Ngày 11/03/2020, mùa giải NBA 2019-20 bị tạm hoãn vô thời hạn vì sự bùng nổ đại dịch toàn cầu COVID-19. Việc mọi thứ bất ngờ ngưng trệ và chưa rõ ngày trở lại đã khiến rất nhiều bên gặp khó khăn, trong đó có cả các cầu thủ.
Mọi năm, tháng 4-5 là khoảng thời gian họ bước vào thời điểm sung sức nhất nhằm thi đấu hết mình ở vòng Playoffs. Nhưng giờ đây, cầu thủ NBA đang phải giam mình ở nhà, tập luyện với mục đích họ chưa từng đối diện trong sự nghiệp, đó là giữ thể trạng để chờ ngày NBA trở lại.
Vậy quá trình này diễn ra như thế nào? Các cầu thủ, đội bóng cũng như đội ngũ huấn luyện viên sẽ đương đầu với thử thách này ra sao? Đội bóng sẽ hỗ trợ những gì và nguy cơ chấn thương sẽ ra sao với các cầu thủ?
Dưới đây sẽ là câu trả lời từ chính những người trong cuộc.
CẦU THỦ ĐANG GIỮ THỂ TRẠNG NHƯ THẾ NÀO?
Ban đầu, Elfrid Payton nghĩ rằng đây chỉ là một đợt nghỉ ngắn hạn kéo dài 2 tuần. Thế nhưng, cầu thủ trụ cột của New York Knicks sớm nhận ra vấn đề đang tồi tệ hơn anh tưởng tượng.
Sống trong một căn hộ ở New York, nơi dịch bệnh bùng phát rất mạnh, Payton chỉ biết giam mình trong nhà và tập các bài tập tại chỗ.
“Tập bụng, plank hay một số bài đơn giản khác, đó là những thứ duy nhất mà tôi có thể làm được ở New York. Ban đầu, tôi có ra ngoài để chạy bộ một chút xung quanh khu vực tôi ở. Nhưng sau đó, tôi nghĩ rằng mình không nên ở lại thành phố này”.
Elfrid Payton chỉ có thể sống trong cảnh trên được 5 ngày trước khi quyết định cùng gia đình lên máy bay để trở về quê hương Lousiana, vừa để thoát khỏi ổ dịch New York, vừa để trở về một căn nhà rộng rãi hơn và nhiều dụng cụ để tâp luyện hơn.
“Lạ lẫm thật sự. Mọi năm, cơ thể tôi hiểu đây là lúc ra sân và thi đấu chứ không phải nghỉ ngơi hay cầm chừng như thế này. Đây là lúc bạn sẽ ‘rồ ga và tăng tốc'. Cảm giác lạ lắm", Payton kể lại.
Cách đó khoảng 1.000 dặm, hậu vệ của Detroit Pistons là Langston Galloway đã sớm bắt tay vào việc xây dựng một phòng gym dã chiến sau căn nhà của mình.
Có sự giúp sức của người vợ yêu mến, Galloway sắp xếp dụng cụ tập như một phiên bản thu nhỏ của phòng gym mà anh hay lui tới.
“Vài thanh tạ, một bộ tạ tay (dumbbell) và một số dụng cụ khác là thứ chúng tôi trang bị. Cardio là vô cùng quan trọng vào lúc này, vậy nên tôi không nhồi quá nhiều tạ hay mua thừa thiết bị để làm gì cả", Langston Galloway chia sẻ.
“Lúc cần tập tạ, tôi sẽ ra sau nhà. Lúc cần cardio, tôi sẽ xỏ giày và chạy quanh khu vực tôi ở. Mục tiêu duy nhất của tôi là làm sao để mình sẵn sàng nhất có thể. Tôi sẽ có thể thi đấu ngay trong ngày mai".
Nhưng không phải ai cũng có thể di chuyển ra khỏi nơi ở để đến một chỗ tốt hơn. Có người cũng không có đủ không gian để làm một phòng gym dã chiến như Galloway đã làm.
“Thử thách lắm. Tôi sống trong một căn hộ chung cư, diện tích cũng không quá lớn. Vì vậy, thật khó để tôi có thể sắp xếp những thứ mà tôi cần có để tập luyện", tiền đạo kỳ cựu Patrick Patterson của LA Clippers nói.
“Hiện nay mọi thứ đã nới lỏng đôi chút, vậy nên tôi đã chạy xe đến một số khu vực có các ngọn đồi ở Los Angeles để tập chạy. Khi ở nhà, tôi dần làm quen với Yoga. Tôi thực sự đã phải lên YouTube để search các bài tập về Yoga vì tôi chẳng biết gì nhiều về nó cả, nhưng đó là điều duy nhất tôi có thể làm vào lúc này”.
Khác với gian đoạn offseason, khoảng nghỉ này mang lại những khó khăn mới cho các cầu thủ. Trong kỳ nghỉ hè, các cầu thủ thường sẽ có những mục tiêu cố định như tăng cơ - giảm mỡ hay điều chỉnh về cân nặng.
Còn giờ đây khi họ không rõ ngày mùa giải chính thức trở lại, những gì cầu thủ có thể làm là tập luyện cầm chừng và chờ thông tin từ NBA.
Để làm mọi thứ thêm khó khăn, các đội bóng vẫn chưa thể nới hoàn toàn giới hạn về số lượng người có mặt ở cơ sở tập luyện, không cho phép họ tập luyện 5 đấu 5 cùng nhau. Mọi thứ chỉ được giới hạn ở mức tập cá nhân hoặc theo nhóm không quá 4 cầu thủ.
“Không xem lại băng ghi hình. Không tập luyện chung với nhau trên sân và cũng không cùng nhau cố gắng hoàn thiện kỹ năng nào cả. Đó là những hoạt động mà tôi đang rất nhớ", bigman Semi Ojeleye của Boston Celtics chia sẻ. “Đó là những thứ giúp tôi yêu bóng rổ. Giờ thì tôi đang nhớ chúng một cách điên cuồng".
CÁC ĐỘI BÓNG GIÚP ĐỠ CẦU THỦ RA SAO?
Vì mùa giải NBA bị tạm hoãn quá đột ngột, ngay cả các đội bóng cũng gặp vô vàn khó khăn. Họ không có sự chuẩn bị và buộc phải tuỳ cơ ứng biến trong tháng đầu tiên sau khi đại dịch bùng phát.
Một trong những khái niệm thường thấy nhất là các buổi tập online cùng nhau qua phần mềm Zoom, nhưng đó chỉ là bề nổi. Lý giải chi tiết hơn, một HLV thể lực tại NBA chia sẻ kế hoạch làm việc mà ông đã áp dụng cho đội bóng của mình.
Ông chia các cầu thủ ra thành nhiều nhóm, ví dụ như nhóm cầu thủ trẻ, nhóm cầu thủ kỳ cựu, nhóm cầu thủ ra sân nhiều (số phút thi đấu trung bình trên 25 phút)... Từ đây, mỗi nhóm sẽ có một giáo án riêng để tập luyện và duy trì thể trạng.
Ban huấn luyện sẽ theo dõi sát sao quá trình tập luyện của từng cầu thủ. Riêng với những ai gặp khó khăn về mặt dụng cụ, HLV sẽ tìm các bài tập thay thế để tối ưu hoá với từng người trong từng hoàn cảnh khác nhau.
“Ban đầu, chúng tôi giúp đỡ các cầu thủ bằng cách tìm những đường chạy hoặc sân bóng bầu dục gần nơi ở của họ, giúp họ có thêm không gian và địa điểm để tập luyện. Sau đó, các HLV sẽ cá nhân hoá giáo án cho từng người một, tuỳ thuộc vào dụng cụ tập mà họ có tại nhà. Ví dụ như bài tập của một người có phòng gym hay ở gần một đường chạy sẽ khác với người không có những điều đó", vị HLV chia sẻ.
Một phần mềm chuyên về tập luyện đã nổi lên trong giai đoạn này, đó là TeamBuildr. Đây là app các đội bóng dùng để gửi bài tập về cho từng cầu thủ và có thể theo dõi quá trình tập luyện của họ. Một số đội bóng đã dùng phần mềm này bao gồm Oklahoma City Thunder, Hosuton Rockets, Denver Nuggets hay Atlanta Hawks.
Nhưng với một số đội bóng khác, họ sẵn sàng chơi lớn với phương châm “mang phòng gym về nhà cầu thủ".
Một số máy tập ở cơ sở tập luyện sẽ được tháo dỡ và gửi về cho số ít cầu thủ không có điều kiện đầu tư thiết bị tập tại nhà. Với một số trường hợp, đội bóng chi tiền để mua thiết bị mới.
“Máy chạy bộ, xe đạp tại chỗ là những thứ các đội bóng đã gửi về cho các cầu thủ”, Patrick Patterson nói. “Có đội khác thì gửi thang dây hay một số dụng cụ, phụ kiện nhỏ hơn".
“Riêng tôi, Clippers đã gửi về một thang dây, một bộ tạ, dây cao su kháng lực, bóng tập gym, dây nhảy, ghế tập và hộp tập nhảy plyometric. Tôi gần như không thiếu bất kỳ thứ gì sau khi được đội bóng cung cấp".
Với Boston Celtics, Semi Ojeleye còn có thêm xe đạp tại chỗ, một bộ tạ ấm (kettlebell) và bộ đệm balance pad. Semi thú nhận rằng trước khi nhận đồ dùng từ Celtics, thứ duy nhất anh có là một dây cao su kháng lực ở nhà.
