Đội hình hay nhất thế kỷ 21 (Kỳ 1): Chris Paul hơn Steve Nash?

thứ hai 7-8-2017 14:14:41 +07:00 0 bình luận
Với lứa cầu thủ trẻ đầy triển vọng đang nổi lên, đây có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để tổng hợp lại đội hình 12 cầu thủ xuất sắc nhất NBA ở đầu thế kỷ này.

Hiện tại mới chỉ trải qua 17 năm của thế kỷ 21, vẫn còn quá sớm để tạo ra một đội hình xuất sắc nhất thế kỷ. Tuy nhiên, với lứa cầu thủ trẻ đầy triển vọng đang dần xâm chiếm NBA, đây có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để tổng hợp lại đội hình 12 cầu thủ xuất sắc nhất giải bóng rổ nhà nghề Mỹ ở đầu thế kỷ này.

NBA đã trải qua tổng cộng 18 mùa giải (tính cả mùa giải 1999-2000) kể từ đầu thế kỷ 21 với gần 1.700 cầu thủ đã lên sân và thi đấu. Các cầu thủ có độ tuổi trải dài từ 18 đến 40, đến từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ, rộng khắp 5 châu lục trên toàn thế giới.

Tuy nhiên chỉ có 12 cầu thủ xuất sắc nhất được lựa chọn vào đội hình này. Theo phong cách của một đội hình cổ điển, 12 cầu thủ được chia thành đội hình chính thức và đội hình dự bị, với 2 cầu thủ cuối cùng được xem là 2 sự bổ sung có khả năng thi đấu luân chuyển ở nhiều vị trí.

Những cái tên lớn nhất của thế kỷ 21 chắc chắn không thể thiếu Kobe Bryant và LeBron James. Vậy 10 cái tên còn lại sẽ bao gồm những ai, và ai sẽ được nằm trong đội hình xuất phát?

Dự bị - Dirk Nowitzki

Năm thi đấu: Từ năm 1998 đến nay (19 mùa giải).

Chỉ số mỗi trận: 22,2 điểm, 8 bắt bóng bật bảng, 2,6 kiến tạo, 0,8 cướp bóng, 0,9 chắn bóng.

Danh hiệu nổi bật: 13 lần All-Star, 1 lần vô địch NBA, 12 lần vào đội hình All-NBA, 1 danh hiệu MVP, 1 danh hiệu Finals MVP.

Ngôi sao bóng rổ lớn nhất mà nước Đức từng sản sinh ra được hiện chuẩn bị bước vào mùa giải thứ 20 của mình tại NBA và anh không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào rằng anh sắp giải nghệ.

Năm nay đã 39 tuổi, Dirk Nowitzki vẫn đang làm cháy rổ đối phương với 14,2 điểm (tỷ lệ ném 43,7%, 37,8% 3 điểm) ghi được mỗi trận ở mùa vừa qua bằng tư thế ném gần như không thể cản phá trong suốt hơn 20 năm thi đấu chuyên nghiệp.

Những cú step-back ném rổ với điểm ra tay rất cao của Dirk đã dần tạo nên một thương hiệu mà các cầu thủ từ LeBron James, Kobe Bryant cho đến sao trẻ hiện nay như Kevin Durant hay Jimmy Butler đều đang sử dụng.

Cú step-back đặc trưng của Dirk Nowitzki.
Cú step-back đặc trưng của Dirk Nowitzki.

Tính từ mùa giải 1999-2000 đến nay, Dirk Nowitzki đã ghi được 29.875 điểm, chỉ đứng sau Kobe Bryant (30.888 điểm). Và việc ghi điểm cũng là kỹ năng tốt nhất mà Dirk có trong tay qua 19 mùa giải.

Mặc dù có chiều cao hơn 2m1, nhưng Dirk chưa bao giờ là một tay phòng ngự giỏi. Kỹ năng chuyền hay tranh cướp bóng của anh cũng chỉ ở mức trung bình.

Tuy nhiên, vũ khí chính của anh cũng đã đủ làm thay đổi toàn bộ cuộc chơi tại giải bóng rổ NBA trong suốt những năm tháng anh thi đấu.

Anh gần như đã gánh toàn bộ Dallas Mavericks trên vai trong suốt các năm từ khoảng 2006 đến 2012. Anh suýt nữa đã có thể đánh bại Miami Heat hùng mạnh của Dwayne Wade và Shaquille O’Neal trước khi chính thức hạ bệ phiên bản Super Team của Heat 5 năm sau đó (đội hình gồm có LeBron James, Dwayne Wade và Chris Bosh).

Sự đa năng cùng với công thủ toàn diện là tố chất cần thiết của một siêu sao. Tuy nhiên Dirk Nowitzki đã chứng minh rằng với chỉ một vũ khí duy nhất nhưng lại cực kỳ hoàn thiện, anh vẫn có thể đạt được những danh hiệu cao quý nhất mà những cầu thủ NBA khác hằng mong ước.

Dự bị - Steve Nash

Năm thi đấu: Từ năm 1996 đến 2015 (19 mùa giải).

Chỉ số mỗi trận: 15,6 điểm, 3,2 bắt bóng bật bảng, 9,4 kiến tạo, 0,8 cướp bóng, 0,1 chắn bóng.

Danh hiệu nổi bật: 8 lần All-Star, 7 lần vào đội hình All-NBA, 2 danh hiệu MVP.

Mặc dù bị giới chuyên gia đánh giá không cao so với các chủ sở hữu danh hiệu MVP khác, tuy nhiên điều này cũng không thể cản bước Steve Nash bước vào danh sách một trong những hậu vệ dẫn bóng xuất sắc nhất lịch sử.

Hai danh hiệu MVP mà anh nhận được đều nhờ vào khả năng lĩnh xướng và biến hàng công của đội mình trở thành hàng công mạnh nhất toàn giải đấu.

Sự thật là không chỉ trong 2 mùa giải Nash đạt danh hiệu MVP mà hầu như trong tất cả những mùa giải mà anh thi đấu, anh đều biết cách khai thác tối đa khả năng tấn công và ghi điểm của đồng đội.

Steve Nash trong màu áo của Phoenix Suns.
Steve Nash trong màu áo của Phoenix Suns.

Những chỉ số sẽ là minh chứng rõ nhất cho điều này. Dưới đây là 10 hàng công ghi được nhiều điểm nhất lịch sử NBA theo chỉ số của NBA Math:

10. 2006-2007: Phoenix Suns - 106,95 điểm/trận.

9. 1995-1996: Chicago Bulls - 107,06 điểm/trận.

8. 2009-2010: Phoenix Suns - 107,16 điểm/trận.

7. 2003-2004: Sacramento Kings - 107,19 điểm/trận.

6. 1996-1997: Chicago Bulls - 107,22 điểm/trận.

5. 1997-1998: Utah Jazz - 107,33 điểm/trận.

4. 2001-2002: Dallas Mavericks - 107,37 điểm/trận.

3. 2015-2016: Golden State Warriors - 107,61 điểm/trận.

2. 2004-2005: Phoenix Suns - 107,92 điểm/trận.

1. 2003-2004: Dallas Mavericks - 108,94 điểm/trận.

Những hàng công được in đậm là những hàng công được dẫn dắt bởi Steve Nash. Anh đã dẫn đầu những hàng công tốt nhất lịch sử từ năm 2001-2002 cho đến tận năm 2009-2010.

Trong chuỗi 9 mùa giải được cho là đỉnh cao sự nghiệp của Steve Nash từ năm 2001-2010, anh đã ra sân trong đội hình xuất phát tổng cộng 708 trận, thi đấu trung bình 34 phút, ghi được 16,9 điểm cùng với 9,9 kiến tạo mỗi trận.

Nhưng nếu nói đến Steve Nash mà chỉ nhắc đến khả năng cầm trịch hay những đường chuyền đầy ma thuật thì vẫn chưa đủ. Steve Nash còn là một trong những tay ném 3 điểm xuất sắc nhất mọi thời đại mà giải bóng rổ NBA từng có được với tỷ lệ ném thành công lên đến 43,2% (ghi được từ 1,3-2,5 quả 3 điểm mỗi trận).

Sau hai cầu thủ dự bị, dưới đây sẽ là 10 cái tên được chia thành 2 đội hình (chính thức và dự bị) với đủ 5 vị trí trên sân. Những cái tên nào sẽ xuất hiện tiếp theo?

