Đây là phần ba của loạt bài 4 phần để cung cấp cho người đọc góc nhìn mới về hợp đồng giày, cũng như các khía cạnh liên quan đến việc kiếm tiền bằng quảng bá thương hiệu đồ dùng thể thao.
Kỳ 1 đã nói về các loại hợp đồng và sự khác biệt về mặt giá trị, kỳ 2 đã chia sẻ góc nhìn mới về câu chuyện đàm phán hợp đồng từ phía cầu thủ và một số điều khoản đặc biệt. Ở kỳ 3 này sẽ là khía cạnh từ hãng giày trong việc gia hạn hợp đồng và lôi kéo các cầu thủ về đội của họ.
Khi hợp đồng giày của một cầu thủ hết hạn, họ sẽ trở thành một "cầu thủ tự do", khái niệm được gọi là "sneaker free agent". Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Thông thường, một hợp đồng giày sẽ được cấu trúc để hết hạn vào ngày 01/10 hằng năm. Theo quy trình, các hãng sẽ liên hệ với cầu thủ để đề nghị gia hạn hợp đồng trong mùa hè. Nếu cầu thủ từ chối gia hạn để xem xét các lựa chọn khác, anh này sẽ được phép gặp các hãng đối thủ để lắng nghe lời đề nghị của họ bắt đầu từ ngày 01/08 (90 ngày trước khi hết hạn hợp đồng).
Gần như mọi hợp đồng quảng bá giày đều có một điều khoản gọi là "match clause". Đây là điểm khá giống với Restricted Free Agent bên phía NBA khi đội bóng chủ quản được phép giữ lại cầu thủ của mình nếu đưa ra một lời đề nghị có giá trị tương đương hoặc cao hơn của đối thủ. Hợp đồng giày cũng tương tự và theo quy định, hãng giày đang trong hợp đồng với cầu thủ sẽ có 10 ngày để giải quyết.
Ví dụ như một cầu thủ muốn chia tay Nike để đến với Adidas. Nike sẽ có 10 ngày để giữ cầu thủ của mình lại bằng cách đưa ra đề nghị tương đương hoặc cao hơn. Nếu Nike từ chối, cầu thủ này sẽ về tay của Adidas.
"Hãy coi 'match clause' là một điều khoản mang tính 'tình cảm' và Stephen Curry là ví dụ nổi tiếng nhất liên quan đến câu chuyện này", chuyên gia về giày Nick DePaula của ESPN chia sẻ.
Sau khi Under Armour liên hệ với Stephen Curry và sẵn sàng để cầu thủ của Warriors "làm bất kỳ điều gì mình muốn với ngành hàng giày bóng rổ", Nike lúc này đã xác định rằng họ không đủ khả năng cạnh tranh.
"Một đại diện của Nike gọi điện cho Stephen Curry và hai bên đã tâm sự. Đại diện của Nike nói rằng: 'Thường thì chúng tôi sẽ đưa ra đề nghị tương đương vì tôi biết cậu là một cầu thủ rất giá trị, nhưng cậu có thực sự muốn ra đi hay không? Tâm trí của cậu đang nghiêng về hướng nào?
Stephen Curry đáp lại rằng anh rất muốn sang Under Armour vì ở đó, anh sẽ có toàn quyền quyết định và xây dựng một dòng sản phẩm cho riêng mình.
Đại diện của Nike rất bình thản và chia sẻ rằng: 'Thôi được, không sao cả. Chúng tôi tôn trong quyết định của cậu và chúng tôi sẽ để cậu ra đi'.
Rất nhiều người đã chỉ trích nước đi này của Nike và cho rằng họ quá yếu kém trong khâu thương thảo. Nhưng đôi khi một cầu thủ muốn có hướng đi mới và hãng giày sẽ cho họ ra đi như mong muốn", Nick DePaula kể lại.
Tuy nhiên, nói đến Nike và Stephen Curry, một câu chuyện khác ghi dấu ấn đậm nét hơn. Hình ảnh muối mặt của Nike cũng được nhắc đến nhiều hơn so với việc họ thoải mái để Curry ra đi như đã nhắc đến ở phía trên.
