Jaylen Brown: Nạn phân biệt chủng tộc đang sống tốt và được bảo vệ tại Mỹ

thứ năm 11-1-2018 16:25:06 +07:00 0 bình luận
Cầu thủ mới nhất và cũng là trẻ nhất dám công khai chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump chính là Jaylen Brown.

Cầu thủ mới nhất và cũng là trẻ nhất dám công khai chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump chính là Jaylen Brown, năm nay mới 21 tuổi. Bên cạnh đó, Brown cũng chia sẻ thêm về nạn phân biệt chủng tộc cũng như một số vấn đề mà anh cho là bất công đang diễn ra tại Mỹ ngày nay.

Một nhà báo của The Guardian đã cho rằng, Jaylen Brown là một trong những VĐV thông minh và thú vị nhất mà ông đã được gặp cũng như phỏng vấn. Ông đã nói, quan điểm chính trị của Jaylen Brown là quá rõ ràng, nhưng cái cách mà cậu ấy dám nói, dám thể hiện mới chính là điều hiếm thấy trong giới thể thao ngày nay.

Jaylen Brown là cầu thủ năm hai đang thi đấu cho Boston Celtics. Sau mùa giải rookie thi đấu khá nổi bật, Jaylen Brown đã vươn lên và trở thành một trong những trụ cột cho đội bóng chủ sân TD Garden khi mới bước qua tuổi 21.

Jaylen Brown trong năm đầu thi đấu tại NBA cho Boston Celtics.
Jaylen Brown trong năm đầu thi đấu tại NBA cho Boston Celtics.

Bên cạnh việc đang trở thành một trong những cầu thủ đầy triển vọng trong tương lai, Jaylen Brown cũng vừa gia nhập đội ngũ các cầu thủ, vận động viên hàng đầu tại Mỹ dám đứng lên chống lại Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng những quyết định ưu ái cho nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ.

Trong bài trả lời phỏng vấn với The Guardian, Jaylen Brown đã chia sẻ một cách đầy thẳng thắn. Thậm chí, Brown còn có những góc nhìn sâu hơn rất nhiều về vấn đề này, sâu hơn cả những LeBron James hay Kevin Durant, phần lớn là do những gì tuổi trẻ anh đã phải trải qua. Nội dung của bài phỏng vấn được lược lại như dưới đây.

“Đối với tôi, rất nhiều người trong giới trẻ ngày nay không nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh. Họ dành quá nhiều thời gian vào internet, nhưng chẳng mấy ai tìm hiểu về những vấn đề thực sự đang diễn ra ngay tại cuộc sống hằng ngày.

Nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở khu vực phía Nam tại nơi mà tôi đã từng sinh sống và chính tôi được trải nghiệm chúng rất rõ bằng chính bóng rổ. 

Jaylen Brown từng phải chịu rất nhiều sự miệt thị trong sự nghiệp bóng rổ của mình.
Jaylen Brown từng phải chịu rất nhiều sự miệt thị trong sự nghiệp bóng rổ của mình.

Tôi đã từng bị nhiều người gọi là N**** khi chơi bóng. Tôi đã từng thấy những cầu thủ đối phương đến sân bằng những bộ quần áo in hình khỉ* và mặc tròng áo thi đấu ra ngoài. Tôi đã từng thấy các CĐV đối phương vẽ mặt có màu đen, hành động nhái lại loài khỉ và ném chuối xuống bên đường biên”.

*Trước kia khi nạn phân biệt chủng tộc còn rất gay gắt, những người da trắng đã gọi những người da màu là khỉ. Họ sử dụng tất cả những hỉnh ảnh có thể để tạo thành hình ảnh những chú khỉ nhằm trêu chọc và miệt thị người da màu.

“Nhưng tất nhiên, nạn phân biệt chủng tộc đã được cải thiện rất nhiều. Con đường để tôi có thể thi đấu chuyên nghiệp chắc chắn đã rộng mở hơn rất nhiều so với cách đây 50 năm. Vì vậy nhiều người nghĩ rằng nạn phân biệt chủng tộc đã tan biến hoặc không còn tội tại nữa, nhưng thực ra không phải như vậy.

Chúng vẫn còn đó, vẫn đang tồn tại, vẫn đang sống tốt và thậm chí còn đang được bảo vệ. Nạn phân biệt chủng tộc giờ đây không còn ở khắp nơi, nhưng chúng lại được ẩn náu ở một số vị trí nào đó.

Sẽ không còn nhiều người đến ngay trước mặt bạn và miệt thị bạn nữa, nhưng ông Donald Trump đã tạo điều kiện cho những người phân biệt chủng tộc được nói ra suy nghĩ của mình nhiều hơn, làm cho những con người ấy có tiếng nói hơn”.

Jaylen Brown đang theo học tại Berkeley trước khi tạm ngừng con đường học vấn để theo đuổi sự nghiệp tại NBA. Trong quá trình học, Brown đã được biết nhiều hơn về nạn phân biệt chủng tộc thông qua hệ thống giáo dục và từ đó có một cái nhìn rộng hơn về những gì mà anh đã phải trải qua trong giai đoạn tuổi thơ đầy khó khăn của mình.

