Chuyện đặc biệt về hai nữ VĐV rowing của đoàn TTVN ở Olympic 2021

Phương Ngọc
thứ ba 20-7-2021 8:50:10 +07:00 0 bình luận
Đinh Thị Hảo - Lường Thị Thảo sẽ có lần đầu tiên tranh tài ở một kỳ Olympic. Cả hai bén duyên và thành công với rowing với những câu chuyện quá đỗi đặc biệt.

Cuối tháng 4/2021, đội rowing Việt Nam lên đường sang Nhật Bản dự Vòng loại Olympic 2020. Đi đợt này có một chuyên gia, một HLV và 4 VĐV. Cả đoàn lặng lẽ đến với xứ sở mặt trời mọc. Và chỉ đến khi cặp đôi Đinh Thị Hảo và Lường Thị Thảo giành tấm vé đến Olympic ở nội dung thuyền đôi hạng nhẹ đôi mái chèo nữ, họ mới được nhắc tên.

Đinh Thị Hảo (sinh năm 1997), sinh ra và lớn lên tại Tuyên Quang. Thế nhưng, cô gái đầy nghị lực này lại bén duyên với rowing khi xuống Hà Nội. Khi còn học lớp 10 ở Trường THPT Sông Lô, một lần các tuyển trạch viên môn đua thuyền về Tuyên Quang tuyển chọn, Hảo lọt vào mắt xanh với các chỉ số về chiều cao, sải tay,... ấn tượng.

Đội rowing Việt Nam đã có kỳ Olympic thứ 3 liên tiếp góp mặt bằng
suất chính thức.

Tuy vậy, bố mẹ Hảo lại phản đối vì lúc đó Hảo còn nhỏ, phải xa gia đình sớm. Thậm chí, người thân khuyên cô nên từ bỏ giấc mơ. Ấy thế, với Hảo, cô như bị hút hồn bởi môn thể thao còn khá xa lạ với mọi người dân Việt Nam. Hảo đã mất nhiều thời gian để thuyết phục và được bố mẹ đồng ý. 

Những ngày đầu đến với rowing, Hảo vượt qua mọi rào cản khó khăn. Sau hai năm, cô bất ngờ được đưa sang môn đua thuyền truyền thống. Còn khá lạ lẫm song cô gái quê Tuyên Quang cho thấy khả năng thiên bẩm ở các môn thể thao dưới nước. Cô đoạt HCĐ đầu tiên ở Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014. 

Hoàn thành nhiệm vụ, Hảo trở về với môn rowing quen thuộc. Từ đây, cô đoạt hàng loạt HCV, HCB ở các giải đấu quốc tế như Giải vô địch Đông Nam Á, Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, và nổi bật nhất là cùng đồng đội giành tấm Huy chương bạc quý giá tại ASIAD năm 2018.

Lường Thị Thảo, Đinh Thị Hảo cùng đàn chị Phạm Thị Huệ tuy âm thầm nhưng luôn mang về kết quả đáng tự hào cho thể thao Việt Nam.

Năm 2019, Hảo từng gác năm hai đại học chuyên ngành huấn luyện thể thao để dốc sức cho các bài tập giúp tăng tốc độ dưới sự chỉ dẫn của chuyên gia người Australia Joseph Donnelly và Lê Văn Quang. Hai năm qua, dịch COVID-19 đã tác động đến quá trình tập luyện của cô gái sinh năm 1997 này; thậm chí, cô cùng đội phải trải qua 14 ngày cách ly vì dịch COVID-19 ở năm ngoái sau khi trở về từ Australia. Tuy vậy, sự khổ luyện đã giúp Hảo làm nên chiến tích cùng đàn em Lường Thị Thảo, một nhân vật khá đặc biệt.

Thảo là em út của đội rowing Việt Nam. Thời điểm đầu, cô gái sinh năm 1999 được lựa chọn vào đội điền kinh của tỉnh Sơn La, được cử xuống Hà Nội tập huấn. Thế nhưng, không lâu sau đó, cô bị “chê” khó phát triển nếu theo đuổi bộ môn này.

Tình cờ, cô gái miền sơn cước lọt vào “mắt xanh” của ông Lê Văn Núp, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện TDTT Quảng Bình trong một lần ra Hà Nội công tác. Ông Núp về tận nhà Thảo ở Sơn La để thuyết phục bố mẹ cô cho con gái vào Quảng Bình tập luyện đua thuyền. Đó là bước ngoặt để Thảo dấn thân vào rowing.

Em út Lường Thị Thảo (ngoài cùng, bên phải) từng giành HCV ASIAD 2018.

Từ đó, tài năng được bộc lộ. Cô gái sinh năm 1999 chứng minh, đây mới là môn thể thao gắn liền với cuộc sống của cô. Thảo liên tiếp giành những tấm HC vàng ở các giải trẻ quốc gia. Năm 2017, cô được gọi lên đội tuyển quốc gia và tới năm nay trở thành nhà vô địch ASIAD khi mới 19 tuổi.

Tại nội dung thuyền mái nhẹ 4 người nữ, cô cùng VĐV Tạ Thanh Huyền, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Thảo đã xuất sắc cán đích đầu tiên và mang HCV đầu tiên về cho Thể thao Việt Nam ở ASIAD 2018.

Và ở giải đấu trên đất Nhật Bản, Lường Thị Thảo tiếp tục đặt dấu mốc mới trong sự nghiệp khi cùng đàn chị Đinh Thị Hảo giành tấm vé tham dự Olympic 2021.

Tại vòng loại Olympic 2021 khu vực châu Á, bộ đôi Lường Thị Thảo - Đinh Thị Hảo về thứ hai ở nội dung thuyền đôi hạng nhẹ với thành tích 7:17.34, kém hơn bộ đôi chủ nhà Nhật Bản Tomita Chiaki và Oishi Ayami 1,5 giây. 

Nếu so với thành tích của 17 cặp đôi khác vượt qua vòng loại, thành tích của Thảo – Hảo khá khiêm tốn, có khoảng cách khá xa so với các đối thủ như Keijser – Ilse Paulis (Hà Lan, 6:43.19), Emily Craig – Imogen Grant (Anh, 7:00.33), Cozmunic - Beleaga (Romania, 7:02.09), Tarantola – Claire Bove (Pháp, 7:03.29), Mary Reckford - Michelle Sechfer (Mỹ, 7:06.62), Lebedeva – Maria Botalova (Ủy ban Olympic Nga, 7:07.06), Patricia Merz – Frederique Rol (Thụy Sỹ, 7:07.58) hay Aoife Casey – Margaret Cremen (CH Ireland, 7:09.22).

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm