Sự thành công của một đội bóng ít nhiều phải phụ thuộc vào tài năng của các cầu thủ. Thế nhưng, câu chuyện tính toán đội hình từ trước, sắp đặt một tập thể cực kỳ mạnh mẽ nhưng rồi thất bại thảm hại vẫn xảy ra.
Đó là lý do vì sao các chuyên gia tại NBA không bao giờ tin vào khái niệm "đội bóng mạnh trên lý thuyết". Tài năng là điều cần có, nhưng nó không phải thứ duy nhất ấn định thành công vì còn nhiều lý do chủ quan và khách quan khác.
Và đó cũng là nguyên nhân NBA luôn chứng kiến những đội bóng mạnh nhất lịch sử nhưng rồi vẫn không thể đạt tới vinh quang, trở thành kẻ làm nền vĩ đại cho những câu chuyện lội ngược dòng lên ngôi vô địch.
Trong loạt bài này, hãy cũng nhìn lại về ba trong số những đội hình có thể coi là mạnh nhất NBA nhưng không thể chạm tay vào chiếc cúp Larry O'Brien. Sắp xếp theo thứ tự về độ thất vọng mà những tập thể này gây nên cho người hâm mộ, các đội bóng sẽ được chọn và chứng minh độ "xịt" của mình qua các thống kê cơ bản, nâng cao cùng dàn sao mà họ sở hữu.
Ghi chú quan trọng cho danh sách này là các đội bóng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thành tích do chấn thương của các trụ cột sẽ không được tính.
Kỳ 1 - Miami Heat mùa giải 2010-11: Từ đội hình "phải thắng ngay" thành nỗi thất vọng
Cứ mỗi mùa giải NBA đến, người xem lại được chứng kiến vài đội bóng được các chuyên gia gọi là "win-now team". Đây là những tập thể vừa chơi tất tay trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ, xây dựng nên một đội hình cực mạnh và ngay lập tức phải thành công vì áp lực đặt vai họ là rất lớn. Miami Heat của mùa giải 2010-11 là ví dụ điển hình nhưng cũng có một vài khác biệt thú vị.
Khi LeBron James và Chris Bosh gia nhập đội bóng "South Beach" với Dwyane Wade, Miami Heat bất chợt có đội hình với dàn sao cực khủng. Nhiều người còn nhận định ngay rằng Heat chắc chắn sẽ vô địch và... nên tổ chức luôn lễ ăn mừng khi mùa giải còn chưa diễn ra.
Như các đội bóng khác khi hình thành "superteam", họ sẽ cảnh báo người hâm mộ về khoảng thời gian đầu đầy khó khăn vì những siêu sao cần sự gắn kết, nhưng Miami Heat thì khác. Đội bóng này tuyên bố sẽ oanh tạc mùa giải ngay từ đầu, nhất là khi sự tự tin của LeBron và các đồng đội là rất cao.
Các tuyên bố đầy máu lửa này cho thấy đúng chất của Miami, thành phố biển đậm tính ăn chơi và những lời nói mạnh mẽ. Nhưng khi nhìn lại, nó cũng cho thấy Miami Heat phải chịu áp lực lớn như thế nào so với những "superteam" trước kia.
Trước khi đặt chân đến Miami, LeBron James đã "bỏ túi" 2 danh hiệu MVP liên tiếp. Chris Bosh là một trong những bigman "xịn" nhất thời bấy giờ với 5 lựa chọn All-Star liên tiếp và cũng có 5 mùa giải ghi trung bình ít nhất 22 điểm. Không chịu kém cạnh, đại diện chủ nhà Dwyane Wade cũng từng lên ngôi vô địch với Miami Heat và từng là Finals MVP. Với cả 3 siêu sao, chưa ai đón sinh nhật lần thứ 30 của mình.
Mùa giải bắt đầu và thử thách đầu tiên xuất hiện. Những áp lực lập tức đè nặng lên bộ ba của Miami khi họ khởi đầu với 9 chiến thắng và 8 thất bại. Nhưng rồi mọi thứ trở lại quỹ đạo bằng 21 trận thắng trong 22 lần ra sân tiếp theo. Khép lại Regular Season, LeBron - Wade - Bosh giúp Heat có thành tích 58-24 và là đội bóng duy nhất mùa giải nằm trong Top 5 ở cả chỉ số tấn công (hạng nhì) lẫn phòng ngự (hạng 5).
Vòng Playoffs chứng kiến "The Heatles" băng băng vượt qua đối thủ với 3 loạt trận cùng có tỷ số 4-1. Bước vào series NBA Finals, Heat vượt qua Dallas Mavericks ở trận đầu tiên với cách biệt 8 điểm trước khi đáp trả thất bại Game 2 bằng chiến thắng ấn tượng tại Game 3.
Khi đó, Miami Heat chỉ còn cách chiếc cúp Larry O'Brien 2 trận thắng nữa. Tuy nhiên, họ chẳng bao giờ tiến lại gần hơn trong loạt trận này.
Series chung kết đảo chiều mạnh mẽ trong Game 4 khi LeBron James chỉ có vỏn vẹn 3-11 FG cả trận. Rồi mọi thứ còn tệ hơn ở Game 5 và 6 khi Dallas Mavericks thắng với tổng cách biệt 19 điểm. Trong 3 lượt trận này, Miami Heat bị đối phương áp đảo với 16.6 điểm trên 100 lần kiểm soát bóng mỗi khi James, Wade và Bosh có mặt trên sân. Nói cách khác, Dallas đã giải mã được bộ ba siêu sao của Miami.
"Tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ đơn giản vì tôi có sự đồng hành của những cầu thủ xịn xò thực thụ", LeBron James hồi tưởng lại trên chương trình The Shop của HBO. "...Nhưng rồi khi ở đó, thua loạt trận Finals, tôi cảm thấy cả thế giới như sụp đổ".
Miami Heat sau đó đã hồi sinh với kinh nghiệm từ thất bại năm 2011. Dẫn đầu bởi chính LeBron, đội bóng South Beach có 2 năm liên tiếp lên ngôi vô địch khi Heat vượt qua Oklahoma City Thunder và San Antonio Spurs.
Dẫu vậy khi nhìn lại đội hình Miami Heat mùa giải 2010-11, đây chắc hẳn là một trong những đội bóng gây thất vọng nhất NBA. Những tuyên bố vô cùng mạnh mẽ, sự hưng phấn trong lòng người hâm mộ nhờ những ngôi sao hàng đầu trong một đội hình cuối cùng phải nhận cái kết là một nốt trầm đến lặng người.
Phải chi từ đầu mùa giải, sự tự tin trong chính phòng thay đồ của Miami Heat cũng như trong mắt người hâm mộ không cao đến thế, những tôi tay của LeBron, Wade hay Bosh cũng đã không quá run rẩy ở loạt trận quan trọng nhất trong năm
Mời quý độc giả đón xem kỳ 2: Golden State Warriors, Regular Season lịch sử và cái giá cực đắt
(Lược dịch từ Bleacher Report)