Ẩu đả giữa những đồng đội luôn khiến cho bản thân cầu thủ và đội bóng của họ phải cảm thấy xấu hổ. Thực tế, mức độ hậu quả này vẫn chưa phải cao nhất.
Nhìn từ sự việc Mirotic và Portis
Như Webthethao đã đưa tin, vào ngày 18/10 theo giờ Việt Nam, cầu thủ Nikola Mirotic đã có xô xát với đồng đội Bobby Portis trong một buổi tập tại Chicago. Kết quả, Postis đã khiến Mirotic phải nhập viện với chẩn đoán rạn vỡ một số vùng xương trên khuôn mặt. Mirotic sẽ phải trải qua phẫu thuật và bỏ lỡ những trận đấu đầu tiên của Chicago Bulls trong mùa giải mới.
Chưa hết, Mirotic và Portis chắc chắn sẽ phải đối mặt với án phạt không nhẹ từ phía đội bóng. Việc kỷ luật là tất nhiên bởi các vụ ẩu đả trong đội đều gây ảnh hưởng lên tinh thần tập thể, làm xấu đi hình ảnh của đội bóng nói riêng cũng như tính chất chuyên nghiệp của giải đấu NBA nói chung.
Nhìn lại quá khứ, NBA không ít lần chứng kiến các vụ ẩu đả với các mức độ khác nhau.
Mức độ động tay chân giữa các cầu thủ
So với các vụ việc từng xảy ra thì biến cố lần này tại Bulls tương đối nghiêm trọng do để lại hậu quả chấn thương lớn, khiến truyền thông và dư luận hết sức chú ý.
Từng có một số trường hợp ẩu đả giữa các đồng đội xảy ra trong hoàn cảnh khá giống với Mirotic nhưng lại nhanh chóng chìm đi và chỉ dừng lại ở mức độ tin đồn.
Tiêu biểu nhất phải kể tới Michael Jordan với lời đồn về việc từng cho 2 đồng đội ăn đấm vào mặt. Người thứ nhất có tên Will Perdue và người tiếp theo rất nổi tiếng chính là Steve Kerr, HLV hiện tại của Golden State Warriors. Lí do bởi cả 2 đều có những hành động “xấu tính” như dẫm vào chân hay phạm lỗi thô thiển với Jordan trong lúc tập luyện.
Tuy nhiên, những sự việc này không chính thức được xác nhận trên các phương tiện truyền thông do yếu tố hậu quả chấn thương chưa tới mức nghiêm trọng. Sau đó, phía đội bóng và các cá nhân sẽ thường tìm cách tự hòa giải nội bộ với nhau. Bộ phận truyền thông của các đội bóng đa số đều muốn giữ kín những việc kiểu này.
Nhưng sự việc của Mirotic thì không lấp liếm được do anh phải nhận chấn thương tương đối nặng và nguồn tin bị lộ ra ngoài. Dù nó không diễn ra trên sân và để bị quay phim nhưng sự phóng đại của chấn thương sẽ còn gây hiệu ứng xấu hơn một khi nhiều tờ báo đã dùng từ “đánh đập” hay “hạ gục” để chỉ hành động của Portis.
Mức độ xô xát với HLV
Huấn luyện viên tuy không phải cầu thủ nhưng cũng được tính như một thành viên nội bộ. Thậm chí, đụng tới HLV còn ở mức độ ghê gớm so với ẩu đả thông thường, có thể dẫn tới án phạt khủng khiếp từ ủy ban kỷ luật của giải đấu, đối mặt với nguy cơ bị sa thải cùng những kiện cáo hành hung theo luật liên bang.
Do cái giá phải trả vô cùng đắt nên những sự việc xô sát giữa cầu thủ và HLV tại NBA rất hiếm khi xảy ra. Ấy vậy mà vào năm 1997, một ngôi sao có tiếng tăm lại từng phải nhận án phạt đình chỉ 82 game từ ủy ban kỷ luật NBA do hành động bạo lực với HLV của chính mình. Latrell Sprewell, từng là gương mặt sáng tại NBA có một giai đoạn chuyển tới thi đấu cho Golden State Warriors dưới sự dẫn dắt của HLV P.J Carlesimo.
