ĐT Bơi Trung Quốc đang có một kỳ Olympic đáng nhớ khi giành 3 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng, trở thành quốc gia có thành tích tốt thứ tư tại Thế vận hội, sau 3 cường quốc Mỹ, Australia và Anh, vượt qua Nhật Bản để trở thành đại diện châu Á có thành tích tốt nhất trên đường đua xanh.
Từ 1 HCV tại Rio tới 3 HCV tại Tokyo, thành tích của ĐT Bơi Trung Quốc được cải thiện tăng nhờ "công nghệ tên lửa". Cụ thể thì đó là phiên bản nhỏ gọn của hệ thống dẫn đường tên lửa được áp dụng để các VĐV tinh chỉnh kỹ thuật của họ và giảm lực cản. Công nghệ này của Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC).
"Tư thế ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ bơi", CASC khẳng định. Công nghệ này đã hoạt động với một hệ thống truyền thống dựa trên máy quay để “cung cấp cơ sở khoa học cho ban huấn luyện lập kế hoạch đào tạo, tối ưu hóa kỹ thuật và giảm lực cản”.
Các huấn luyện viên hàng đầu từ lâu đã sử dụng cảm biến chuyển động để theo dõi chuyển động của vận động viên trong quá trình luyện tập. Chúng thường liên quan đến các hệ thống theo dõi như các hệ thống được sử dụng trong ngành công nghiệp điện ảnh và ghi lại hành động của các bộ phận cơ thể.
Nhưng ở cấp độ thi đấu cao nhất, những thay đổi nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được có thể tạo ra tất cả sự khác biệt và cần có công nghệ mạnh mẽ hơn để nắm bắt thông tin. Và đó là lúc mà các nhà khoa học công nghệ vũ trụ vào cuộc.
Để bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 10.000km, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng "hệ thống dẫn đường quán tính". Các hệ thống dựa vào con quay hồi chuyển tinh vi để theo dõi chuyển động và xác định vị trí cũng như vị trí tên lửa khi không có tín hiệu vệ tinh.
Con quay hồi chuyển cực kỳ chính xác nhưng cũng cồng kềnh và nặng như tên lửa. CASC cho biết các nhà khoa học vũ trụ Trung Quốc đã dành hơn một năm để sửa đổi công nghệ và tạo ra con quay hồi chuyển chính xác cao xuống chỉ còn vài gram, để người bơi có thể đeo thoải mái trên vai và các vùng khớp khác mà không cản trở chuyển động.
Các vận động viên sau đó được đưa vào trong một đường hầm gió và được theo dõi khi họ “bơi” ngược chiều gió. CASC giải thích rằng sự mô phỏng này cho phép các nhà khoa học tính toán lực cản chính xác do các chuyển động khác nhau tạo ra. Cuối cùng, họ sẽ đưa ra các khuyến cáo về cách các VĐV tinh chỉnh kỹ thuật hoặc thay đổi dáng người cho hiệu quả nhất.
Theo Tổng cục Thể thao Trung Quốc, một đường hầm gió mới hoàn toàn dành cho thể thao đã được khánh thành ở Bắc Kinh vào năm ngoái để giúp cải thiện thành tích trong các cuộc thi quốc tế, bao gồm Olympic mùa đông 2022 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc.
Công nghệ vũ trụ cũng đã được áp dụng ở các quốc gia khác để nâng cao hiệu suất của các VĐV bơi. Trước Olympic Bắc Kinh năm 2008, NASA đã sử dụng đường hầm gió của mình để giúp ĐT Bơi Mỹ tìm chất liệu áo bơi có lực cản nhỏ nhất. Một loạt kỷ lục bị phá vỡ, nhưng sau đó chúng bị cấm vì tạo ra lợi thế quá lớn.