Từ môn đốt cháy năng lượng rẽ ngang…môn tĩnh tâm
Khi tiếp xúc với Ánh Nguyệt, bất kể ai đều có chung cảm giác là sự cảm tình với cô gái nhỏ nhắn cùng nụ cười tươi tắn trên môi. Một người trẻ luôn giàu năng lượng, sôi nổi. Nhưng đằng sau đó là nghị lực cùng quyết định quyết đoán để theo đuổi đam mê.
Nguyệt sinh ra ở miền quê xinh đẹp thuộc xã Lạc Hồng (Văn Lâm, Hưng Yên). Gia cảnh của cô gái sinh năm 2001 khá khó khăn và chỉ thoát khỏi hộ nghèo cách đây mấy năm.
Ấy vậy, với Nguyệt, cô luôn tâm niệm “tôi đến với thể thao chuyên nghiệp vì đam mê nhiều hơn là nghĩ đến tiền bạc”.
Năm 15 tuổi, sau khi thi tốt nghiệp THCS, tuyển bóng rổ về địa phương của Nguyệt tuyển quân. Lúc bấy giờ, thầy dạy thể dục trong trường cấp 2 của Nguyệt hướng cô theo thể thao vì tố chất và thể hình. “Tôi về xin bố mẹ nhưng không được đồng ý”, Ánh Nguyệt bày tỏ.
Song, Nguyệt tâm niệm, cô muốn cuộc sống của mình khác đi, muốn chơi thể thao chuyên nghiệp. Cái ý định rõ ràng về tương lai đó của cô gái mới 15 tuổi đã đánh gục bố mẹ. Đây là thời kỳ mà bóng rổ nữ Hà Nội mới thành lập lại và khó khăn luôn song hành. Môn thể thao này đòi hỏi tính đồng đội cao, kỹ thuật cá nhân tốt cùng thiêu đốt rất nhiều thể lực của VĐV.
“Lúc mới làm quen, tôi mệt mỏi, đuối lắm, chạy nhiều đến mức vỡ cơ đau mỏi toàn thân. Tập rất lâu sau đó, tôi mới làm quen được”, Ánh Nguyệt kể về ngày đầu làm quen với trái bóng cam.
Đang dần thích nghi với bóng rổ, bỗng dưng, Nguyệt rẽ ngang theo hướng không một ai ngờ đến. “Các thầy cô ở môn bắn cung và bóng rổ đều hướng tôi theo bắn cung. Thế là, tôi làm quen lại từ đầu vì hai môn này rất khác nhau. Bóng rổ đòi hỏi vận động rất nhiều còn bắn cung là môn tĩnh”, Nguyệt giãi bày.
Và rồi, một thời gian làm quen với bắn cung, Nguyệt bị hút hồn rồi khẳng định “đây mới là môn hợp với tôi”. Cô gái sinh năm 2001 chỉ biết cố gắng không ngừng khi đâu đó, len lỏi ý nghĩ lo lắng cho tương lai.
Những ngày tháng đổ mồ hôi trên “thao trường” đã hun đúc ý chí, nghị lực phi thường cho cô gái tràn đầy năng lượng tích cực này. Trái ngọt đến với Nguyệt khi tháng 11/2019, cô giành HCĐ ở giải vô địch châu Á trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn.Thành tích này giúp cô giành tấm vé chính thức dự Olympic 2021.
Thành công tiếp nối thành công, chỉ ít tuần sau đó, Nguyệt cùng hai đàn chi Lộc Thị Đào và Nguyễn Thị Phương xuất sắc giành tấm HCV SEA Games 30 nội dung đồng đội nữ cung một dây. Nghiệp thể thao của Nguyệt rẽ ngang và sang trang theo hướng khó ai ngờ đến.
Theo đuổi môn đòi hỏi thị lực tốt nhưng lại bị… cận thị
Bắn cung là một trong những môn thể thao mà thị lực quyết định phần nhiều đến việc có thể tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp hay không. Nó đòi hỏi sự điều tiết thị lực, phải căng mắt ngắm nhìn đích để có độ chuẩn xác cao.
Ấy thế, Nguyễn Hoàng Phi Vũ, vốn bị cận thị từ nhỏ nhưng lại theo đuổi môn thể thao này. Năm 2012, ông nội - vốn là HLV bắn súng tỉnh Hải Dương - đã giới thiệu Vũ đến với môn bắn cung. Ông nội chỉ hướng Vũ chơi thể thao chỉ vì sức khỏe và khám phá môn chơi ít người biết đến ở Việt Nam.
“Tập riết rồi thành mê và từ ấy tôi theo hẳn bộ môn này dù trước đó không biết gì về bắn cung”, Vũ tâm sự. Chơi vì sức khỏe, tìm niềm vui và sự khám phá nhưng rồi, Vũ nhận ra, anh đam mê cháy bỏng bởi gia đình có truyền thống là những VĐV tài năng. Thế nên, những vất vả, gian truân không hề đánh gục chàng trai sinh năm 1999 này.
“Mỗi ngày, tôi tập luyện trong vòng 8 tiếng với cây cung nặng hơn 10 kg và rất cồng kềnh. Cứ giương lên rồi bỏ xuống với 300-400 mũi tên bắn ra mỗi buổi tập kéo dài 3 tiếng. Khó khăn lớn nhất trong môn này là tâm lý. Mỗi VĐV phải duy trì liên tục sự ổn định trong thời gian dài. Quãng thời gian đầu mới vào tập khá khó khăn nhưng rồi cứ riết thành quen, đam mê nên cũng thấy bớt vất vả”, Phi Vũ thổ lộ.
Theo đuổi bắn cung 7 năm, Phi Vũ có bước đột phá ngoài mong đợi ở tuổi 20. Anh vượt qua hàng loạt tên tuổi ở giải vô địch châu Á năm 2019 để bước lên bục cao nhất. Tấm HCV cùng tấm vé chính thức dự Olympic 2021 mang đến cảm xúc vỡ ào cho bắn cung Việt Nam.
Nhớ lại khoảnh khắc đó, Vũ tâm sự: “Vào trận, tôi chỉ biết phải làm sao cố gắng hết sức thậm chí vượt qua khả năng sẵn có của mình”. Cùng với Ánh Nguyệt, Phi Vũ tạo nên cột mốc đáng nhớ trên đấu trường quốc tế cho bắn cung Việt Nam. Và cũng tại SEA Games cuối năm 2019, Vũ giành thêm 1 tấm HCV ở nội dung cung một dây đôi nam-nữ.
Những thành công của Ánh Nguyệt – Phi Vũ khẳng định bắn cung Việt Nam đang đi đúng hướng với nhiều tài năng trẻ. Đó là cơ sở để bộ môn này có thể phổ biến hơn trong tương lai.
Sáng 23/7, Ánh Nguyệt và Phi Vũ bước vào tranh tài ở nội dung cung 1 dây. Ánh Nguyệt dự vòng loại bắt đầu từ lúc 7h00 (giờ Việt Nam) trong khi Phi Vũ thi đấu từ 11h00. Ở mỗi nội dung có 64 VĐV tham dự.