Nếu có mặt tại Paris 2024, đó sẽ là lần thứ 3 Kirsty Gilmour được dự Olympic. Vì vậy, tay vợt xứ Scot 30 tuổi đã nỗ lực vượt qua những chấn thương và thất bại khi thể hiện khả năng phục hồi đáng nể trên hành trình giành lấy một vị trí đáng thèm muốn ở ngày hội lớn không riêng chỉ của cầu lông thế giới. Trước đó, hành trình Olympic của Gilmour gặp phải một chương khó khăn tại Thế vận hội Rio 2016, nơi cô phải vật lộn với chấn thương đầu gối, khiến sự kiện này trở thành một chiến dịch Olympic đầy thử thách. Cô không vượt qua được vòng bảng, nhưng thừa nhận rằng mình đã trở nên mạnh mẽ hơn sau những khó khăn đó.
Con đường đến Tokyo 2020 không phải là không có trở ngại, khi Gilmour lại phải vật lộn với chấn thương trong quá trình chuẩn bị. Trong giai đoạn đấu vòng tròn tính điểm ở Tokyo, cô thắng 1 trận, nhưng thua 1 trận trước Akane Yamaguchi, qua đó không thể vượt qua vòng bảng. Không có danh hiệu kể từ SaarLouLux Open 2020, tay vợt người Scotland hiện đang xếp thứ 25 thế giới, nhưng cô ấy sẽ tìm cách cải thiện vị trí và đảm bảo một suất tham dự Paris 2024.
Qua các màn trình diễn gần đây, Gilmour thừa nhận những bước tiến mà cô đã đạt được nhưng vẫn khao khát nhiều hơn nữa. “Đó là một bước đi đúng hướng, nhưng không phải là một bước đủ lớn”, cô khẳng định sau trận thua 7-21 21-16 26 -24 trước Yamaguchi ở vòng 2 Hong Kong Open 2023. Tay vợt xứ Scot tin tưởng phong cách thi đấu độc đáo của cô khiến đối thủ khó chịu và khiến cô trở thành một tay vợt không dễ bị bắt nạt.
Một sự thay đổi quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Paris 2024 của Gilmour là cuộc hợp tác với nhà vô địch All England 3 lần Tine Baun, nữ huấn luyện viên đầu tiên mà Gilmour làm việc cùng trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Sự hợp tác này, một phần của dự án Paris 2024, đã mang lại động lực mới cho quá trình tập luyện của Gilmour: “Tôi thực sự rất phấn khích. Đó thực sự là một mối quan hệ hợp tác tốt đẹp. Tôi không cần phải dùng ví dụ để giúp cô ấy hiểu. Tôi nói với cô ấy rằng tôi cũng cảm thấy như vậy và cô ấy trả lời: ‘Tôi cũng vậy’.”.
Nhưng mặc dù là một trong những tay vợt dày dạn kinh nghiệm trên đấu trường quốc tế, Gilmour vẫn phải ứng phó với sự nghi ngờ về bản thân, một trở ngại mà cô quyết tâm vượt qua. Sự tập trung vào việc điều chỉnh sức mạnh thể chất cùng với sức mạnh tinh thần thể hiện cách tiếp cận toàn diện của cô Gilmour đối với cầu lông. “Tôi muốn thấm nhuần niềm tin sâu sắc vào bản thân rằng tôi có thể thắng những trận đấu lớn. Ý nghĩ đó cứ lởn vởn trong đầu tôi, đó là điều mà tôi nghĩ mình đã thực sự phải ứng phó với nó”, cô thú nhận.
Hướng tới Thế vận hội mùa hè năm nay, Gilmour tự tin vào triển vọng vượt qua vòng loại. Cô đặt mục tiêu đảm bảo một vị trí hạt giống, chứ không chỉ là giành suất đến Paris. “Trừ chấn thương, tôi sẽ chỉ tập trung vào việc giành được một suất hạt giống. Đó là suy nghĩ của tôi. Tôi được xếp hạt giống tại Thế vận hội Rio 2016 nhưng bị rách sụn ở đầu gối. Và tôi thực sự không thể tận dụng được vị trí được xếp hạt giống đó. Tôi vẫn nghĩ về điều đó. Ở Tokyo, tôi không được xếp hạt giống và tôi đã đấu với Yamaguchi ở vòng bảng”, tay vợt xứ Scot khẳng định.
Những cơ hội bị bỏ lỡ kể trên càng thúc đẩy cô quyết tâm tận dụng tối đa mọi cơ hội ở Paris: “Tôi cảm thấy tốc độ mà mình cải thiện và thay đổi mọi thứ. Tôi có thể thích ứng được. Tôi thực sự háo hức đến Paris. Tôi không hề căng thẳng”. Gilmour sẽ tăng tốc tại Malaysia Open 2024, nơi cô đụng độ Neslihan Arin ở vòng đầu. Tại 2 trận đối đầu trước đó, tay vợt xứ Scot đều giành chiến thắng.