Nếu có một thầy giáo nổi danh trong tâm trí người hâm mộ bóng rổ, có lẽ ngoài cha đẻ bộ môn James Naismith thì Ken Carter cũng để lại dấu ấn sâu đậm nhờ hình ảnh được tái hiện qua bộ phim Coach Carter.
Năm 1999, Ken Carter có lẽ sẽ không mấy nổi tiếng nếu không có hành động bất ngờ của ông đối với đội bóng rổ trường đại học Richmond. Đang trên đà bất bại ở giải Division I, Carter cho toàn bộ các cầu thủ chính thức ngồi ghế dự bị do kết quả yếu kém trong học tập.
Quyết định kinh ngạc của huấn luyện viên Carter đã gây chú ý dư luận và các dòng tít lớn về sự kiện đã đồng loạt xuất hiện trên truyền thông nước Mỹ ngày hôm sau. Không bao lâu, lấy cảm hứng từ hành động đặc biệt này, đạo diễn Thomas Carter đã lên ý tưởng để ra đời bộ phim Coach Carter.
Coach Carter đã mang về 30 triệu USD doanh thu tại các phòng chiếu tại Mỹ. Bộ phim được đánh giá "tràn đầy năng lượng và tạo cảm hứng tuyệt vời cho bất kỳ một công dân chơi bóng rổ nào" bởi hiệp hội điện ảnh Mỹ.
Ngoài nước Mỹ, hàng chục triệu tín đồ bóng cam trên khắp thế giới đã biết tới Coach Carter và xem huấn luyện viên Carter như người thầy có ảnh hưởng lớn nhất qua màn ảnh phim truyện.
Trước sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả với bộ phim, nhân vật đời thực Ken Carter đã gửi gắm tâm sự của ông qua lời phát biểu:
"Bộ phim Coach Carter đã tái hiện quá trình giảng dạy của tôi tại trường đại học Richmond. Tuy thế, có những điều mà nhân vật trong phim đã làm được trong khi tôi thì chưa.
Nhưng dù rằng vậy, đó đều là những điều mà tôi ấp ủ và muốn hướng tới. Sẽ là những bài học mà các thanh niên, cha mẹ của họ, khi xem bộ phim sẽ hiểu được đâu là những bậc thang quan trọng giúp chúng ta hướng tới một cuộc sống tốt đẹp".
Vậy thông qua bộ phim Coach Carter, người xem sẽ thẩm thấu được những bài học gì?
Ken Carter có một công việc kinh doanh mang lại thu nhập ổn định cho cuộc sống của ông. Gia đình hạnh phúc với con cái khỏe mạnh và nhiều tiềm năng phát triển, Carter bồi hồi nhớ tới những người bạn đồng trang lứa tại đội bóng rổ trường đại học cũ Richmond.
Hầu hết họ đều không có được cuộc sống tốt đẹp như Carter. Người đã chết trên góc đường do trả thù băng nhóm, người phạm tội do tìm đường mưu sinh cho gia đình, có người chật vật lại không tìm nổi lối thoát cho sự nghèo đói.
Xem cảnh huấn luyện khắc nghiệt của các cầu thủ Richmond.
Carter trở lại Richmond xin công việc giảng dạy đội bóng rổ và nhận thấy nhiều sinh viên trẻ đang có biểu hiện tương lai mù mịt giống như các đồng đội cũ của ông. Sự thay đổi chỉ có thể nằm ở việc coi trọng học hành, coi trọng sự phấn đấu trong mọi việc.
Hành động nổi tiếng nhất của Carter diễn ra khi ông cho toàn bộ đội hình chính ngồi dự bị ngay trong giải đấu quan trọng vì kết quả học tập trên trường yếu kém.
Carter nói rõ ràng rằng: "Nếu không muốn trở thành một kẻ buôn ma túy, một tên ất ơ bị bắn chết ngoài đường hay một kẻ nghèo khổ, các cậu hãy ghi nhớ kỹ điều mà tôi nhắc nhở ngày hôm nay".
Khi Carter mới tiếp quản đội bóng, các thành viên gần như luôn thiếu đi sự tôn trọng. Họ thiếu tôn trọng với ngôi trường Richmond, với môn thể thao họ yêu thích, với bạn bè, với thầy giáo của mình. Thậm chí trên hết còn thiếu đi sự tôn trọng với sắc tộc và chính bản thân.
Carter đến Richmond, bắt tất cả phải lên lớp đầy đủ, ngồi ở hàng ghế dành cho họ, mặc bộ quần áo hợp lý với giảng đường, luôn phải gọi thầy giáo là "Sir (thưa ông)".
Lúc các cầu thủ trêu đùa nhau bằng từ "Nigel (mọi đen)", Carter đã nghiêm khắc nói với họ: "Đó là từ mà người da trắng khi xưa thường dùng để khinh miệt tổ tiên của chúng ta. Các cậu hãy tự học lấy cách tôn trọng chính bản thân trước khi muốn người khác có sự tôn trọng."
Huấn luyện viên yêu cầu giáo trình rèn luyện nghiêm khắc trong mỗi buổi tập, đó cũng là sự tôn trọng với bộ môn bóng rổ. Đã yêu thích, đã khoác áo đại diện Richmond thì phải nỗ lực rèn luyện để hướng tới thành công.
Câu chuyện của Coach Carter có lẽ sẽ khiến nhiều người nhớ tới vụ lộn xộn tại Los Angeles Clippers.
Ngay tại một đội bóng NBA, vấn đề tình cảm riêng tư vẫn chưa đạt tới mức công tư rõ ràng. HLV Doc Rivers với nhiều hành động thiên vị cho con trai Austin Rivers đã gây ra sự bất mãn ngầm nơi nội bộ đội bóng.
Còn Ken Carter thì sao? Ông đã cho thấy sự cứng rắn trước quyết định gia nhập Richmond của người con trai Damien Carter. Damien muốn chiến đấu vì cha mình và điều này khiến Carter bị sốc trong vài phút đầu nghe tin.
Ông đồng ý với con trai nhưng nói rằng Damien sẽ phải chấp nhận tập khối lượng nhiều hơn so với các đồng đội khác.
Quá trình lột xác đội bóng Richmond sau đó giống như một luyện ngục với mọi thành viên nhưng Damien vẫn phải chịu mức rèn luyện nhiều hơn bất kỳ ai. Sự công tâm được thực hiện và thúc đẩy toàn đội tiến lên phía trước.
Trong nhiều tháng biên soạn kịch bản, phía đạo diễn và HLV Ken Carter đã trao đổi với nhau rất nhiều về cái kết của bộ phim.
Ban đầu, đoàn làm phim rất muốn đội bóng rổ trường Richmond giành chiến thắng kịch tính trong trận chung kết. Đạo diễn Thomas Carter từng lặp đi lặp lại ý định này với câu nói: "Ông biết đấy huấn luyện viên, ông nên là người chiến thắng trong trận đấu cuối đó".
Ken Carter mất hai tháng để đấu tranh tư tưởng. Cuối cùng, tin rằng hành trình không trọn vẹn sẽ mang tới ý nghĩa bài học giá trị hơn, Carter đã thuyết phục đạo diễn thực hiện theo ý muốn của ông.
"Đối với từng cậu bé học trò của tôi, tôi không bao giờ nói rằng vạch đích của họ là một điểm cụ thể có thể thấy được.
Tất cả họ đã thay đổi rất nhiều, từ đội bóng yếu kém trở thành đối thủ bất bại của đội bóng vô địch cấp đại học toàn nước Mỹ. Từng cậu bé giờ đây đã tự có tư duy để thoát ra khỏi sự mê chìm của suy nghĩ lối mòn nơi bóng tối khu ổ chuột. Đích đến của mỗi người nằm ở chính nơi nào mà họ cảm thấy hài lòng." – HLV Ken Carter tự hào khẳng định.