Các siêu đội hình không tự nhiên được hình thành mà một trong những yếu tố quyết định lại đến từ sự dứt khoát của các ông chủ đội bóng tại giải bóng rổ NBA.
Một mùa hè với nhiều dịch chuyển của các siêu sao đã cho thấy tư duy cạnh tranh vô địch ở giải bóng rổ NBA đương đại đang tập trung ở công thức: “Hãy tạo ra các siêu đội hình”. Đó thực ra cũng là cách dễ nghĩ tới nhất.
Thực tế, dù Golden State Warriors đã đại thành công với bộ khung đào tạo từ các pick Draft thì họ vẫn sở hữu 4 cái tên nằm trong top 20 cầu thủ hay nhất của giải đấu. Các đội bóng khác cũng cần ít nhất 3 siêu sao đồng cấp trong đội hình để thách thức đội mạnh nhất NBA hiện nay.
Đó là lý do tại sao Houston Rockets vẫn nỗ lực hết sức để có được Carmelo Anthony. Hay như Wizards tặng cho John Wall một hợp đồng gia hạn vô cùng tuyệt vời để lấy đà giữ chân luôn cả Otto Porter.
Và cả Boston Celtics đồng ý trao đổi siêu sao được yêu thích của họ là Isaiah Thomas cùng cái giá khá đắt để mang về Kyrive Irving. Các siêu sao sẽ tạo ra những cuộc cạnh tranh thú vị trên sân đấu nhưng những người có tầm ảnh hưởng quan trọng sau tất cả lại là các ông chủ tại NBA.
Tùy thuộc vào cách mà mọi người nhìn nhận về các tỷ phú ra sao nhưng thông thường họ đều sở hữu khả năng tính toán tài chính và chiến lược vào hàng sành sỏi. Tạo ra các siêu đội hình không đơn giản chỉ nằm ở việc mua và bán, ở số tiền bỏ ra mà còn thách thức phẩm chất nhẫn nại ở các ông chủ.
Cứ thử tưởng tượng, mỗi năm NBA chỉ có một nhà vô địch duy nhất, đầu tư hao tốn tiền bạc và tâm sức đôi khi chỉ để nhận lại khoản gặt hái quá ít nếu không đi tới cái đích cuối cùng.
Các khoản tiền để thực hiện những hợp đồng lớn, lương trả cho các siêu sao và cả các khoản tiền phạt không nhỏ do để quĩ lương vượt mức cho phép.
Tất cả luôn tối kị trong tư duy kinh doanh của các tỷ phú. Thêm một yếu tố nhỏ, khi họ ra tay để trút bớt gánh nặng tài chính thì lại bị dư luận đánh giá là keo kiệt và lên án.
Những ví dụ rõ ràng ở đây chính là Cleveland Cavaliers và Golden State Warriors, 2 đội bóng thành công nhất ở 3 năm gần đây. Chủ tịch Dan Gilbert cho tới nay đã phải trả một khoản tiền kỷ lục để gìn giữ cho sức mạnh của Cavaliers trong 3 mùa giải qua. Trung bình, quĩ lương của Cavaliers luôn nằm ở mức 130 triệu USD trong khi mức giới hạn cho phép của NBA chỉ nằm ở mức xấp xỉ 90 triệu USD.
Golden State Warriors cũng sẽ phải đối mặt với tình cảnh tương tự như Cavaliers trong những mùa hè sắp tới. Kevin Durant đã cho họ ân huệ bằng quyết định tự cắt giảm lương. Tuy nhiên, Stephen Curry hiện đã ký vào hợp đồng siêu tối đa và Klay Thompson cũng có thể ra quyết định tương tự vào năm 2019.
Chưa kể Draymond Green, Warriors sẽ chỉ giữ được bộ tứ của họ bằng một quĩ lương chắc chắn còn cao hơn cả Cavaliers. Dự tính, số tiền thuế cùng các khoản mất mát khác sẽ rơi vào khoảng 1 tỷ USD trong 4 hoặc 5 năm tới. Đây đều chính là tài sản của các ông chủ đội bóng và sẽ thật sai lầm khi nghĩ rằng người giàu có nào cũng đủ nhẫn nại để mất tiền trong hàng năm trời.
Philadelphia Sixers hay Minnesotta Timberwolves hiện tại đang nắm trong tay đội hình đủ sức cạnh tranh trong những năm tới nhưng họ có chịu mất tiền đền bù để giữ chân các ngôi sao hay không?
Theo động thái nhìn nhận từ giới quan sát, Timberwolves nhiều khả năng sẽ không dám liều lĩnh, giống như trường hợp gần nhất của Oklahoma City Thunder.
OKC cũng từng có Russell Westbrook, Kevin Durant, James Harden và Serge Ibaka nhưng rồi họ cũng phải buông Harden và Ibaka do không muốn đáp ứng số tiền và vai trò mà họ mong muốn.
OKC tiến vào chung kết NBA năm 2012 nhưng không vượt qua Miami Heat của big 3 James-Wade-Bosh. Thời điểm đó, Heat được gọi là siêu đội hình còn OKC thì không.
2 ví dụ trên cho thấy ngay cả khi một đội bóng có may mắn nắm trong tay những con người tạo nên siêu đội hình nhưng nếu thiếu một ông chủ chịu chơi thì cũng không thể thành chuyện.
Trong cuộc chạy đua hỏa lực của toàn NBA hiện tại, tầm quan trọng của các ông chủ đội bóng là rất lớn để tạo nên sức cạnh tranh tương xứng giữa các đội bóng hàng đầu.