Jaylen Brown trong màu áo Đại học California (Berkeley).
Jaylen Brown (số 0) trong màu áo Đại học California (Berkeley).

“Có những nhóm người ở giai cấp lãnh đạo sẵn sàng tạo nên những rào cản, những hàng rào vô hình để bảo vệ những người mà họ coi là ‘cùng dòng máu’ với họ. Họ sẵn sàng đặt những người da trắng vào những viễn cảnh sáng sủa hơn, cùng lúc đó là đưa những người da màu vào một tương lai tăm tối hơn.

Họ sẵn sàng giữ cho người giàu ngày một giày hơn, và những người nghèo cũng sẽ ngày một nghèo đi. Sẽ có những người trở thành những nhà lập pháp hay những tinh hoa của giới chính trị, và sẽ có những người phải lấp đầy nhà tù và làm việc tại McDonald’s. Đương nhiên mọi thứ sẽ còn tùy thuộc vào học vấn, nhưng cơ hội rõ ràng đã không dành cho tất cả mọi người.

Cho dù tôi có đủ may mắn để đến được đây, ai dám nói rằng những đứa trẻ ngoài kia sẽ có một ngày được như tôi. Điều này làm tôi suy nghĩ rất nhiều về những người anh em hay những đứa trẻ ở khu tôi sống ngày xưa, họ sẽ chẳng bao giờ hiểu được rằng tương lai của họ đang bị giới hạn và vì sao cơ hội của họ sẽ là nhỏ hơn rất nhiều so với những người cùng trang lứa khác”.

Bên cạnh việc trải lòng về nạn phân biệt chủng tộc, Jaylen Brown cũng nói một chút về những lợi thế mà anh có được nhờ vào việc may mắn được thi đấu tại NBA.

“Nếu không có thể thao, sẽ có nhiều hơn những người thất vọng về thân phận da màu của mình trong xã hội. Chúng tôi, những VĐV coi thể thao là một cách để kiểm soát vấn đề chủng tộc này. Không ai biết được rằng hơn một nửa số VĐV da màu tại Mỹ sẽ ra sao nếu họ không có tương lai thi đấu tại những giải đấu hàng đầu như NBA”.

Nếu không có thể thao, sẽ có nhiều hơn những người thất vọng về thân phận da màu của mình trong xã hội.
Nếu không có thể thao, sẽ có nhiều hơn những người thất vọng về thân phận da màu của mình trong xã hội.

Nhắc đến việc sử dụng tâm thế là một VĐV thể thao chuyên nghiệp nhằm phản đối lại nạn phân biệt chủng tộc, Jaylen Brown ngay lập tức được hỏi về Colin Kaepernick, cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp tại NFL (Giải nhà nghề Mỹ) và là người đi đi đầu trong việc phản đối nạn phân biệt chủng tộc bằng cách quỳ gối trong lúc chào cờ vào năm 2016.

“Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều so với cách đây 50 năm, nhưng các vấn đề còn tồn đọng là rất nhiều và chúng đã in sâu vào suy nghĩ của một bộ phần con người trong xã hội. Cần phải có những ‘nhà biểu tình’ như Colin Kaepernick, người ta mới thực sự cảm thấy khó chịu và có cái nhìn rõ hơn vào những bất công đang ẩn mình trong cuộc sống hằng ngày này.

Cũng nhờ có Kaepernick, mọi người mới nâng cao được sự hiểu biết về vấn nạn phân biệt chủng tộc, từ đó cùng nhau đẩy lùi và tìm cách xóa bỏ chúng ra khỏi xã hội.

Phải nhờ có những người đặc biệt như Kaepernick, cầu thủ da màu như tôi mới không phải nhận những lời nói như thế này từ các phóng viên nữa ‘Các anh là vận động viên và chúng tôi muốn các anh hãy im lặng. Nước Mỹ đã cho anh công việc, anh chỉ việc thi đấu và sẽ được nhận một khoản lương khổng lồ. Vì vậy lý do nào để VĐV lên tiếng và phản đối về nước Mỹ?’. Đó chính là xã hội mà chúng ta đang sống”. 

Colin Kaepernick quỳ gối trong lúc hát quốc ca là một phương thức biểu tình chống lại Donald Trump.
Colin Kaepernick quỳ gối trong lúc hát quốc ca là một phương thức biểu tình chống lại Donald Trump.

Cuối cùng, khi được hỏi về Tổng thống Mỹ Donald Trump, Jaylen Brown đã nói một cách đầy điềm tĩnh rằng: “Tôi chỉ nghĩ một cách đơn giản, với tố chất và những thứ xung quanh, ông ấy không hợp để làm một nhà lãnh đạo. Để một người như ông ta làm Tổng thống và nắm giữ toàn bộ quyền lực về quân đội ư? Thật tình thì tôi cảm thấy khá lo lắng”.