* Ghi chú về chỉ số nâng cao:

    - PER: VIết tắt của Player Efficiency Rating là chỉ số thể hiện chung của một cầu thủ (dựa trên cả tấn công và phòng ngự). Một cầu thủ ở mức trung bình sẽ có chỉ số PER là 15, thấp nhất là 0 và cao nhất là 30.

    - TPA: Viết tắt của Total Point Added là số điểm ước tính một cầu thủ có thể đóng góp nhiều hơn so với một cầu thủ bình thường. (cầu thủ chơi tốt sẽ cho ra mức TPA cao, cầu thủ chơi tệ và thủ yếu sẽ cho ra mức TPA thấp hay thậm chí là TPA âm).TPA sẽ được đánh giá dựa trên cả khả năng tấn công và phòng ngự.

    - %TS: Viết tắt của True Shooting Percentage là tỷ lệ ném rổ (khác với tỷ lệ ghi điểm sẽ bao gồm cả ném rổ và lên rổ). %TS sẽ được tính bao gồm là tỷ lệ ném rổ 2 điểm và 3 điểm.

Hậu vệ dẫn bóng dự bị - Chris Paul

Năm thi đấu: Từ năm 2005 đến nay (12 mùa giải).

Chỉ số: 18,7 điểm, 4,4 bắt bóng bật bảng, 9,9 kiến tạo, 2,3 cướp bóng, 0,1 chắn bóng.

Chỉ số nâng cao: 25.7 PER, 58 TS%, 4256,95 TPA.

Danh hiệu nổi bật: 9 lần All-Star, 8 lần vào đội hình All-NBA, 9 lần vào đội hình All-Defensive, 1 danh hiệu Rookie of the Year.

Nhắc đến Chris Paul, người ta sẽ nghĩ đến hình ảnh của một hậu vệ siêu sao nhưng chưa từng có chiếc nhẫn nào hay danh hiệu cá nhân cao quý nào trong bộ sưu tập. Mặc dù từng đến rất gần với danh hiệu MVP vào năm 2008, tuy nhiên anh đã về nhì đáng tiếc sau Kobe Bryant.

Còn về sự kém duyên trong vòng Playoff, Chris Paul lại được gắn liền với cái tên Los Angeles Clippers. Một đội bóng luôn tỏ ra khá mạnh với nhiều cá nhân nổi trội, tuy nhiên chưa bao giờ vượt qua được vòng 2 kể từ khi Chris Paul đến thi đấu vào năm 2011 đến nay.

Mặc dù không có nhiều danh hiệu, Chris Paul vẫn là một trong những hậu vệ dẫn bóng xuất sắc nhất lịch sử NBA.
Mặc dù không có nhiều danh hiệu, Chris Paul vẫn là một trong những hậu vệ dẫn bóng xuất sắc nhất lịch sử NBA.

Đó là những bước lùi khá lớn ảnh hưởng đến con đường trở thành một trong những hậu vệ dẫn bóng vĩ đại nhất lịch sử. Tuy nhiên, khả năng chơi bóng công thủ toàn diện, độc nhất vô nhị của Chris Paul vẫn đưa anh trở thành một trong 2 hậu vệ dẫn bóng xuất sắc nhất từ năm 2000 đến nay.

Hãy nhìn vào các chỉ số nâng cao khủng so với các đồng nghiệp ở cùng vị trí mà Chris Paul có được. Chỉ số 25.7 PER của Chris Paul chỉ thua Shaquille O’Neal, LeBron James và Anthony Davis (chỉ tính các cầu thủ thi đấu từ 100 trận trở lên trong sự nghiệp).

Song song đó, Chris Paul có chỉ số WS/48 cao nhất toàn giải đấu (Win Shares/48 Minutes - số trận thắng ước tính mà một cầu thủ mang lại cho đội bóng nhờ vào sự đóng góp cá nhân), cùng với chỉ số TPA chỉ đứng sau LeBron James, Kevin Garnett và Tim Duncan.

Còn nếu bạn là một người không quan trọng các chỉ số, hãy nhìn vào cách mà Chris Paul thi đấu trên sân. Anh gần như là một phiên bản hoàn hảo của một hậu vệ dẫn bóng mẫu mực với kỹ năng lĩnh xướng hàng công, kiến tạo, ghi điểm (cả ném 3 điểm, ném cự ly trung bình và dứt điểm cận rổ) và đặc biệt là tỷ lệ mất bóng rất thấp.