Đây là điều mà khá nhiều cầu thủ NBA đang mắc phải và sau đợt dịch này, có lẽ họ sẽ phải suy nghĩ lại về điều trên.
“Tôi không có dụng cụ tập hay tạ ở nhà vì trước đây, tôi chưa bao giờ cần chúng. Nếu cần tập, tôi di chuyển vài phút là đến phòng tập ở gần nhà", Elfrid Payton chia sẻ.
Có dụng cụ là một chuyện, nhưng để các cầu thủ tập luyện một cách nghiêm túc, hiệu quả và giúp họ có nguồn cảm hứng để tập lại là chuyện khác.
Boston Celtics đã có một số phương án đầy thú vị khi tổ chức các buổi tập online cho cầu thủ của họ. Xen lẫn vào sự hướng dẫn từ các HLV, đội bóng đã thuê một số người nổi tiếng, nghệ sĩ hoặc diễn viên để khích lệ tinh thần những thành viên trong đội.
CHẤN THƯƠNG - CHUYỆN KHÔNG THỂ XEM THƯỜNG
Trong lúc ai cũng mong mùa giải 2019-20 trở lại sớm nhất có thể, một số HLV và cầu thủ lại lo lắng vì càng vội vàng thi đấu sau quãng nghỉ dài, họ sẽ càng dễ dính chấn thương ở trên sân.
“Sự chuẩn bị của các cầu thủ sẽ quyết định khả năng gặp chấn thương của họ khi thi đấu trở lại”, một HLV thể lực tại NBA chia sẻ.
“Điều khó khăn nhất đối với các cầu thủ là họ không thể mô phỏng lại nhịp độ và sự va chạm khi thi đấu ở bất kỳ nơi nào khác. Họ sẽ cố gắng đặt mình vào trạng thái sẵn sàng nhất có thể, nhưng những ai không làm điều đó sẽ gây nguy hiểm cho bản thân họ.
Một điều khác làm tôi lo lắng là việc giải đấu có thể sẽ đi ngay vào vòng Playoffs sau khi tái khởi động. Các cầu thủ sẽ ngay lập tức phải thi đấu trong môi trường nhiều va chạm, nhịp độ cao và máu lửa. Đây là cơ hội vàng cho chấn thương ập tới”.
Như đã được nhắc đến bởi một số cầu thủ ở trên, cơ thể của họ đã quen với việc sẵn sàng bung sức thi đấu ở ngay thời điểm này. Việc phải nghỉ dài do COVID-19 sẽ khiến “chu kỳ sinh học" của họ bị xáo trộn.
Với một số trường hợp đặc biệt như Joel Embiid hay Nikola Jokic, những cầu thủ thường “rèn thể trạng" song song với việc thi đấu tại Regular Season, khoảng nghỉ này thực sự khiến họ gặp nhiều khó khăn.
“Là cầu thủ chuyên nghiệp, họ sẽ biết cách giữ cơ thể mình ở mức đủ sẵn sàng để ra sân. Nhưng không phải ai cũng mô phỏng được sự nhiệt huyết và nguồn cảm hứng.
Có những cầu thủ cần điều gì đó thôi thúc họ như việc ra sân thi đấu mỗi ngày hay so tài với nhau trên sân tập. Việc ở nhà tập ném một mình, nâng tạ hay chạy bộ qua các ngọn đồi chắc hẳn sẽ không giúp ích gì cho họ cả", một chuyên gia lý giải.
“Chỉ có ra sân thi đấu mới mang lại được cảm giác thi đấu. Bước ra khỏi sân, không có gì tái hiện lại được cảm giác ấy cả", Langston Galloway chia sẻ.
“Đó là lý do thời gian này rất khó khăn với nhiều cầu thủ chúng tôi. Thậm chí, một số người còn lo lắng quá mức, dẫn đến ảnh hưởng về mặt tinh thần. Tôi rất mong giải đấu sẽ có một dạng training camp hay điều gì đó tương tự trước khi giải đấu tái khởi động nhằm giúp ích cho cầu thủ nhiều nhất có thể".
Những lợi ích nhất thời không bao giờ nên trở thành ưu tiên trước sức khoẻ hay thể trạng của các cầu thủ cũng như những thành viên khác của đội bóng. Đó là lý do NBA luôn cân nhắc rất kỹ lưỡng các phương án đưa mùa giải trở lại.
Bên cạnh những câu chuyện về doanh thu hay món ăn tinh thần cho khán giả, chính các cầu thủ sẽ là điểm ưu tiên mà NBA cần chú trọng.
Mùa giải năm nay khép lại sẽ còn mùa giải năm sau, nhưng một chấn thương nghiêm trọng xảy ra sẽ có thể cướp đi cả sự nghiệp của một cầu thủ nào đó.