Trước khi Under Armour được tiếp cận với Curry, Nike đã có một buổi họp để bàn về việc gia hạn hợp đồng với Steph. Giống như các đội bóng NBA, những hãng giày sẽ dùng cơ hội này để lôi kéo các cầu thủ. Họ vẽ nên một bức tranh tương lai nhằm gây ấn tượng với cầu thủ mà họ muốn ký hợp đồng.
Nhưng câu chuyện Nike cố gắng giữ Stephen Curry ở lại đã đi theo chiều hướng không thể nào tệ hơn vì sai lầm đáng trách của một vài cá nhân. Trong buổi họp, một đại diện của Nike thậm chí đã đọc sai tên của Curry là "Steph-on" thay vì đúng là Stephen.
Tệ hại hơn, khâu chuẩn bị thuyết trình cũng không được chỉnh chu khi ai đó đã quên sửa tên của cầu thủ trong slide PowerPoint và vẫn còn để là Kevin Durant thay vì Stephen Curry. Hành động này vừa thiếu chuyên nghiệp, vừa cho thấy Nike chỉ đơn giản là sửa lại một bài thuyết trình có sẵn từ trước.
"Tôi chẳng thèm quan tâm họ nói gì nữa", Dell Curry là bố của Stephen Curry chia sẻ sau khi nhìn thấy tên Kevin Durant.
Và rồi đến lượt Under Armour ra tay, họ đã đưa cả gia đình Curry "lên mây" về độ chỉnh chu, tinh tế cũng như cách sắp xếp trong khâu thương thảo.
Hẹn gặp tại nhà của Stephen Curry tại Charlotte, Under Armour đã đánh thẳng vào khía cạnh gia đình, điều mà siêu sao Golden State rất coi trọng. Trong bài thuyết trình, UA đã nhắc đến gia đình của Curry rất nhiều và còn thực hiện một số phối màu giả lập dành cho người thân của Curry.
Under Armour là thế, Adidas còn có lúc chơi trội hơn khi cố gắng lôi kéo những cầu thủ tân binh đang chuẩn bị gia nhập NBA. DePaula chia sẻ rằng hãng giày của Đức từng thuê hẳn một căn biệt thự rộng lớn ở Hollywood và mời các cầu thủ đến chơi trong nhiều giờ.
"Họ sẽ có một đầu bếp xịn, chỗ chơi bóng bàn, chơi điện tử và tạo ra một khu vực dành riêng để 'chill'. Bên cạnh bản thân các cầu thủ, người thân trong gia đình, bạn bè hoặc người đại diện cũng có thể đi cùng.
Adidas muốn cho các cầu thủ cảm thấy thoải mái nhất có thể để từ đó, những buổi nói chuyện sẽ diễn ra trơn tru hơn. Ngoài ra, adidas cũng sẽ nhờ một nghệ sĩ nổi tiếng như Snoop Dogg hoặc Pharrell gửi vài lời nhắn nhủ đến những cầu thủ chuẩn bị ký hợp đồng", Nick DePaula nói thêm.
Còn với New Balance, hãng này có một bảng quảng cáo cao khoảng 10 mét dựng trong sảnh của toà nhà. Mỗi khi muốn chào mời cầu thủ nào đó, họ sẽ để chạy một video đặc biệt dành riêng cho cầu thủ này mỗi khi họ đến để thương thảo hợp đồng.
Về phía AND1, một thương hiệu giày bóng rổ lâu năm, họ sẵn sàng phát triển và thiết kế logo cho cầu thủ. Từ đó, rất nhiều phối màu PE được tạo ra từ trước trên máy tính và hãng sẽ cùng đàm phán với cầu thủ về định hướng phát triển, chiến lược marketing cho tương lai.
Ngoài ra, AND1 cũng cam kết cho phép cầu thủ giữ nguyên thương hiệu của riêng họ trước khi ký hợp đồng và AND1 sẽ hỗ trợ trong khâu quảng bá. Vì dụ mới và rõ nhất về trường hợp này là Fred VanVleet, nhà vô đich NBA 2019 cùng Toronto Raptors.
VanVleet có một thương hiệu cá nhân với tên gọi "Bet on Yourself" với ngành hàng chính là quần áo thời trang, nón và các loại phụ kiện. Đến với AND1, Fred vẫn được giữ mối làm ăn của riêng mình tại quê nhà Illinois, vừa được phát triển các sản phẩm cùng với AND1.
"Rất nhiều cầu thủ bước vào NBA với những thương hiệu của riêng họ. Mặt bằng chung về thương hiệu và quảng bá tại NBA đang dần thay đổi vì xu hướng này", ông Dexter Gordon, trưởng phòng marketing của AND1 chia sẻ.
"Các cầu thủ trẻ ngày nay như những doanh nhân, họ muốn phát triển những thứ của riêng họ. Về phía hãng, chúng tôi sẽ phải có một cách tiếp cận mới theo kiểu 'Anh sẽ giúp phát triển thương hiệu của chúng tôi và chúng tôi sẽ giúp quảng bá thương hiệu của cá nhân anh nữa'.
Đôi khi phương án được đưa ra là những bộ sưu tập đặc biệt được kết hợp giữa hai thương hiệu. Những ví dụ khác có thể kể đến là cầu thủ sẽ được phép mặc quần áo có thương hiệu của họ khi chụp ảnh giày cho AND1. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể giúp họ về khía cạnh kinh doanh như một ban cố vấn vậy".
Mỗi công ty đều có những cách tiếp cận khác nhau. Ngày nay, cầu thủ luôn có hàng tá lựa chọn mỗi khi họ trở thành cầu thủ tự do trên thị trường giày.
Nike, adidas và Jordan Brand vẫn là những cái tên hàng đầu. Thế nhưng nhiều đối thủ đã bắt đầu có thị phần lớn hơn như Under Armour, PUMA, New Balance, Converse, AND1 hay một số nhà sản xuất đến từ Trung Quốc như Li-Ning, Anta và Peak.
Với những người đại diện cầu thủ, họ rất sẵn lòng chào đón những thương hiệu mới vì càng có nhiều con số, họ sẽ càng dễ làm việc của mình với thân chủ.
"Tôi nghĩ rằng có nhiều thương hiệu sẽ khiến mọi thứ dễ dàng hơn vì những người đại diện sẽ có thêm lựa chọn cho các cầu thủ, dễ tìm ra thương hiệu phù hợp. Nó sẽ giúp bạn định hình được thị trường trước khi tiếp cận hoặc đàm phán với những thương hiệu lớn", một người đại diện chia sẻ.
"Bạn sẽ hiểu rõ hơn rằng thương hiệu lớn và thương hiệu nhỏ sẽ có gì khác nhau, bên nào sẽ 'cho cầu thủ nhiều hơn'. Đâu là những thứ bạn không thể có được từ những hãng lớn và chỉ có thể nhận được nếu bắt tay với các nhãn hàng nhỏ hoặc ngược lại.
Mỗi khi bạn có nhiều thương hiệu và nhiều lời đề nghị hơn, mọi thứ sẽ dễ hơn vì bạn có nhiều thứ để cân nhắc. Đó thực sự dễ dàng hơn đấy chứ không phải khó khăn đâu".
Dù thị trường đang ngày một chật chội, Nike và Jordan Brand vẫn là hai thương hiệu hàng đầu trong giới cầu thủ. Nhiều vận động viên vẫn xem việc gia nhập đại gia đình của The Swoosh hoặc Jumpman là một giấc mơ. Tuy nhiên, sự thật phũ phàng là hai thương hiệu này luôn chi trả ít tiền quảng cáo nhất.
"Thường thì Nike và Jordan Brand luôn là những đơn vị cuối cùng tiếp cận với các cầu thủ. Họ muốn cầu thủ hiểu rõ thị trường trước vì biết rằng giá trị hợp đồng họ đề nghị sẽ thấp hơn so với những đối thủ khác", Nick DePaula lý giải.
Đây là mặt trái của câu chuyện vì Nike và Jordan Brand là những thương hiệu phổ biến, có sức hút cao. Họ sẵn sàng trả ít tiền hơn vì biết rằng có rất nhiều cầu thủ muốn trở thành đại sứ thương hiệu cho họ. Nhưng để có được vị trí đặc biệt này, Nike và Jordan Brand đã trải qua quá trình xây dựng thương hiệu rất công phu".
Một người đại diện chia sẻ thêm về hai hãng giày lớn này rằng:
"Trong nhiều trường hợp, các cầu thủ sẵn sàng nhận ít tiền hơn để được gắn liền với Nike hoặc Jordan so với những thương hiệu khác. Các công ty hiểu rõ ước muốn này và có lợi thế hơn trong khâu thương thảo".
Một trong những ví dụ gần đây là Zion Williamson và Luka Doncic, hai thành viên mới của đại gia đình Jordan Brand. Riêng với Zion, cầu thủ trẻ của Pelicans đã nhận được những đề nghị cực khủng từ phía Trung Quốc. Nhưng cuối cùng, anh đã chọn Jordan vì đó là thương hiệu của thần tượng Michael Jordan.
Dẫu vậy, Jordan Brand không bao giờ mang tiếng là một thương hiệu "bóc lột cầu thủ" hay lạm dụng hình ảnh của họ. Những ai trong đại gia đình Jumpman luôn là những cầu thủ có nhiều vật dụng và phụ kiện nhất trong giới quảng bá giày.
Cứ mỗi tháng, một gói hàng lại được gửi đến bao gồm quần áo, giày, dép, phụ kiện và bao gồm cả những mẫu giày độc, đắt tiền. Ngoài ra, các cầu thủ sẽ được tự do lựa chọn mẫu giày Jordan mà họ mang thi đấu. Điều này có thể được thoả thuận từ trước và sẽ có một số giới hạn nhất định, nhưng Jordan Brand là thương hiệu khá thoáng trong việc ép cầu thủ của họ mang một mẫu giày nào đó.
Ngoài ra, đại gia đình Jordan Brand cũng có những chuyến du lịch hằng năm dành riêng cho các cầu thủ cùng gia đình của họ. Trong những năm gần đây, các điểm đến đã đực đặt chân tới như Monaco, Bahamas hay Paris. Với nhiều VĐV, điều này vượt xa những khoản tiền lớn mà các thương hiệu khác đặt lên bàn đàm phán.
"Nếu bạn lớn lên với poster của Michael Jordan dán trong phòng và một ngày bạn đặt chân đến NBA rồi được Jordan Brand đề nghị ký hợp đồng, thật khó để từ chối", một người đại diện chia sẻ.
"Họ sẽ có mọi đôi giày Jordan mà họ muốn, có cơ hội trò chuyện trực tiếp với Michael Jordan và luôn nghĩ rằng 'Wow, mình được MJ chọn cơ đấy'. Như ước mơ của mọi đứa trẻ vậy".
Trái ngược với Nike hay Jordan Brand, ở bên kia Thái Bình Dương luôn là những lời đề nghị có giá trị cao nhất. Đến từ các nhãn hàng Trung Quốc như Li-Ning, Anta hay Peak, cầu thủ sẽ được nhận số tiền khổng lồ vì với các hãng, đây là cách duy nhất để cạnh tranh với những thương hiệu phương tây.
"Từ lâu, Trung Quốc đã luôn tìm cách lôi kéo cầu thủ về thị trường của họ bằng những tấm séc lớn. Nhưng ngoại trừ một số trường hợp cá biệt, số tiền chênh lệch không ở mức 'ngoài sức tưởng tượng' như nhiều người nghĩ", Nick DePaula lý giải.
Nhiều tiền hoặc thương hiệu ưa thích sẽ là hai hướng lựa chọn chính. Trong khi các cầu thủ trẻ sẽ muốn sống cùng sở thích, các VĐV đã sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp sẽ ưu tiên bên nào trả giá cao hơn. Ngoài ra, một vài cầu thủ trẻ cũng nhận thấy mình nên đi theo tiếng gọi của tiền bạc.
"Người đại diện cần nắm rõ giá trị của cầu thủ mình đang làm việc cùng để sẵn sàng thương thảo với các thương hiệu. Họ cần phải theo dõi từng tháng, từng năm và gắn liền với sự nghiệp của cầu thủ ở trên sân để đưa ra những nước đi đúng đắn.
Với những cầu thủ trẻ vừa đặt chân đến NBA, hình tượng trong mắt họ sẽ là cầm trên tay quả bón Spalding, mặc những bộ áo đấu xịn của NBA và thi đấu cùng những đôi giày Nike mới nhất. Nhưng khi đến hợp đồng quảng bá thứ hai trong sự nghiệp, mọi thứ sẽ thay đổi rất nhanh.
Cầu thủ lúc này sẽ mở lòng hơn với những thương hiệu mới và có người muốn kiếm nhiều tiền nhất có thể, ngay cả khi họ là 'fan cứng' của Nike. Chúng ta đã thấy trường hợp của D'Angelo Russell và Kyle Kuzma, hai cầu thủ rất tài năng đều từng là người của Nike. Họ rất thích Swoosh, nhưng rồi họ vẫn muốn đi theo một chiều hướng mới. Russell lựa chọn Li-Ning, còn Kuzma đến với PUMA", một người đại diện chia sẻ thêm.
Ở một số trường hợp, người đại diện nắm toàn quyền quyết định trong khâu thương thảo hợp đồng giày. Ví dụ như Aaron Goodwin thuộc Goodwin Sports Management là một trong những agent nổi tiếng về việc đàm phán các hợp đồng quảng bá giày.
Ông là người đã thương thảo hợp đồng rookie của LeBron James với Nike, của Kevin Durant cũng với Nike và là lựa chọn số 1 của Damian Lillard mỗi khi cần đàm phán với adidas.
Một số agency khác cũng có những chuyên gia chỉ để thương thảo với các hãng, tập trung hoàn toàn vào khâu quảng bá giày và các thương hiệu tương tự. Như tại CAA, Lloyd Frischer được coi là "ông trùm" chuyên để ký những hợp đồng giày cho các cầu thủ.
CV của ông cực kỳ "xịn" với những thành công bao gồm đưa Joel Embiid đến Under Armour, đàm phán cho Dwayne Wade ký hợp đồng trọn đời với Li-Ning, giúp hai thân chủ có giày thửa riêng là Donovan Mitchell với Adidas và Paul George với Nike, đưa Zion Williamson đến đại gia đình Jordan Brand và gần đây nhất là kết duyên Kyle Kuzma với PUMA.
Đó là 6 thương vụ thành công với 6 thương hiệu khác nhau, mỗi hợp đồng đều có trọng lượng cực kỳ lớn trong giới. Ngoài ra, một số hợp đồng khác như Gordon Hayward với ANTA hay Kawhi Leonard với New Balance cũng có sự giúp sức từ bên ngoài thay vì người đại diện và cầu thủ tự thân vận động.
Sau tất cả, việc thương thảo và ký kết hợp đồng không bao giờ xảy ra một cách hoàn hảo. Đôi khi, mọi thứ không như dự tính ban đầu với các cầu thủ tự do trên thị trường.
Trong kỳ cuối, loạt bài tìm hiểu về hợp đồng giày bóng rổ sẽ tập trung vào những hiểu lầm thường thấy nhất về hợp đồng, cầu thủ tự do và giai đoạn "sneaker free agency".
Xem toàn bộ series về hợp đồng quảng bá giày bóng rổ dưới đây:
Kỳ 1: Ba loại hợp đồng và sự khác biệt về giá trị
Kỳ 2: Đàm phán và những điều khoản không phải ai cũng biết
Kỳ 3: Các hãng giày lôi kéo cầu thủ như thế nào?
Kỳ cuối: Những hiểu lầm thường thấy với "sneaker free agency"