Cùng với đó, Chris Paul là một trong những hậu vệ dẫn bóng có khả năng phòng ngự tốt nhất toàn giải đấu với đôi tay phản xạ cực nhanh để cướp bóng và khả năng đeo bám 1-1 cực kỳ khó chịu.

9 lần được chọn vào đội hình All-NBA Defensive là thành quả xứng đáng cho khả năng phòng ngự tuyệt vời của Chris Paul trong 12 mùa giải thi đấu.

Khả năng phòng ngự tuyệt đỉnh của Chris Paul xứng đáng với 12 lần được chọn vào đội hình All-NBA Defensive.
Khả năng phòng ngự tuyệt đỉnh của Chris Paul xứng đáng với 12 lần được chọn vào đội hình All-NBA Defensive.

Có lẽ nguyên nhân cho sự thất bại tại vòng Playoff của Chris Paul chính là do Los Angeles Clippers vì qua các mùa giải, Chris Paul đều chơi hay hơn khi vào vòng Playoff. Tất cả các chỉ số của Chris Paul, từ cơ bản đến nâng cao đều tốt hơn khi bước vào giai đoạn post-season.

Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi hoàn toàn khi cầu thủ được mệnh danh là “The Point-God” sẽ đến thi đấu trong một tập thể đầy tính kỷ luận của Mike D’Antoni kể từ mùa giải 2017-2018.

Và người hâm mộ đã bắt đầu hy vọng rằng anh cùng với James Harden sẽ trở thành bộ đôi hậu vệ nguy hiểm nhất toàn giải đấu trong nhiều năm sắp tới.

Những ứng cử viên nổi bật khác cho vị trí này: Chauncey Billups, Jason Kidd, Tony Parker, Rajon Rondo, Russell Westbrook.

Hậu vệ ghi điểm dự bị - Dwyane Wade

Năm thi đấu: Từ năm 2003 đến nay (14 mùa giải).

Chỉ số: 23,3 điểm, 4,8 bắt bóng bật bảng, 5,7 kiến tạo, 1,6 cướp bóng, 0,9 chắn bóng.

Chỉ số nâng cao: 24,3 PER, 55,9 TS%, 3108,5 TPA.

Danh hiệu nổi bật: 12 lần All-Star, 8 lần vào đội hình All-NBA, 3 lần vào đội hình All-Defensive, 1 danh hiệu ghi điểm nhiều nhất mùa, 3 lần vô địch NBA, 1 lần đạt danh hiệu Finals MVP.

Nếu bạn là một người mới xem NBA, đừng nhầm lẫn giữa màn trình diễn của Dwyane Wade trong khoảng 2-3 năm gần đây với màn trình diễn đỉnh cao sự nghiệp của anh trong khoảng 7-8 năm trước.

Ở những năm tháng còn trẻ, Dwyane Wade luôn được xếp đầu trong danh sách những ứng cử viên tương lai được vào sảnh danh vọng (mặc dù Wade còn trẻ và vẫn đang thi đấu) nhờ vào khả năng đóng góp không ngừng nghỉ ở cả mặt trận tấn công lẫn phòng ngự.

Dwyane Wade đối đầu với Kobe Bryant.
Dwyane Wade đối đầu với Kobe Bryant.

D-Wade là một tay phòng ngự chính hiệu với khả năng thủ chết bất kỳ tay ghi điểm nào của đội bóng đối thủ, kể cả những cái tên đáng sợ nhất như LeBron James, Kobe Bryant hay Carmelo Anthony…

Bất kỳ một cầu thủ NBA nào cũng đã có thể trở thành ngôi sao với khả năng phòng thủ như vậy. Tuy nhiên bằng một cách nào đó, Wade còn chơi tấn công ấn tượng hơn rất nhiều.

Trong mùa giải 2008-2009, mùa giải đỉnh cao sự nghiệp của Dwyane Wade, anh đã ghi đến 30,2 điểm; có được 5 lần bắt bóng bật bảng và 7,5 lần kiến tạo mỗi trận. Kèm theo đó tỷ lệ ghi điểm 49,1% và tỷ lệ ném phạt 76,5%.

Nếu bạn chưa đủ ấn tượng với tỷ lệ ném phạt này, Wade đã có 6 mùa giải liên tiếp ghi trung bình 7,6 trên 9,9 quả ném phạt mỗi trận.

Tức là trung bình mỗi trận, Wade được hưởng khoảng 10 quả ném phạt. Trước khi những James Harden hay Lou Williams trở thành hai bậc thầy về câu lỗi của những năm gần đây, Dwyane Wade từng đưa việc câu lỗi trở thành một nghệ thuật.

Vô số lần những cú Pump Fake của Wade đã đánh lừa các cầu thủ phòng ngự, khiến họ nhảy lên để cản phá và anh chỉ cần nhảy vào hướng nhảy của các cầu thủ này để lấy lỗi ghi điểm.

Giới chuyên gia đã đánh giá rằng Dwyane Wade đã thuần thục kỹ năng câu lỗi này đến mức anh gần như có thể đưa bất kỳ cầu thủ phòng ngự nào vào bẫy của mình, bất kể người đó là ai.

Phong cách thi đấu vô cùng liều lĩnh làm nên thương hiệu của Dwyane Wade.
Phong cách thi đấu vô cùng liều lĩnh làm nên thương hiệu của Dwyane Wade.

Tuy nhiên, một tố chất nổi tiếng nhất về Dwyane Wade thời anh còn trẻ chính là phong cách thi đấu cực kỳ liều lĩnh, sẵn sàng đưa cơ thể mình vào vị trí nguy hiểm bất kỳ lúc nào để câu lỗi nhằm ghi những điểm số quan trọng một cách dễ dàng từ vạch ném phạt.

Những ứng cử viên nổi bật khác cho vị trí này: Ray Allen, Vince Carter, Manu Ginobili, Allen Iverson, Tracy McGrady, James Harden.

Tiền phong phụ dự bị - Kevin Durant

Năm thi đấu: Từ năm 2008 đến nay (10 mùa giải).

Chỉ số: 27,2 điểm; 7,2 bắt bóng bật bảng; 3,8 kiến tạo; 1,2 cướp bóng; 1,0 chắn bóng.

Chỉ số nâng cao: 25,2 PER; 60,8 TS%, 2642,98 TPA.

Danh hiệu nổi bật: 8 lần All-Star, 7 lần vào đội hình All-NBA, 4 danh hiệu ghi điểm nhiều nhất mùa, 1 lần vô địch NBA, 1 danh hiệu MVP, 1 danh hiệu Finals MVP, 1 danh hiệu Rookie of the Year.

Một điều khá hài hước đó là Kevin Durant đạt danh hiệu Rookie of the Year trong màu áo của Seattle Supersonics. Sau đó, anh đạt danh hiệu MVP cùng 4 danh hiệu Scoring Champion trong màu áo của Oklahoma City Thunder trước khi giành được danh hiệu cao quý nhất đó là chiếc nhẫn vô địch kèm theo danh hiệu Finals MVP trong màu áo của Golden State Warriors.

Dù có khoác trên mình màu áo nào đi chăng nữa, Kevin Durant đã xây dựng một thương hiệu của riêng mình, đó là một trong những họng pháo ghi điểm uy lực nhất mà NBA từng chứng kiến dưới hình ảnh của một chàng tiền phong với thân hình tương đối mảnh khảnh.

Kevin Durant vừa trải qua một mùa giải thành công nhất trong sự nghiệp nhờ rất lớn vào quyết định chuyển đến thi đấu cho Golden State Warriors của anh.

Anh không chỉ chinh phục thành công chiếc nhẫn vô địch đầu tiên trong sự nghiệp, anh còn đạt được danh hiệu MVP của vòng chung kết trước Cleveland Cavaliers của LeBron James và các đồng đội.

Kevin Durant cùng danh hiệu Finals MVP.
Kevin Durant cùng danh hiệu Finals MVP.

Và uy lực của Durant không chỉ được thể hiện qua 4 danh hiệu ghi điểm nhiều nhất mùa giải mà còn thể hiện qua sự hiệu quả một cách khó tin của anh.

Từ năm 2000 đến nay, ngoài Kevin Durant thì chỉ có 4 cầu thủ có thể ghi trung bình trên 28 điểm/trận với tỷ lệ ném rổ trên 60% đó là LeBron James (2009-2010), Isaiah Thomas (2016-2017), James Harden (2016-2017) và Stephen Curry (2015-2016). Mỗi người đều chỉ hiện thực hóa được tỷ lệ khủng này 1 lần duy nhất.

Còn riêng Kevin Durant, anh thực hiện được đến 5 lần. Bạn đã cảm thấy đủ ấn tượng chưa? Riêng giới chuyên gia đã sẵn sàng đưa Kevin Durant vào sảnh danh vọng ngay từ thời điểm này.

Những ứng cử viên nổi bật khác cho vị trí này: Andre Iguodala, Andrei Kirilenko, Kawhi Leonard, Shawn Marion, Paul Pierce.

Tiền phong chính dự bị - Kevin Garnett

Năm thi đấu: Từ năm 1995 đến 2016 (21 mùa giải).

Chỉ số: 18,2 điểm; 10,4 bắt bóng bật bảng; 3,8 kiến tạo; 1,2 cướp bóng; 1,3 chắn bóng.

Chỉ số nâng cao: 23,6 PER; 55,2 TS%, 4404,26 TPA.

Danh hiệu nổi bật: 13 lần All-Star, 8 lần vào đội hình All-NBA, 12 lần vào đội hình All-Defensive, 1 lần vô địch NBA, 1 danh hiệu Defensive Player of the Year, 1 danh hiệu MVP.

Có điều gì mà Kevin Garnett không thể thực hiện hay không? Câu trả lời: Gần như là không, đặc biệt là trong những năm tháng đỉnh cao sự nghiệp của Garnett ở Minnesota Timberwolves. Anh là một cầu thủ hiếm hoi của NBA có khả năng cày kéo ở cả 5 hạng mục trên bảng chỉ số cá nhân.

Ở hàng thủ, nếu Kevin Garnett không sử dụng chiều cao 2m11 của mình để liên tục chắn bóng thì anh lại di chuyển khôn ngoan để cướp bóng từ những đường chuyền bất cẩn của đội bạn.

Kevin Garnett tranh cướp bóng với Michael Jordan trong trận All-Star Game 1997.
Kevin Garnett tranh cướp bóng với Michael Jordan trong trận All-Star Game 1997.

Ở hàng công, nếu Kevin Garnett đang không hành hạ đối phương bằng những cú úp rổ đầy uy lực thì anh đang di chuyển linh hoạt để nhận bóng ném rổ hoặc đang đóng vai trò phân phối bóng ở bên ngoài vòng 3 điểm.

Cuối cùng, bất kể là đang công hay thủ, Kevin Garnett sẽ luôn lao vào bên trong khu vực hình thang để tranh cướp bóng.

Mùa giải 2003-2004 là mùa giải có chỉ số tốt nhất của “The Big Ticket” khi anh ghi trung bình 24,2 điểm; 13,9 lần bắt bóng bật bảng; 5 lần kiến tạo; 1,5 lần cướp bóng; 2,2 lần chắn bóng trong gần 40 phút thi đấu mỗi trận. Tuy nhiên đây không phải là mùa giải chơi hay nhất của Kevin Garnett.

Đỉnh cao của Garnett đến khi anh gia nhập vào đội quân Boston Celtics cùng với Paul Pierce, Ray Allen và Rajon Rondo. Khi đó, Garnett trở thành một trong những cầu thủ phòng ngự xuất sắc và khó chịu nhất toàn NBA trong khi vẫn vừa ghi điểm, vừa kiến tạo, vừa tích cực tham gia tranh cướp bóng ở khu vực dưới rổ.

Điều còn thiếu duy nhất trong kỹ năng chơi bóng của Kevin Garnett chính là ở khả năng ném 3 điểm khá kém của anh (tỷ lệ ném 3 điểm 27,5%). Rất may là Kevin Garnett không thử sức quá nhiều lần từ vòng 3 điểm với trung bình… 0,4 quả 3 điểm được thực hiện mỗi trận.

Sự xuất sắc và thống trị vị trí tiền phong chính của Kevin Garnett là không thể phủ nhận. Trước đây, anh từng một tay đưa Minnesota Timberwolves đến danh hiệu vô địch trước khi tái lập thành tích vô địch cùng những tên tuổi lớn khác tại Boston Celtics.

Kevin Garnett đạt đến tầm đỉnh cao khi thi đấu tại Boston Celtics.
Kevin Garnett đạt đến tầm đỉnh cao khi thi đấu tại Boston Celtics.