Jaylen Brown bước vào hàng ngũ của những LeBron James, Kevin Durant, Derrick Rose…

Tại NBA và cả WNBA, đã có rất nhiều cầu thủ hàng đầu đứng lên và bày tỏ quan điểm chính trị của mình không chỉ từ sau kỷ nguyên Donald Trump mà còn từ đầu những năm 2010. Khi đó không chỉ dừng lại ở nạn phân biệt chủng tộc, sự tàn bạo của cảnh sát Mỹ đối với người da màu cũng đang diễn biến rất nghiêm trọng.

Vào năm 2014, một người đàn ông da màu Mỹ tên Eric Garner bị một sĩ quan cảnh sát New York siết cổ cho đến tử vong khi viên sĩ quan này cho rằng Eric đang bán ma túy trong khi thực chất, Eric chỉ bán thuốc lá đơn thuần. Eric Garner là cha của 5 đứa trẻ và hành động này đã gây sốc trên toàn nước Mỹ.

Những cầu thủ hàng đầu NBA như Derrick Rose, Kobe Bryant, LeBron James và Kyrie Irving cùng chiếc áo ''I Cant Breathe''
Những cầu thủ hàng đầu NBA như Derrick Rose, Kobe Bryant, LeBron James và Kyrie Irving cùng chiếc áo "I Cant Breathe"

Để phản đối việc làm này, LeBron James cùng với những cầu thủ hàng đầu như Kobe Bryant, Derrick Rose,... đã cùng nhau mặc chiếc áo với dòng chữ “I Can’t Breathe” - tạm dịch là “Tôi không thở được” khi khởi động để vừa bày tỏ sự đồng cảm đến Eric Garner, vừa phản đối chính quyền và cơ quan hành pháp của Mỹ.

Bên cạnh đó, một sự việc khác cũng gây sốc trong toàn nước Mỹ khi cảnh sát tại Dallas đã bắn chết một người đàn ông da màu ngay trên đường. Ngay sau đó, một phong trào được nổi lên trong giới VĐV tại Mỹ có tên gọi “Black Lives Matter”. Rất nhiều cầu thủ tại NBA đã hưởng ứng, trong đó có Bradley Beal, Carmelo Anthony,...

Chấp nhận bị phạt một khoản tiền từ NBA/WNBA, nhiều cầu thủ vẫn chấp nhận mặc chiếc áo ''Black Lives Matter''
Chấp nhận bị phạt một khoản tiền từ NBA hay WNBA, nhiều cầu thủ vẫn chấp nhận mặc chiếc áo "Black Lives Matter"

Đến năm 2016, khi Colin Kaepernick chính thức khởi động phong trào quỳ gối khi hát quốc ca, rất nhiều VĐV trên toàn nước Mỹ đã ủng hộ. Ở WNBA, trong lượt trận đầu tiên của WNBA Finals, toàn bộ đội bóng Los Angeles Sparks đã không ra sân mà ở lại trong phòng hay đồ lúc chào cờ. Còn Minnesota Lynx thì đứng chào cờ và các nữ cầu thủ khóa tay lại với nhau.

Để chống tình trạng tương tự diễn ra tại NBA, một luật đã được đưa ra yêu cầu toàn bộ cầu thủ của cả hai đội đều phải có mặt ở trên sân và các cầu thủ sẽ không được phép quỳ gối trong lúc quốc ca vang lên. Tuy nhiên điều này đã không chống lại được quan điểm chính trị rất rõ ràng của một số cầu thủ hàng đầu giải đấu hiện nay. 

Các cầu thủ khóa tay nhau khi chào cờ tại NBA.
Các cầu thủ khóa tay nhau khi chào cờ tại NBA.

Đã có hai trận đấu, LeBron James ra sân với mẫu giày Nike LeBron XV với dòng chữ Equality được thêu ở sau gót. Thậm chí trong lần thứ hai, thông điệp của LeBron James còn mạnh mẽ hơn với hai chiếc giày mang màu trắng và đen, đại diện cho hai màu da với mong muốn sự bình đẳng sẽ luôn tồn tại, bất kể đối với người da trắng hay người da màu.

LeBron James cùng Nike LeBron XV “Equality”.
LeBron James cùng Nike LeBron XV “Equality”.

Một cầu thủ khác là Stephen Curry cũng rất nghiêm túc trong vấn đề này. Trong mùa hè vừa qua, Chủ tịch của Under Amour - nhà tài trợ hàng trăm triệu đô cho Stephen Curry - đã có những phát biểu ủng hộ chính sách của ông Donald Trump. Stephen Curry ngay lập tức đã có những phản ứng và công khai phản đối những điều này trước toàn bộ báo giới.

Stephen Curry cũng đặt chính bản hợp đồng hàng trăm triệu đô của mình vào vòng nguy hiểm để phản đối Under Armour.
Stephen Curry cũng đặt chính bản hợp đồng hàng trăm triệu đô của mình vào vòng nguy hiểm để phản đối Under Armour.

Quan điểm chính trị luôn được nhiều cầu thủ thể hiện rất mạnh mẽ. Một khi họ đã có được một nền tảng là danh tiếng hay những thành công trong sự nghiệp, các cầu thủ như Jaylen Brown hay LeBron James, Stephen Curry sẽ không bao giờ ngần ngại nói lên suy nghĩ của mình cho hàng triệu, hàng chục triệu người theo dõi.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm