Cách đây vài thập kỷ, ý tưởng vận động viên chuyên nghiệp sử dụng thương hiệu của mình để đầu tư và kinh doanh còn vô cùng lạ lẫm. Phần lớn chỉ dừng lại ở những hợp đồng quảng bá hình ảnh.
Nhưng với nhiều cầu thủ ngày nay, họ hiểu rõ hơn vị thế của bản thân. Nhờ đó, họ chú trọng vào việc xây dựng hình ảnh và công việc kinh doanh nhằm kiến tạo dần cho một cuộc sống bền vững sau khi sự nghiệp bóng rổ khép lại.
Tuy nhiên, không phải ai chơi bóng rổ hay cũng có thể sống sót trong lĩnh vực tài chính. Xen lẫn với những hợp đồng kếch xù vẫn là những cơ hội không mấy sáng sủa. Thậm chí, nhiều công ty còn lừa các cầu thủ để tận dụng hình ảnh của họ để trục lợi.
Vậy nên để trở thành những ông trùm của giới kinh doanh, cầu thủ NBA sẽ cần bộ óc sáng suốt và một đội ngũ cộng sự đáng tin cậy. Đó cũng là lý do vì sao trong hàng trăm cái tên đã từng lọt vào All-Star, chỉ chưa đầy 10 VĐV thực sự thành công trên thương trường.
Dưới đây sẽ là 8 cái tên nổi bật trong lịch sử NBA đã chuyển hoá từ những ngôi sao tại NBA sang các nhà kinh doanh xuất sắc.
Magic Johnson
Profile: Ông trùm về vị trí địa lý
Thành công của Magic Johnson xuất phát từ một suy nghĩ: Vị trí là tất cả. Ngay sau khi giải nghệ, Johnson đầu tư rất mạnh tay vào các mảng liên quan đến đô thị.
Song song đó, Magic mang bộ óc thiên tài của mình trong bóng rổ sang thương trường khi đóng vai trò cố vấn kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp, giúp họ xoay chuyển tình thế và trở nên thành công hơn.
Vào năm 2008, Best Buy đã kết hợp cùng Magic Johnson Enterprise để tận dụng những vị trí mà huyền thoại Lakers đầu tư từ trước, giúp họ mở rộng tầm ảnh hưởng của thương hiệu. Đây là một trong những thương vụ lớn giúp mang về nguồn thu khổng lồ cho Magic Johnson.
Ngoài ra, ông còn đầu tư vào thể thao ngay tại vị trí mà ông sinh sống khi sở hữu cổ phần của đội bóng chày Los Angeles Dodgers và đội hockey LA Kings. Magic từng sở hữu cổ phần của Los Angeles Lakers nhưng ông đã chuyển giao chúng vào năm 2010.
Kobe Bryant
Profile: Biểu tượng toàn cầu
Từ lâu, Kobe Bryant đã tạo được tầm ảnh hưởng vô cùng lớn nhờ việc sẵn sàng chào đón những cơ hội xuất hiện bên ngoài biên giới Bắc Mỹ. Anh đã từng đến Trung Quốc hay Philippines, nơi có những CĐV đã khóc chỉ vì được nhìn thấy Kobe. Châu Âu cũng là khu vực "Black Mamba" thường xuyên có những hoạt động liên quan đến bóng rổ.
Ngoài ra, Kobe cũng từng kết hợp với siêu sao bóng đá Lionel Messi trong chiến dịch quảng bá của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines, tạo nên một trong những video quảng cáo nổi tiếng nhất thập kỷ.
Kobe Bryant hiểu rõ rằng để thành công, một gương mặt nổi tiếng thôi là chưa đủ. Hai năm trước khi giải nghệ, Bryant thành lập Kobe Inc, nơi anh sẽ cùng đội ngũ cộng sự phát triển các thương hiệu con cho nhiều lĩnh vực khác nhau trong giới thể thao như truyền thông, sản xuất và đại diện cầu thủ. Anh từng mạnh dạn đầu tư vào hãng nước uống thể thao Body Armor, gia nhập vào hội đồng quản trị của công ty để tham gia cố vấn.
Di sản cuối cùng mà Kobe Bryant để lại là Mamba Sports Academy. Học viện thể thao này được thành lập để tìm kiếm và phát triển các tài năng trẻ, nâng cao nhận thức cũng như sức lan toả của thể thao đến giới trẻ trên toàn nước Mỹ.
Thật đáng tiếc khi huyền thoại của Los Angeles Lakers đã qua đời. Nếu không, anh sẽ là một huyền thoại thực thụ trong việc thành công ở đời sống hậu sự ngiệp
Steve Nash
Profile: Chuyên gia trong sản xuất truyền hình
Steve Nash là một nhà đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, ngành nghề mà anh nổi bật hơn cả đang là truyền thông và đặc biệt là sản xuất truyền hình.
Nash đã từng có nhiều thành công trong việc biên tập, sản xuất và đạo diễn các video hoặc phim tài liệu, nhưng những thành quả này không phải tự nhiên mà có.
Trong nhiều mùa hè, Steve Nash đã không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức về ngành truyền thông. Cộng thêm sự yêu thích về làm phim, Nash hướng mình theo ngành sản xuất truyền hình. Một trong những sản phẩm nổi tiếng mà cựu siêu sao Phoenix Suns tham gia đồng đạo diễn là loạt phim tài liệu '30 for 30' của ESPN.
Với những bước đầu vững chắc này, Steve Nash chắc hẳn sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa ở ngành sản xuất trong nhiều năm tới.
Chauncey Billups
Profile: Trùm học hỏi
Làm thế nào mà Chauncey Billups đã lặng lẽ bỏ túi 400 triệu đôla mà không phải ai cũng biết? Đó là nhờ những khoản đầu tư trong bí mật mà "Mr.Big Shot" đã học hỏi kinh nghiệm từ những người đàn anh đi trước tại NBA.
Năm 2013, Billups mua lại 30 cửa hàng của Wendy's, người khổng lồ trong ngành ông nghiệp thức ăn nhanh. Ít năm sau, anh bắt đầu bước vào ngành công ngiệp làm đẹp khi thành lập thương hiệu Salon Plaza, đánh vào xu hướng đang ngày một thịnh hành ở nước Mỹ.
Nói về công việc kinh doanh của mình, Chauncey Billups thường xuyên hướng về khoảng thời gian anh còn thi đấu tại NBA. Thời điểm đó, anh luôn học hỏi các đồng đội lớn tuổi hơn để cải thiện kỹ năng chơi bóng rổ của mình. Giờ đây khi bước vào thương trường, cầu thủ 43 tuổi đang áp dụng quy trình tương tự.
Michael Jordan
Profile: Cầu thủ NBA đầu tiên trở thành tỷ phú
Dù ở trong hay ngoài sân bóng rổ, "ngài Air" thành công đến nỗi bất kỳ cầu thủ nào cũng thèm muốn "được một phần như Michael Jordan".
Nike và Air Jordan là hai biểu tượng không thể nào lớn hơn trong giới thể thao. Nhưng để Jordan Brand cùng The Swoosh bay cao về doanh số bán hàng, Michael Jordan đã cực kỳ tỉ mỉ trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu và luôn tìm được những hướng đi đúng đắn.
Ví dụ như cầu thủ ngày nay thường thoải mái chia sẻ những ý kiên riêng của mình về các vấn đề xã hội. Nhưng trước kia, Jordan sẽ im lặng và giữ vị trí trung lập. Ông coi điều đó là cần thiết để đảm bảo những điều mình nói không ảnh hưởng đến doanh thu bán hàng.
Bên cạnh việc quảng bá hình ảnh và ngày một phát triển cùng Nike, món đầu tư sinh lời lớn nhất của Michael Jordan nằm ở một đội bóng tại NBA.
Vào năm 2010, ông chi 175 triệu đôla để mua lại toàn bộ đội bóng Charlotte Bobcats, tiền thân của Charlotte Hornets. Đến nay, đội bóng đã được định giá ở mức 1,5 tỷ đôla - con số góp phần đưa Michael Jordan trở thành tỷ phú đầu tiên trong giới cầu thủ NBA với tài sản trị giá 2,1 tỷ đôla.
LeBron James
Profile: Nhà vua thực thụ
Giống như Michael Jordan ngày trước, LeBron James đã có sự liên hệ với rất nhiều nhãn hàng lớn như nước uống Sprite, đồ dùng thể thao Nike hay chuỗi thức ăn nhanh McDonald's. Tuy nhiên, siêu sao Los Angeles Lakers không chỉ đơn thuần là một nhân vật xuất hiện trong các quảng cảo.
Dù vẫn còn đang thi đấu, nhưng LeBron đã cho thấy anh đầu tư "mát tay" như thế nào khi bỏ túi 30 triệu đôla từ thương vụ Apple mua lại hiệu tai nghe Beats. Bên cạnh đó, James cũng bỏ túi hàng chục triệu đôla từ chuỗi cửa hàng Blaze Pizza, công ty truyền thông Uninterrupted và cổ phần nhỏ từ CLB bóng đá Liverpool.
Những con số về doanh thu cứ ngày một tăng lên với LeBron James, nhưng khoản tiền lớn nhất mà anh đang có vẫn là với Nike. Sau khi bỏ túi 90 triệu đôla từ hợp đổng tân binh, LeBron và The Swoosh đã thăng hoa tột độ trong hơn một thập kỷ. Dòng giày signature của James cũng đã ra mắt thế hệ thứ 17, đi kèm với đó là hàng triệu vật phẩm đã được bán ra trên toàn cầu.
Cho đến nay, LeBron James là một trong những cầu thủ thành công nhất mà Nike từng sở hữu. Dù khó lòng vượt qua được tượng đài Michael Jordan, nhưng "nhà vua" vẫn sẽ ở tư thế dưới một người, trên vạn người.