọn lựa sai lầm đối với lời đề nghị từ hãng thể thao Nike.
Với tiêu chuẩn ngày nay, lời đề nghị của Nike năm 1971 cũng rất khác thường. Nike đặt vấn đề yêu cầu Haywood làm hình ảnh đại diện với hai quyền tự lựa chọn: Số tiền mặt 100 nghìn USD và 10% lợi nhuận của công ty!
Ở thời điểm đó, Nike vẫn chỉ nắm thị trường rất nhỏ với cái tên cũ Blue Ribbon Sports. 10% lợi nhuận của hãng ở đầu thập kỷ 70 thậm chí còn mang giá trị nhỏ hơn 100 nghìn USD. Do đó, nhóm cố vấn của Haywood đã khuyên ông nhận số tiền mặt.
Nhưng không ngờ Nike đã chuyển mình trở thành đế chế kinh doanh với lợi nhuận hàng chục tỷ USD hàng năm.
Sai lầm thực sự rõ ràng khi Nike nhanh chóng phát triển để trở thành ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh đồ dùng thể thao. Tính theo giá trị của năm 2017 vừa qua, 10% lợi nhuận hàng năm của hãng tương đương với 3 tỷ USD.
Haywood trong suốt quãng thời gian về hưu nếu chỉ dựa vào số tiền hưởng lợi nhuận của Nike cũng có thể sống một cuộc đời ung dung. Câu chuyện về ông hẳn sẽ giúp cho nhiều cầu thủ thế hệ sau có tầm nhìn hơn trong việc đưa ra các quyết định hợp tác.