Kobe Bryant khó kèm như thế nào? Đến Tony Allen chỉ biết nói rằng "Tôi đã quá non"

Việt Long
thứ tư 27-1-2021 15:25:00 +07:00 0 bình luận
Cùng nghe hai siêu sao phòng ngự Tony Allen, Shane Battier và “nạn nhân của trận đấu 81 điểm” Jalen Rose chia sẻ những hồi ức thú vị nhất về việc theo kèm Kobe Bryant trong quá khứ.

TRONG SỰ NGHIỆP KÉO DÀI 14 NĂM đầy ấn tượng, Tony Allen đã có 6 lần lọt vào đội hình phòng ngự tiêu biểu All-NBA Defensive Team. Anh được mọi người đặt biệt danh là “grindfather” nhờ khả năng phòng ngự cực kỳ khó chịu, quyết tâm và sở hữu ý chí không bao giờ bỏ cuộc.

Nhưng vào ngày 22/02/2005, anh mới chỉ là một cầu thủ tân binh 24 tuổi, hướng mắt nhìn về nhiệm vụ duy nhất ở phía trước: “Chặn đứng Kobe Bryant”.

“Tôi lúc đó hào hứng lắm”, Allen chia sẻ với ESPN. 

“Paul Pierce liên tục rỉ vào tai tôi rằng ‘Sẵn sàng đi. Cậu đã bắt được tôi ngày này sang ngày khác trên sân tập rồi. Cậu nên sẵn sàng. Đó là Kobe Bryant đấy”.

Ra sân trận thứ 54 trong sự nghiệp còn rất non trẻ của mình, chàng tân binh được pick năm 2004 cố gắng hít một hơi thật sâu để lấy bình tĩnh, tự đặt mình “vào zone” trước khi xung trận.

“Tôi tự nói với bản thân rằng ‘Mày phải cố lên. Mày không sợ ai cả’”, Tony Allen hồi tưởng. Và rồi trận đấu bắt đầu.

Los Angeles Lakers đoạt được bóng sau pha tip-off và nó nhanh chóng đến tay Kobe Bryant ở cánh phải. Trước mặt “Black Mamba” chỉ là một mình Tony Allen trong thế isolation*. Với bản năng của mình, Allen lập tức xuống tấn trước khi vươn cái tay trái rất nhanh để với lấy quả bóng trong tay Bryant.

Quá non.

Kobe đảo bóng sang bên còn lại rồi lên động tác ném, va chạm với tay của Tony và trọng tài cất còi. Vậy là Bryant đã lên vạch ném phạt khi trận đấu mới bắt đầu chỉ được 16 giây. 

Chưa đầy 2 phút sau, kịch bản này lặp lại. Tony Allen với kinh nghiệm còn non kém của mình một lần nữa đã phạm lỗi với Kobe, người lúc ấy đã có 3 chiếc nhẫn vô địch cất trong tủ. Khi hiệp 1 còn đến 9 phút 55 giây, Allen đã nhìn thấy mình trên băng ghế dự bị.

Đến cuối hiệp 4, Tony một lần nữa trở lại sân để nỗ lực ngăn cản Kobe Bryant. Khi Lakers đang dẫn 9 điểm với 2 phút 39 giây còn lại trên đồng hồ thi đấu, Bryant tung ra cú ném fadeaway đã trở thành thương hiệu. Bàn tay của Allen đang ở vị trí mà anh muốn đó là trên mặt của Kobe, nhưng cánh tay của anh đã chạm vào tay của Bryant.

Tiếng còi của trọng tài một lần nữa vang lên. Với Tony Allen, đó là lỗi cá nhân thứ 6 và trận đấu của anh đã kết thúc trước khi tiếng còi mãn cuộc vang lên.

“Tám phút. Tôi đã bị truất quyền thi đấu chỉ sau 8 phút”, Allen kể lại. “Tôi như một con nai vàng ngơ ngác vậy”

Đúng 11 tháng sau khi tạo kỷ niệm cực kỳ khó quên cho Tony Allen, Kobe Bryant đã tạo nên một kiệt tác ghi điểm trong sự nghiệp thi đấu 20 năm của mình. Đó là trận đấu ghi 81 điểm vào rổ của Toronto Raptors, nhiều thứ 2 trong lịch sử NBA và chỉ thua trận đấu 100 điểm của Wilt Chamberlain thực hiện ở thế kỷ trước.

Ngăn cản một người không thể ngăn cản, đó là nhiệm vụ mà Allen cùng với nhiều cầu thủ phòng ngự xuất sắc khác được giao mỗi khi chạm trán Kobe Bryant.

Nói về đối thủ của mình, Tony Allen chia sẻ rằng: “Chỉ cần biết ngày mai phải chạm trán Kobe Bryant là tay bạn đã đổ mồ hôi rồi đấy”.

______________________________

THE BLACK MAMBA được coi là loài rắn nhanh nhẹn, uyển chuyển và nguy hiểm nhất thế giới. Cách mà loài rắn này đảo hướng, di chuyển để săn mồi là độc nhất vô nhị.

Black Mamba không bao giờ từ bỏ mục tiêu của mình, kiểm soát mọi khía cạnh của từng nhát cắn. Mỗi bước di chuyển của nó đều được tính toán một cách kỹ lưỡng. Nghe thật quen thuộc…

“Kobe muốn hạ bệ bất kỳ đối thủ nào”, Metta Sandiford-Artest (Ron Artest), cầu thủ phòng ngự xuất sắc nhất NBA năm 2004 chia sẻ. Anh cũng đã quá quen thuộc với nhiệm vụ kiềm toả Kobe Bryant trước khi trở thành đồng đội của “Black Mamba” tại Lakers trong 5 năm.

“Bạn sẽ là mục tiêu của Kobe, mặc kệ việc bạn là cầu thủ giỏi nhất hay dở nhất ở đội đối thủ”.

Shane Battier cũng hiểu cảm giác ấy, người từng có 2 lần lên ngôi vô địch NBA và từng là thành viên của đội hình phòng ngự tiêu biểu All-Defensive Team. 

Ở thời đỉnh cao phong độ, Battier được coi là một trong những cầu thủ phòng ngự xuất sắc nhất giải, nổi tiếng với quy trình chuẩn bị kỹ lưỡng trước bao gồm mổ băng và nghiên lối chơi của đối thủ trước mỗi trận đấu. Nhưng khi chạm trán Kobe Bryant, Shane như phải làm việc với 200% trí tuệ và sức lực.

“Ai trong gia đình tôi hay bạn bè tôi đều biết một điều là phải để tôi yên hẳn một ngày trước mỗi lần chạm trán Kobe Bryant. Bạn sẽ không bao giờ biết được liệu đó có phải ngày mà Kobe quyết định sẽ cho bạn muối mặt ở trên sân hay không”, Battier kể lại.

Trong mùa giải 2007-08, Shane và đội Houston Rockets của anh sở hữu một trong những chuỗi bất bại ấn tượng nhất lịch sử NBA. Dù vắng hai siêu sao là Yao Ming và Tracy McGrady trong nhiều thời điểm vì chấn thương, Rockets vẫn có chuỗi 21 trận thắng liên tiếp trước khi chạm trán Kobe và LA Lakers vào ngày 16/03.

“Ai cũng biết Kobe đến đây để chấm dứt mạch bất bại của chúng tôi. Pau Gasol chấn thương vậy nên Kobe sẽ ôm hết bóng và phải ném đến 40 lần mất”. Cuối cùng Kobe ném 33 quả trong nỗ lực đầy cố gắng trước Houston Rockets.

Đây là trận đấu vô tình trở nên nổi tiếng với tên gọi “hand in the face game”, tạm dịch là “để tay trên mặt”. Đây là chiêu được Shane Battier dùng trong hầu hết sự nghiệp thi đấu của mình để ngăn cản tầm nhìn của đối phương. Trong trận, tay của Shane như thể “dính keo” trên mặt của Kobe.

“Kobe, thiệt tình… Cậu ấy đã làm tất cả những gì có thể”, Battier kể lại. “Tôi chưa bao giờ kiệt sức sau một trận đấu như ngày hôm đó chạm trán Kobe”.

Bryant ghi 24 điểm trong 33 lần ném, nhưng Houston Rockets mới là đội giành chiến thắng. Và đây cũng là một trong những trận đấu mà Kobe ghi ít điểm nhất khi chạm trán Shane Battier. 

Trước một Kobe quá hiếu chiến, Shane Battier vốn là người rất ít khi trash talk đã có một quyềt định táo bạo. Anh đã thách thức Bryant rằng “Hãy cố mà đánh bại cái tay này đi” và đúng là Kobe về sau đã làm được. Trung bình, cố huyền thoại của Lakers ghi 28.6 điểm mỗi khi đối đầu với Shane, trong đó bao gồm 3 trận đấu vượt mốc 50 điểm.

“Kobe Bryant là người luôn tìm những thứ nhỏ nhất để làm động lực. Kobe biết tôi đã thay đổi bản thân chỉ để thách thức cậu ta, thế nên cậu ta đã bùng nổ.

Nếu bạn nhìn vào sự nghiệp của Kobe, dù đó có là Raja Bell, Ruben Patterson hay bất kỳ ai được mệnh danh hoặc tự phong là ‘kẻ chặn đứng Kobe’, mọi thứ từ một trận đấu sẽ trở thành màn so tài 1 đấu 1. 

Và nếu có ai đó thành công, họ sẽ khá tự hào và vỗ ngực về điều mình đã làm được. Còn với tôi, mỗi khi có một trận đấu phòng thủ tốt được Kobe, tôi sẽ ra ngoài và nói rằng “Có lẽ hôm nay Kobe không có cảm giác tốt. Tôi may mắn thôi’”, Battier kể lại.

________________________

SAU MÀN SO TÀI TỆ HẠI đầu tiên trước Kobe Bryant, Tony Allen hứa với lòng sẽ không bao giờ để nó lặp lại lần nữa. Anh chuẩn bị kỹ càng hơn trước trận đấu, mổ băng hình thật sâu và tìm kiểm kẽ hở.

“Tôi đã tập trung thật sự cao độ. Tầm nhìn của tôi chỉ thu hẹp lại vào Kobe Bryant”, Allen kể lại.

“Mỗi khi tôi biết mình chuẩn bị gặp Kobe, tôi sẽ về nhà sớm sau mỗi buổi tập, không la cà. Ăn thật no và xem lại băng ghi hình để học tập những chiêu thức của Kobe. Đến sáng, tôi căng cơ, tập luyện và tiếp tục mổ băng đến tận giờ thi đấu”.

Đến mức độ Tony Allen vốn không phải một cầu thủ tấn công giỏi nhưng đã phải đặt mình vào vị trí của Kobe Bryant, học cách anh sử dụng bộ chân, nhá người, thực hiện các pha động tác giả.

“Anh ấy luôn tựa lưng về phía bạn, lùi dần về sau đến khi tìm được khoảng cách phù hợp, xoay người, thực hiện động tác giả. Kobe rất thích nhá bằng đầu và đến lần nhá thứ 4, tôi biết mình bắt đầu phải canh thời điểm để bật nhảy”.

Tổng cộng, Tony Allen và Kobe Bryant chạm trán ngay 24 lần tại Regular Season cùng với 10 lần tại vòng Playoffs. Kết quả là 17-17 chia đều cho đội bên. Dù có sự chuẩn bị tốt hơn và hiểu rõ hơn về Kobe, Tony Allen vẫn thú nhận rằng anh không mấy thành công trong việc cản Kobe ghi điểm. Theo thống kê, Bryant đã có trung bình 25.8 điểm trong mỗi lần chạm trán với Allen.

“Đến nỗi mỗi khi Kobe ném vào, tôi nhìn về phía HLV của mình và thấy ông ấy lắc đầu. Phản ứng của tôi kiểu ‘Này, ông ngon thì vào mà kèm Kobe đi nhé’”.

__________________________

JALEN ROSE đã quá quen thuộc với những miếng hài xoay quanh trận đấu 81 điểm của Kobe. Anh thậm chí còn chấp nhận đóng quảng cáo liên quan đến con số 81 ấy. Nhưng nếu ai đó hỏi Rose về trận đấu và việc phòng thủ Kobe, anh ấy sẵn sàng trả lời rằng Raptors thực sự đã làm được điều ấn tượng.

“Này, chúng tôi đã không để Kobe ghi 100 điểm rồi, bạn còn muốn gì nữa”, Rose vừa cười, vừa chia sẻ. “Đó là câu trả lời cửa miêng của tôi mỗi khi được hỏi đến trận đấu 81 điểm này”.

Với Jalen Rose, anh ấn tượng với một điều duy nhất trong trận đấu điên rồ ấy của Kobe. Nhưng nó không phải con số 81 mà đến nay vẫn chưa ai có thể phá được, thay vào đó là thái độ của Bryant trong suốt trận đấu.

“Hãy mở lại trận đấu và xem, Kobe chẳng chạy vòng vòng quanh sân, ăn mừng theo kiểu tung cánh, vỗ tay vào ngực hay chỉ tay lên trời gì cả”, Rose hồi tưởng. “Cả trận, Kobe thậm chí còn chẳng nói câu nào, chẳng có cảm xúc gì cả”.

Cản Kobe Bryant trong một ngày Chủ Nhật ngẫu nhiên nào đó ở Regular Season vốn đã mệt mỏi. Vậy mọi thứ sẽ ra sao khi nó điễn ra vào tháng Tư, tháng Năm hay tháng Sáu, thời điểm vòng Playoffs diễn ra.

“Hãy thử đối đầu với Kobe trong một series Playoffs xem, cậu ta như một con quái thú hoàn toàn khác vậy”, Shane Battier kể lại.

“Bạn sẽ hiểu thế nào là chơi một trận đấu nhưng bạn sẽ thấy mệt như vừa chơi một mùa giải. Thử thách về độ bền là khủng khiếp, cả về thể lực lẫn tinh thần. Sẽ không có thử thách nào lớn hơn như thế cả”.

Jalen Rose hiểu rõ điều đó khi anh là nhân chứng sống cho series NBA Finals thăng hoa tột độ của Kobe năm 2000, nơi suýt chút nữa anh đã “bẻ chệch” sự nghiệp của Bryant sang một hướng khác.

Game 2 giữa Los Angeles Lakers và Indiana Pacers, Bryant có bóng và đối đầu với Jalen Rose ở cánh trái. Chàng trai Lakers khi đó 21 tuổi đã bật nhảy để có một cú ném trung bình và Rose đã nhè nhẹ chêm chân vào vùng đáp đất của Kobe. Với bóng rổ hiện nay, đây là một lỗi thô bạo. Còn thời điểm đó, mọi thứ được bỏ qua với chỉ một lỗi cá nhân.

“Tôi chẳng tự hào lắm về khoảnh khắc ấy”, Rose kể lại. “Tôi đến từ kỷ nguyên mà chúng tôi sẽ phải làm tất cả mọi thứ để giành chiến thắng. Và chúng tôi cũng sớm nhận ra rằng mình không thể kèm Kobe Bryant được, cậu ấy quá khó kèm. Vậy nên tôi đã diễn một chút khi giả vờ ngăn cản cú ném của Kobe rồi cố tình để cậu ta đáp vào chân của tôi.

Trong tâm trí của mình lúc đó, tôi không muốn cậu ấy bị thương. Nhưng tôi cũng không quá phiền nếu Kobe nghỉ một vài trận để chúng tôi gia tăng cơ hội giành chiến thắng”.

“Nhưng theo một phong cách rất Kobe, anh chàng này chỉ nghỉ đúng 1 trận”.

__________________________

MỖI KHI BƯỚC VÀO SÂN với Kobe Bryant, đối thủ sẽ không biết họ chuẩn bị gặp phiên bản nào của “The Black Mamba”. Đôi khi Kobe sắm vai một “kẻ máu lạnh”, không nói năng hay đùa giỡn. Có lúc lại là một Kobe vui tươi, hài hước. Nhưng ai mà biết được khi nào Kobe sẽ ôm bạn một cái ở giữa sân và rồi thả nhẹ 50 điểm vào rổ đội bóng của bạn.

“Có nguyên tắc tâm lý chiến ở đây mà tôi luôn làm, đó là không bao giờ nói chuyện với Kobe”, Shane Battier kể lại. Với Tony Allen, anh không bao giờ chào hỏi gì Kobe và giữ khoảng cách trước giờ tip-off. Điều này giúp Allen tập trung tuyệt đối vào nhiệm vụ được giao.

Nhưng với một số cầu thủ khác, Kobe Bryant như một con rắn săn mồi, dụ dỗ đối thủ vào một cái bẫy.

“Đôi khi Kobe sẽ chủ động đến kế bên bạn ở giữa sân và nói rằng ‘Sao rồi chàng trai, mọi chuyện ổn chứ?’. Sau đó Kobe dần chúng tôi không ra gì cả trận, đánh bại chúng tôi phải phơi áo đi về”, Tony Allen nói.

Và nếu có ai đó nghĩ rằng Kobe sẽ “nhẹ tay” thì người ấy đã lầm.

“Kobe sẵn sàng hy sinh một hoặc hai lỗi tấn công để tặng bạn một cái cùi chỏ vào bụng hay vào ngực. Cậu ấy không thường làm thế nhưng nó sẽ xảy ra nếu ai đó đẩy Kobe đến giới hạn”, Allen dừng lại, cười một chút rồi nói tiếp.

“Kobe là một trong những cầu thủ ngổ ngáo, tự tin nhưng cực kỳ tài năng. Cậu ấy biết rằng mình là người giỏi nhất và chẳng sợ bất kỳ ai cả. Tôi luôn muốn thi đấu với một tinh thần như vậy”.

Và sẽ cần một tinh thần như vậy mới có thể sánh ngang với cầu thủ đẳng cấp như Kobe Bryant.

“Ở bên trong, tôi như một con bò mộng đang cực kỳ tức giận, sẵn sàng húc văng tất cả mọi thứ. Tôi muốn đánh bại Kobe hơn bất kỳ cầu thủ nào khác tại giải đấu”, Shane Battier hồi tưởng về những lần đối đầu với Kobe năm xưa.

Theo ESPN, lược dịch bởi Việt Long

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm