Bóng rổ hóa ra cũng như cuộc đời, đôi khi điều đơn giản nhất lại là điều khó khăn nhất.
Hãy thử tưởng tượng chúng đang xem một trận đấu ở giải NBA – giải bóng rổ quy tụ những tuyển thủ hàng đầu thế giới trong việc ném một trái bóng màu cam vào rổ. Đội bóng chúng ta cổ vũ đang dẫn điểm với một khoảng cách mong manh, và trận đấu đang đi đến những phút cuối giờ đầy căng thẳng.
Bỗng bất ngờ một cầu thủ đối phương cố tình phạm lỗi với trung phong của đội chúng ta. Quả thứ nhất được trung phong này thực hiện: Bóng chạm vành bật ra. Quả thứ hai càng tệ hơn: Airball (trật lất) - bóng còn mấy chục phân nữa mới chạm vành.
Đối phương rebound, phối hợp dàn xếp và ném thành công một quả 3 điểm. Khoảng cách được rút ngắn và việc phạm lỗi – ném phạt hụt – gỡ điểm lại được đối phương tiếp tục khai thác cho đến khi hết giờ.
Đến đây chắc chắn ai cũng thắc mắc: Một cầu thủ được trả lương hàng triệu đô chỉ để chơi bóng rổ mà lại không thể thực hiện thành công quả ném phạt – pha ghi điểm đơn giản nhất trong bóng rổ, khi mà không có ai kèm cũng như cầu thủ ấy có dư thời gian ngắm bắn.
“Tôi chơi bóng rổ nghiệp dư cũng không ném tệ vậy”, nhiều khán giả ắt hẳn nghĩ bụng. Liệu sự thực có đơn giản thế không?
Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, xem ra cần quay ngược về những năm 2000, khi mà Shaquille O’Neil, trung phong huyền thoại của giải NBA, gần như thống trị trong vạch 3 giây (khu vực hình thang/chữ nhật dưới rổ nơi cầu thủ tấn công không được đứng quá 3 giây) với thể hình to lớn và lối đánh mạnh mẽ của mình.
Trong những trận đấu căng thẳng, huấn luyện viên của đối phương thường chỉ đạo cầu thủ chủ động phạm lỗi với Shaquille O'Neal và bắt anh thực hiện những tình huống ném phạt hòng tìm kiếm cơ hội gỡ điểm cho họ!
Việc này xảy ra thường xuyên đến độ đã có hẳn một cụm từ dành riêng cho chiến thuật đó: Hack-a-Shaq, ám chỉ việc cố tình phạm lỗi đối với cầu thủ có hiệu suất ném phạt thấp nhất của đội bạn để có thêm thời gian cho đội mình gỡ điểm.
Bởi trong suốt sự nghiệp, Shaquille O'Neal có tỷ lệ ném phạt chỉ đạt 52,7%. Một huyền thoại khác, Wilt Chamberlain là 51,1%. Để gần gũi hơn, Andre Drummond của Detroit Pistons: 38%, DeAndre Jordan của LA Clippers: 42%, Dwight Howard của Atlanta Hawks: 56,8%.
Theo thống kê thì trong vòng Play-offs của giải NBA, chỉ có khoảng 13/35 số lượng trung phong có hiệu suất ném phạt trên 60%.
Những trung phong kể trên chỉ cần thực hiện thành công 50% số quả ném phạt của mình là đủ để chiến thuật Hack-a-Shaq (sau này là Hack-a-Howard) thất bại.
Nhưng vì chắc ăn, huấn luyện viên của Pistons buộc phải rút cầu thủ chủ lực là Andre Drummond ra khỏi sân trong những phút căng thẳng cuối trận để đảm bảo chiến thắng cho đội nhà.
Thực trạng này giải thích tại sao NBA đã rất đau đầu để loại trừ Hack-a-Shaq nhằm khiến các trận đấu trở nên đáng xem hơn, nên từ mùa giải này, những pha phạm lỗi không bóng trong vòng 2 phút cuối trận và hiệp phụ sẽ chỉ phải chịu 1 lần ném phạt và quyền kiểm soát bóng vẫn thuộc về đội có cầu thủ bị phạm lỗi.
Top 10 cầu thủ ném phạt tệ nhất trong lịch sử của giải NBA, bao gồm những cái tên huyền thoại như Shaquille O'Neal, Wilt Chambelain cho đến các cầu thủ hiện nay.
Những tranh cãi về việc khắc phục hiện tượng ném phạt kém của các cầu thủ NBA đã nổi lên gay gắt trong thời gian gần đây.
Một lý giải cho việc này là người chơi tại vị trí trung phong thường là các cầu thủ to lớn (big men) với chiều cao trên dưới 2 mét, do vậy đường bóng sẽ có quỹ đạo không trọn vẹn so với những quả ném tương tự của các cầu thủ nhỏ con hơn.
Đặc biệt, hầu hết các cầu thủ ném phạt dở tại NBA đều cho rằng kích cỡ quá khổ của bàn tay mình khiến cho việc điều khiển trái bóng đi đúng hướng quá khó khăn.