Hành vi thiếu kiềm chế của Sprewell xuất phát từ một chuỗi những sự kiện va chạm giữa anh với vị HLV. Ban đầu, Sprewell bị phạt do để lỡ mất chuyến bay cùng cả đội. Tiếp đó, HLV Carlesimo liên tục yêu cầu Sprewell phải thực hiện những ý đồ chiến thuật theo đúng cách đánh mà ông đề ra. Cựu cầu thủ Warriors đã phải nghe chỉnh rất nhiều lần khiến anh cảm thấy rất ức chế.
Sprewell đã quay ra và nói với Carlesimo rằng xin ông hãy để cho anh được yên. Nhưng vị HLV vẫn không chịu bỏ qua và ngay lập tức, Sprewell đã lao vào dùng tay xiết chặt ông ta.
Về sau, anh thanh minh rằng mình đã không xiết Carlesimo quá chặt “Ý tôi là ông ấy vẫn có thể thở được”. Tuy nhiên, không ai chấp nhận được lời bào chữa này. Sprewell bị cấm 82 trận (tương đương với cả mùa giải) và anh cũng không bao giờ có thể chơi bóng tại Warriors (tương tự như bị sa thải vĩnh viễn). Đây vẫn là một trong những án phạt nặng nhất trong lịch sử NBA.
Mức độ nguy hiểm đến tính mạng
Việc ẩu đả thường xét tới thái độ, mức độ thương tích cơ thể và số lượng người tham gia để đánh giá tầm nghiêm trọng, thế nhưng nếu bước tới mức nguy hiểm tới tính mạng thì sao?
Ở suốt mùa giải NBA 2009-2010, cầu thủ Javaris Crittenton thuộc Washington Wizards đã có cuộc tranh cãi nảy lửa với các đồng đội. Thế rồi, ngôi sao Gilbert Arenas đã bước vào nhằm can gián chuyện xô xát. Khi anh làm vậy, Crittenton đã đe dọa dùng súng để bắn anh.
Ngày hôm sau không có chuyện gì xảy ra khiến nhiều người nghĩ rằng vụ việc đã được xử lý êm xuôi. Nhưng ít ngày tiếp đó, Arenas bất ngờ mang vài khẩu súng vào phòng thay đồ và yêu cầu Crittenton chọn một khẩu. Họ dường như định tái hiện màn đấu súng tay đôi kiểu Anh trong thế kỷ 19. Ngay khi lúc Arenas chọn khẩu súng của mình thì các đồng đội đã kịp thời xông vào can ngăn.
Vụ việc một thời gây đình đám dư luận nhưng đội bóng đã biết cách để khỏa lấp. Bản thân Arenas cũng phủ nhận việc mang súng tới phòng thay đồ. Nếu để xác nhận, chắc chắn anh và Crittenton sẽ gặp rắc rối về pháp luật do những hành động liên quan tới vũ khí đặc biệt gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng lên tính mạng con người và chấn sang tâm lý. Trong 30 năm trở lại đây, việc sử dụng súng luôn là một trong những vấn đề gây nhạy cảm bậc nhất tại nước Mỹ.
Lời kết
Đối với môi trường thể thao, đồng đội trong một tập thể không khác gì những người anh em. Họ có chung mục tiêu, cùng nhau làm rất nhiều việc để khiến mối quan hệ trở nên gần gũi.
Tuy nhiên, ngay tại NBA cũng không tránh được những mâu thuẫn xuất phát từ tình cảm tay ba kiểu như Tony Braxton, Jason Kidd và Jim Jackson, hay như việc bất đồng quan điểm hoặc chưa vừa ý về thái độ chơi bóng của nhau v..v. Thế nhưng, nhiều sự việc với hậu quả phức tạp trong lịch sử NBA đã trở thành lời nhắc nhở cho những hành động thiếu kiềm chế từ các cầu thủ.
NBA ngày nay đã luôn có văn phòng đại diện để mỗi cầu thủ có thể kín đáo đưa ra những ý kiến góp ý về các vấn đề của đội bóng, HLV và đồng đội. Do đó, việc chọn lựa cách thức giải quyết tồi tệ như động tay động chân sẽ không phải là điều khôn ngoan.