Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020, sự kiện bị lùi đến năm 2021 vì dịch COVID-19, sẽ được tổ chức lúc 20 giờ (18 giờ Việt Nam) trên sân vận động Olympic ở thủ đô Toykyo (Nhật Bản). Ai sẽ là người cuối cùng có vinh dự châm ngọn lửa thiêng Thế vận hội vào đài lửa?
Tính đến thời điểm này thì ban tổ chức Olympic Tokyo 2021 đã làm rất tốt việc giữ bí mật về lễ khai mạc. Chưa hề có bất kỳ hình ảnh hay thông tin cụ thể nào về sự kiện đáng mong đợi nhất này tại Thế vận hội bị rò rỉ. Và người ta đang “tò mò muốn chết” về lễ khai mạc và cả người có vinh dự châm đài lửa Thế vận hội.
Ngọn lửa Olympic đầu tiên
Đài lửa cháy rừng rực trong thời gian diễn ra đại hội lần đầu tiên xuất hiện tại Olympic 1928 ở Amsterdam (Hà Lan). Nhưng ngọn lửa khởi nguyên được bắt nguồn từ Hy Lạp, nơi khai sinh phong trào Thế vận hội hiện đại từ năm 1896.
Lễ châm đài lửa Thế vận hội có sự kết hợp của nghi thức rước lửa thiêng từ Hy Lạp bắt đầu được áp dụng tại Olympic Berlin 1936 (Đức). Và nó được duy trì đến nay như một nghi thức được mong đợi nhất trong lễ khai mạc mỗi kỳ Thế vận hội (cả mùa hè lẫn mùa đông).
Đuốc rước lửa Olympic
Phần trên cùng của chiếc đuốc được sử dụng để thắp sáng và mang ngọn lửa thiêng Thế vận hội từ đỉnh Olympia (Hy Lạp) về Nhật Bản năm nay được thiết kế với hình ảnh cách điệu từ bông hoa anh đào 5 cánh, quốc hoa của xứ sở mặt trời mọc.
Đuốc được làm bằng hợp kim sử dụng nguyên liệu tái chế từ những ngôi nhà bị phá hủy trong trận động đất lịch sử năm 2011 ở Nhật Bản.
Nghi thức rước đuốc
Trên thực tế, ngọn lửa được lấy từ đỉnh Olympia (Hy Lạp) với ngọn lửa châm tại đài lửa Thế vận hội trong lễ khai mạc sẽ không phải là một. Ngọn lửa được truyền từ đuốc này sang đuốc khác trong một nghi thức rước đuốc mà ngọn lửa có thể bị tắt hoặc gián đoạn quá trình rước đuốc.
Nhật Bản đã tiến hành nghi lễ rước lửa thiêng Thế vận hội từ Hy Lạp vào tháng 3/2020 nhưng đã phải bỏ dở hành trình vì đại dịch COVID-19. Ngọn lửa này được đưa về Nhật Bản bằng đường hàng không và thắp tại Bảo tàng Tokyo Olympic từ tháng 9 năm ngoái.
Ngày 26/3/2021, nghi thức rước ngọn lửa thiêng Olympic được Nhật Bản khởi động lại và bắt đầu di chuyển từ Fukushima. Những người đầu tiên cầm đuốc chứa ngọn lửa thiêng cho hành trình này là các cô gái của đội bóng đá nữ vô địch World Cup 2011.
Ngọn lửa đi qua 47 điểm trên khắp nước Nhật và cũng từng bị hoãn, dừng vì những đợt bùng dịch mới của quốc gia này.
Người phụ nữ đầu tiên cầm đuốc lửa thiêng Olympic Tokyo
Năm 2020, khi Nhật Bản khởi động nghi thức rước lửa thiêng Thế vận hội từ đỉnh Olympic, VĐV bắn súng đoạt huy chương vàng Olympic Rio 2016 Anna Korakaki (Hy Lạp) đã được chọn là người đầu tiên rước đuốc. Korakaki trao lại đuốc lửa cho Mizuki Noguchi, nữ VĐV marathon Nhật Bản đầu tiên giành huy chương vàng Olympic Athens 2004.
Những người châm đuốc đài lửa Thế vận hội đặc biệt
Enriqueta Basilio, một VĐV chạy tốc độ quốc tịch Mexico, được coi là người phụ nữ đầu tiên châm đuốc đài lửa Thế vận hội tại Olympic Mexico City 1968 tại Mexico.
Lịch sử được viết tiếp khi Rafer Johnson trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên có vinh dự châm đuốc đài lửa tại Olympic Los Angeles 1984. Ông là người từng giành huy chương vàng Olympic 10 môn phối hợp và là người Mỹ gốc Phi đầu tiên cầm cờ cho đoàn Mỹ trong lễ khai mạc Thế vận hội 1960 tại Rome (Italia).
Antonio Rebello là VĐV người khuyết tật đầu tiên có vinh dự này. Anh là cung thủ từng 3 lần giành huy chương Paralympic và đã thực hiện nghi lễ bắn cung lửa lên đài lửa tại lễ khai mạc Olympic Barcelona 1992 (Tây Ban Nha).
Muhammad Ali, tay đấm quyền anh huyền thoại của Mỹ, được chọn là người châm đuốc đài lửa Olympic Atlanta 1996. Ông thực hiện nghi thức này khi đang mắc chứng bệnh Parkinson từ 10 năm trước đó và đã tạo ra một trong những hình ảnh xúc động nhất về màn châm đuốc đài lửa trong lịch sử Thế vận hội.
Ai là người châm lửa thiêng Thế vận hội vào đài lửa Tokyo?
Người cuối cùng có vinh dự châm ngọn lửa thiêng Thế vận hội và đài lửa trong lễ khai mạc thường là một VĐV nổi tiếng hoặc một nhóm VĐV chưa nổi tiếng người bản xứ. Điều này phụ thuộc vào ban tổ chức Olympic năm đó.
Tại Olympic London 2012 ở Anh quốc, ban tổ chức đã làm điều khác biệt khi không chọn một VĐV nổi tiếng mà dành vinh dự này cho 7 VĐV trẻ được tất cả các tuyển thủ Anh quốc tham dự Thế vận hội bầu chọn.
Người gần nhất có vinh dự thắp lửa Thế vận hội là nam tuyển thủ marathon Brazil Vanderlei Cordeiro de Lima tại lễ khai mạc Olympic Rio 2016 trên sân vận động Maracanã ở Rio de Janeiro ngày 5/8/2016.
Ai có vinh dự châm đuốc đài lửa trong lễ khai mạc Olympic Tokyo 2021 thì sẽ phải chờ xem. Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2021 diễn ra từ 18 giờ ngày 23/7/2021 và được phát sóng trực tiếp trên VTV6.