Điều này cũng không hoàn toàn chính xác vì một số trung phong lại có kĩ năng xử lý bóng tốt quanh rổ, thực hiện những pha ghi điểm đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay.
Pau Gasol, trung phong gốc Tây Ban Nha của đội Spurs, có tỷ lệ ném phạt là 78,8%.
Điều này dẫn đến những so sánh về quá trình đào tạo trung phong tại Mỹ so với châu Âu, khi mà ở Mỹ các huấn luyện viên chú trọng đến việc đào tạo trung phong chỉ có kỹ năng chơi quanh rổ, trong khi các cầu thủ châu Âu với thể hình và sức bật kém hơn sẽ được hoàn thiện về kỹ thuật ném.
Quá trình này dẫn đến sự mất căn bản trong việc ném bóng thông thường của các trung phong tại giải NBA, khi mà họ cảm thấy việc ném tốt là không cần thiết cho vị trí của mình.
Tuy vậy trào lưu này đang dần thay đổi, khi các cầu thủ trẻ chơi vị trí trung phong như Anthony Davis hay Karl-AnthonyTown đều có kĩ năng ném rất hoàn thiện.
Từ thu thập dữ liệu của Dwight Howard, DeAndre Jordan, Hassan Whiteside… và đặc biệt là Andre Drummond, các chuyên gia nghiên cứu về chuyển động sinh học và cơ học đã đưa ra nhận định khi chỉ ra rằng hầu hết các cầu thủ ném phạt dở đều có dáng ném không tốt, nên lực đưa từ phần thân dưới lên tay ném không ổn định.
Vấn đề hoàn toàn có thể khắc phục được trong phòng tập, với một huấn luyện viên ném chuyên nghiệp chỉ dạy hàng ngày. Thậm chí, một số huấn luyện viên còn gợi ý cho cầu thủ của mình sử dụng cách ném phạt underhand, tức là dùng hai tay đưa bóng từ dưới bụng và vứt lên rổ.
Rick Barry, một huyền thoại của giải NBA, sử dụng thành thạo cách ném phạt này và thực hiện thành công với hiệu suất gần 90%. Tuy vậy, hầu hết các cầu thủ như Wilt Chamberlain và Shaquille O'Neal đều cho rằng cách ném phạt đó rất đáng xấu hổ và không đáng sử dụng.
Cú ném phạt theo phong cách underhand của Rick Barry.
Thế nhưng, chẳng khó tìm thấy video về những buổi tập hàng ngày của các trung phong NBA, khi mà họ dễ dàng ném 20/20 quả phạt thành công. Trong phòng tập, DeAndre Jordan thực hiện thành công 75% những quả ném phạt của anh.
Chắc chắn người hâm mộ sẽ vò đầu bứt tai thắc mắc không thể hiểu sao vào trận, các ngôi sao lại ném khác tới một trời một vực như vậy. Steve Kerr, một trong những người ném phạt với tỷ lệ 86,4% trong suốt sự nghiệp chia sẻ: “Việc ném phạt rất khác so với những cú ném bình thường, vì cầu thủ có thời gian để suy nghĩ. Nhưng cầu thủ cũng hoàn toàn có thể bị rối trí và mất phương hướng. Nếu cầu thủ đã là người ném rổ không tốt thì việc ném phạt sẽ càng khó hơn do điểm yếu bị phơi bày ra trước mọi người”.
Nói cách khác, việc ném phạt lúc này không khác gì việc tra tấn về tâm lý vậy.
Do đó, nhiều cầu thủ NBA đã tìm đến bác sĩ tâm lý, thậm chí cả nhà thôi miên để giải quyết rào cản tâm lý của bản thân. Mẫu số chung mà các nhà tâm lý học rút ra: Đó là sự tự tin vào bản thân của mỗi cầu thủ.
Khi họ đứng trên vạch ném với cảm giác nghi ngờ bản thân, cảm thấy sợ sệt và xấu hổ trước hàng nghìn con mắt của khán giả thì đương nhiên tình huống ném phạt đó sẽ không thành công.
Ngược lại, nếu họ giữ được bình tĩnh, thả lỏng cơ thể và suy nghĩ rằng “việc ghi điểm như thế này quá đơn giản”, xác suất ném thành công chắc chắn sẽ cao hơn.
Đơn cử như Dwight Howard từng thổ lộ, anh cảm thấy việc ném phạt trên sân khách dễ dàng hơn trên sân nhà vì không phải cảm nhận sức nặng kì vọng của khán giả nhà đặt lên mình.
Như vậy, có thể thấy được rất nhiều lý do khiến cho một số cầu thủ xuất sắc tại giải NBA không thể thực hiện được thành công những quả ném phạt: Có thể do dáng ném, thể hình và cả vấn đề về tâm lý nữa.
Nhưng rõ ràng, chẳng có vấn đề nào nêu trên đều thuộc loại không giải quyết được, như đúc kết của Charles Barkley: “Bạn có thể không là người ném phạt xuất sắc, nhưng bạn có thể tập luyện để trở thành người ném phạt tốt”.