Tại bang Iowa có một sân bóng rổ ngoài trời cực kỳ đặc biệt. Nó được sơn theo màu vàng tím đặc trưng của Los Angeles Lakers và được đặt tên là “Laker Court".
Vậy vì sao đội bóng đóng quân tại bang California lại bỏ tiền xây một sân bóng rổ ngoài trời tại bang Iowa trong khi nó không có liên quan gì đến công tác từ thiện?
Dưới đây sẽ là câu trả lời.
CHUYẾN BAY ĐỊNH MỆNH
Los Angeles Lakers đang là chủ nhân của 17 chiếc cúp Larry O'Brien, con số cao nhất lịch sử giải đấu và chia nhau kỷ lục về số lần vô địch NBA cùng Boston Celtics.
Tuy vậy, mọi thứ đã có thể rất khác với đội bóng này nếu không có điều kỳ diệu xảy ra vào một buổi tối của năm 1960.
Trước khi chuyển về đóng quân tại Los Angeles, Lakers được đặt tại Minneapolis, Minnesota. Vì đây là nơi có hàng vạn hồ nước tự nhiên lớn nhỏ, đội bóng đã lấy tên là Minneapolis Lakers (lake là từ tiếng Anh của hồ nước).
Sau khi thi đấu một trận sân khách tại bang Missouri vào buổi chiều ngày 17/01/1960, toàn đội đã ra sân bay để trở về Minneapolis.
Khi bước lên chiếc máy bay cánh quạt Douglas DC-3, có lẽ các cầu thủ Lakers không thể đoán trước được điều gì đang chờ đợi họ.
Mới cất cánh không lâu, chiếc máy bay đi vào khu vực có bão tuyết và thời tiết xấu đã khiến hệ thống điện gặp trục trặc. Theo lời kể của cơ phó Harold Gifford, máy bay bị mất điện, không có đèn và không thể liên lạc với mặt đất hay kiểm soát viên không lưu.
Gần như bị “mù" vì trời tối và không có bất kỳ công cụ nào để hỗ trợ (do công nghệ hàng không vào năm 1960 chưa tiên tiến), chiếc máy bay chở 10 thành viên của Minneapolis đã ở trên không hơn 5 tiếng đồng hồ mà vẫn không thể tiếp cận khu vực Minnesota.
Nhiên liệu của chiếc DC-3 cạn dần cũng là lúc hành khách lo sợ về một kịch bản tồi tệ. Trong buồng lái, phi hành đoàn quyết định sẽ hạ cánh khẩn cấp vì đó là phương án khả thi nhất thời điểm đó.
Cơ phó Gifford kể lại rằng ông và các cộng sự đã phải đưa máy bay xuống độ cao cực kỳ thấp, thậm chí là ở mức không an toàn nhằm tìm ra một bãi đất trống để hạ cánh.
Cuối cùng chiếc DC-3 đã đáp xuống một cánh đồng ngô theo lựa chọn của Gifford ở thị trấn Carroll - bang Iowa, mất hơn 300 mét để dừng lại và tất cả mọi người đều an toàn.
Trong số 23 hành khách là 10 cầu thủ của Minneapolis Lakers, bao gồm người về sau trở thành huyền thoại của đội bóng là Elgin Baylor. Khi kiểm tra, chiếc máy bay chỉ còn khoảng 5 phút nữa là cạn kiệt nhiên liệu.
Điều thần kỳ khác là máy bay dừng lại khi cách một bờ vực chỉ chưa đầy 60 mét. Slick Leonard, cầu thủ Lakers khi đó kể lại rằng: "Nếu máy bay lao xuống vực, có lẽ nó sẽ phát nổ và tất cả mọi người sẽ không thể nào qua khỏi được. Trước đó khi máy bay còn trên không, chúng tôi đã sợ điều tồi tệ nhất.
Tôi có 3 đứa con nhỏ ở nhà và tôi lo rằng mình sẽ không được gặp chúng nữa. Những thứ như vậy liên tục xuất hiện trong đầu tôi".
Thử thách chưa dừng lại vì xung quanh khu vực hạ cánh là đồng ngô với lớp tuyết dày. Vì máy bay bị mất điện nên không có bất kỳ tín hiệu khẩn cấp nào được phát đi, nhưng rất may là người dân xung quanh khu vực đã nhận thấy điều bất thường.
Ngay khi thấy máy bay ngừng lại, đơn vị cứu hộ, cứu nạn của địa phương đã tiếp cận hiện trường rất nhanh để đưa hành khách ra ngoài.
Tất cả đều được lập tức đưa về nhà người dân ở gần đó để sưởi ấm, lấy lại sự bình tĩnh trước khi chuyển đến bệnh viện để kiểm tra thêm.
Để ghi nhận sự giúp đỡ này, Los Angeles Lakers đã chi ra 25.000 đô la Mỹ để xây một sân bóng rổ cho thị trấn Carroll, tạo ra sân chơi cho những ai yêu thích bóng rổ.
Vị trí của sân được đặt ngay đúng địa điểm mà chiếc máy bay đã dừng lại ở cánh đồng ngô năm 1960.
Bà Jeanie Buss, chủ sở hữu hiện tại của đội bóng chia sẻ rằng:
“Chuyến bay định mệnh hôm ấy đã là bước ngoặt lớn trong lịch sử Los Angeles Lakers. Nếu không có sự điềm tĩnh của phi hành đoàn và sự giúp đỡ của người dân thị trấn Carroll, thật khó để Lakers có được ngày hôm nay".
Ngày xưa, việc máy bay gặp nạn xảy ra khá thường xuyên và hay có kết cục xấu. Rất nhiều đội thể thao đã có nhiều thành viên hay thậm chí là cả đội thiệt mạng vì những vụ việc như thế này.
Riêng với bóng rổ, vụ tai nạn thảm khốc nhất xảy ra vào năm 1977 khi một chiếc Douglas DC-3 (giống với máy bay của Minneapolis Lakers) đã bị rơi ngay sau khi cất cánh cho một chuyến du đấu.
Toàn bộ 29 hành khách đã thiệt mạng bao gồm cầu thủ, ban huấn luyện và nhân viên đội bóng rổ trường đại học Evansville. Vậy mới thấy Lakers ngày ấy đã may mắn đến chừng nào.