Chỉ có 3 tiền phong chính xuất sắc vượt trội trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay. Kevin Garnett đã vượt qua được Dirk Nowitzki nhờ vào khả năng phòng ngự đỉnh cao của mình, tuy nhiên như vậy vẫn là chưa đủ để “The Big Ticket” đạt được vị trí tiền phong chính xuất sắc nhất trong hơn 17 năm qua.

Những ứng cử viên nổi bật khác cho vị trí này: LaMarcus Aldridge, Elton Brand, Kevin Love, Chris Webber, Blake Griffin.

Trung phong dự bị - Pau Gasol

Năm thi đấu: Từ năm 2002 đến nay (16 mùa giải).

Chỉ số: 17,9 điểm; 9,4 bắt bóng bật bảng; 3,2 kiến tạo; 0,5 cướp bóng; 1,7 chắn bóng.

Chỉ số nâng cao: 21,5 PER; 56,6 TS%, 2634,84 TPA.

Danh hiệu nổi bật: 6 lần All-Star, 4 lần vào đội hình All-NBA, 2 lần vô địch NBA, 1 danh hiệu Rookie of the Year.

Sự cạnh tranh ở vị trí này là rất khốc liệt với những cái tên như Dwight Howard hay Ben Wallace đều tỏ ra mình rất xứng đáng.

Nếu như Dwight Howard thống trị cả giải đấu ở trên hàng công lẫn hàng thủ qua vài năm thì Ben Wallace lại là một trong những trung phong phòng ngự tốt nhất lịch sử NBA từng chứng kiến. Tuy nhiên sự ổn định qua rất nhiều năm của Pau Gasol đã giúp anh vượt lên các cầu thủ cạnh tranh khác.

Pau Gasol duy trì được sự ổn định qua nhiều năm, một điều hiếm thấy tại NBA.
Pau Gasol duy trì được sự ổn định qua nhiều năm, một điều hiếm thấy tại NBA.

Thực chất, Pau Gasol không nhiều lần được đánh giá là trung phong tốt nhất mùa giải. Thậm chí, Pau còn chưa từng vào Top 10 của danh sách bình chọn MVP và tên tuổi của anh luôn bị đặt sau ít nhất là một hoặc hai siêu sao lớn khác trong đội hình. Nhưng màn trình diễn của Pau Gasol trên sân lại luôn luôn tiệm cận những cái tên xuất sắc nhất giải trong suốt cả sự nghiệp.

Nếu Dwight Howard đứng đầu giải đấu ở vị trí trung phong trong khoảng 5-6 năm thì Pau Gasol luôn có mặt trong Top 5 hoặc thậm chí là Top 3 trong suốt hơn 10 năm.

Chỉ số PER của Howard đạt đỉnh trong 4 năm (từ năm 2008-2012, PER trên 24,0), còn của Pau Gasol mặc dù không đạt đỉnh như Dwight Howard nhưng luôn ở mức trung bình 21,0-22,0 trong 11 mùa giải trong đó có 9 mùa giải liên tiếp (từ năm 2003-2011).

Xét về chỉ số TPA, Pau Gasol (2634,84 TPA) thậm chí còn bỏ xa các đối thủ cạnh tranh như Shaquille O’Neal (2339,73), Ben Wallace (2296,06) và Dwight Howard (1674,39).

Pau Gasol cùng Kobe Bryant đã đạt được những danh hiệu lớn tại Los Angeles Lakers.
Pau Gasol cùng Kobe Bryant đã đạt được những danh hiệu lớn tại Los Angeles Lakers.

Những chỉ số không hề thể hiện sai về khả năng thi đấu cực kỳ hiệu quả của Pau Gasol, một cầu thủ đã xuất sắc ngay từ mùa giải đầu tiên đạt Rookie of the Year và tiếp tục thi đấu đầy ổn định trong suốt 15 năm sau đó như một trong những trung phong hàng đầu tại NBA.

Những ứng cử viên nổi bật khác cho vị trí này: Dwight Howard, Ben Wallace, Marcus Camby, Marc Gasol, Joakim Noah.

(Còn tiếp)

Vì đây là danh sách các cầu thủ xuất sắc nhất của thế kỷ 21, tất cả các chỉ số đều chỉ được tính từ mùa giải 1999-2000 đến nay.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm