Nhờ sự hậu thuẫn của hàng loạt ông chủ là tỷ phú trong lĩnh vực kỹ thuật số, NBA có lợi thế vô song để vươn “vòi bạch tuộc” ra ngoài nước Mỹ.
Steve Ballmer, cựu GĐĐH của Microsoft, là ông chủ mới nhất của NBA xuất thân từ ngành công nghệ cao. Hồi tháng 5/2014, Ballmer gây sốc khi bỏ ra 2 tỷ USD để thâu tóm Los Angeles Clippers.
Đó là thương vụ mà các chuyên gia kinh tế nhận định Ballmer bị hố tới 550 triệu USD. Ballmer biết chuyện ấy nhưng vẫn phớt lờ tất cả.
"Tôi hiểu mình đã đưa ra đề nghị vượt trội so với ứng viên thứ 2, có lẽ tới 10% số tiền. Tôi chưa từng là VĐV bóng rổ giỏi nhưng rất thích môn thể thao này và tôi nhìn rõ lợi nhuận tương lai từ nó" - cựu GĐĐH của Microsoft nói.
Ở NBA, có 6 ông trùm đến từ ngành kỹ thuật số như Ballmer. Đó là Dan Gilbert của Cleveland Cavaliers, Joe Lacob và Peter Guber của Golden State Warriors, Mark Cuban của Dallas Mavericks và Vivek Ranadive của Sacramento Kings.
Tất cả đều nắm trong tay các công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ, hay có cổ phần ở những mạng xã hội đang gây tạo hiệu ứng rộng khắp thế giới.
Ngày nay, ai cũng biết công nghệ và thể thao có mối quan hệ vô cùng khăng khít. Công nghệ giúp cho thể thao dễ dàng tới với người hâm mộ dù họ chẳng cần tới sân. Ngược lại thể thao khiến người dùng phải lệ thuộc vào các phần mềm hay ứng dụng mới ngày càng hiện đại.
Ví dụ những trận đấu đỉnh cao của NBA ngày càng được live stream (xem video trực tiếp) thông qua các điện thoại thông minh. Mùa Đông này, NBA công bố có hơn 1 tỷ người theo dõi giải đấu, CLB và các cầu thủ của nó thông qua những mạng xã hội hàng đầu của Mỹ như Facebook, Twitter, Instagram…
Trong khi tại Trung Quốc – quốc gia đông dân nhất thế giới - theo dõi NBA qua mạng Tencent và Sina.
“Chỉ có 18 nghìn người tới SVĐ mỗi trận”, tỷ phú Guber nói. “Hành tinh này có 7,5 tỷ người và nếu muốn họ có thể xem trận đấu như thể ngồi trên khán đài. Điều đó có nghĩa tiền bán vé của CLB tăng lên 100, 200, 500 lần”.
Hiện tại NBA đã áp đảo hoàn toàn các môn thể thao khác ở Bắc Mỹ. Nhìn vào số tài khoản chính thức đăng ký trên trang chủ của NBA, giải bóng rổ nổi tiếng này có 66 triệu người đăng ký theo dõi, gần gấp đôi giải bóng bầu dục NFL. Hãy nhớ, giải bóng chày MLB chỉ có 15 triệu tài khoản trong khi con số ở môn Hockey là 11 triệu.
Sau khi đã "thống trị" ở trong nước, NBA đang đẩy mạnh quá trình tấn công sang các thị trường châu Âu và châu Á. Trung Quốc – đất nước được đánh giá có số người chơi bóng rổ ngang ngửa Mỹ lên đến 300 triệu người – là vùng đất hứa hẹn cho NBA vào lúc này.
Không chỉ trên sân đấu, các CLB tại NBA đang đấu đá nhau quyết liệt để tranh thị phần từ khu vực này. Và những đội mà ông chủ là trùm công nghệ chắc chắn sẽ nắm nhiều lợi thế hơn trong cuộc chiến này.