Mang tới Rio 2016 số lượng VĐV hùng hậu nhất trong lịch sử đất nước (117 tuyển thủ), Ấn Độ chỉ có được thành tích khiêm tốn với 1 HCB và 1 HCĐ, thấp hơn cả Việt Nam và Singapore trên bảng xếp hạng.
“Vấn đề nằm ở việc phớt lờ giáo dục thể chất trong học đường”, những giáo viên và các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ thừa nhận thất bại với một thái độ rất bình thản.
Hiện là trưởng phòng nghiên cứu giáo dục của Hội đồng Giáo dục và Đào tạo quốc gia (NCERT), giáo sư Yagnamurthy Sreekanth giải thích rằng thành công của một công dân Ấn Độ chưa bao giờ được tính bằng thành tích trong thể thao. Dù có năng khiếu đến mấy, các cô bé, cậu bé không bao giờ được bố mẹ và nhà trường thừa nhận, hỗ trợ để phát huy tối đa khả năng để trở thành một VĐV giỏi trong tương lai.
“Học hành giúp chúng ta giàu có, thể thao hủy hoại tương lai chúng ta”, câu danh ngôn xưa đã và đang ăn sâu vào tiềm thức của các phụ huynh và những người làm giáo dục Ấn Độ.
Trên thực tế, theo Đạo luật về Quyền giáo dục năm 2010, các trường tại Ấn Độ đều phải có ít nhất một sân chơi thể thao dành cho học sinh. Đối với các trường chưa có sân chơi, chính phủ Ấn Độ cho họ thời hạn 3 năm để giải quyết vấn đề. Nhưng mấy năm trôi qua, tỷ lệ các trường tiểu học và tiểu học bậc cao hoàn thành chỉ tiêu trên chỉ lần lượt cán mức 63% và 66%.
Xét ở tất cả cấp bậc, chỉ 60% số trường học tại Ấn Độ có sân chơi thể thao cho học sinh. Con số này tại bang Odisha là 30%. Bi hài hơn, bang Cuttack gồm có 170 học sinh nhưng không có nổi một giáo viên thể dục. Hơn thế nữa, trường cũng không có phương tiện để chuyên chở các em học sinh tới sân chơi gần nhất.
Bên cạnh đó, khung giáo trình giảng dạy quốc gia (NCF) nêu rõ, các buổi giáo dục thể chất chiếm 9% tổng thời gian học trong trường và được chia ra làm 6 kỳ trong một tuần, nhưng đến năm 2013, số kỳ học thể chất chỉ còn được duy trì ở mức 1 kỳ/tuần tại các bang lớn như Manipur hay Odisha. Ngoài ra, NCERT không tổ chức bất kỳ chương trình đánh giá năng khiếu thể thao nào dành cho các em học sinh, trong khi các buổi tìm kiếm tài năng học tập vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm.
Hiệu trưởng trường KIIT World - Sangita Bhatia cho biết trường đã tổ chức vài sự kiện thể thao, nhưng học sinh thường phải bị ép mới chịu tham gia. Sangita Bhatia giải thích: “Xã hội Ấn Độ khiến học sinh không cảm thấy có lỗi nếu chưa đạt được thành công trong thể thao. Thái độ này cần được thay đổi ngay lập tức”.
Song song đó, bài luận văn có tiêu đề “Làm thế nào để Ấn Độ đứng ngang hàng với Trung Quốc trên bảng xếp hạng Olympic 2024?” của chàng sinh viên Jyotirmoy Mukherjee giống như một tiếng chuông cảnh tỉnh những người làm giáo dục và thể thao trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới cho các VĐV, cũng như tạo điều kiện cho những năng khiếu thể thao có thể phát huy tối đa thế mạnh của mình.
“Trung Quốc có tới 850.000 phòng tập gym và hơn 3.000 trung tâm thể thao. Đó cũng là điều kiện tối thiếu nếu Ấn Độ muốn có được thành tích tốt như Trung Quốc tại đấu trường Olympic”, Mukherjee viết trong bài luận.
Trong khi ấy, cựu bộ trưởng Nội các Ấn Độ Subramanian cũng thừa nhận sự phát triển về mặt thể chất của trẻ em không nhận được sự quan tâm đúng mức: “Những người đứng đầu tại các trường học cần phải quan tâm sát sao hơn về vấn đề này. Đây là lúc chúng ta cần phải đưa ra mức đầu tư cụ thể trong việc phát triển thể thao học đường ở cả những trường công lập và tư thục”.