Hậu Olympic 2016: Người dân Rio trở lại thế giới thật

thứ tư 24-8-2016 16:30:03 +07:00 0 bình luận
Olympic 2016 đã khép lại và giờ là lúc người dân thành phố Rio phải quên các cuộc vui để đối mặt với những khó khăn thường nhật của cuộc sống.

Olympic 2016 đã khép lại và giờ là lúc người dân thành phố Rio phải quên các cuộc vui để đối mặt với những khó khăn thường nhật của cuộc sống.  

Nhịp sống của người dân khu vực Madureira - một trong những nơi nghèo nhất của thành phố Rio de Janeiro – đã có chút đảo lộn trong 2 tuần qua. Công viên Madureira trở thành điểm đến thường xuyên của du khách cùng dân địa phương, nơi mọi người có thể thư giãn và tận hưởng không khí lễ hội với một màn hình lớn đặt trong công viên.

Tuy nhiên, sau 2 tuần vui vẻ, người dân lại trở về cuộc sống thực tại với nhiều nỗi lo. Một cư dân đang sống tại khu ổ chuột ở Madureira là Gilmara Silveira nói rằng việc ưu tiên cho các dự án Olympic khiến nhiều vấn đề phát sinh: “Rác thải từ cống ở khắp nơi, đường phố thì ngập nước khi trời mưa. Tàu và xe buýt cũng không đủ cho người dân sống ở đây”.

“Công viên rất đẹp, mọi người đều thích đến đây. Thế nhưng mỗi khi qua đường, chúng tôi có thể bị cướp bất cứ lúc nào. Tình hình tội phạm ngày càng tệ hơn”, Silveira khẳng định.

Madureira là một trong những khu vực nghèo nhất tại Rio
Madureira là một trong những khu vực nghèo nhất tại Rio

Thực tế đang diễn ra tại Rio rõ ràng khác xa so với viễn cảnh về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nghèo. Và khi mà Olympic đã kết thúc, trong lúc nhiều lời hứa chưa được thực hiện thì Brazil tiếp tục phải giải quyết hậu quả để lại.

Chính quyền bang Rio được cho là đã chi 12 tỷ USD cho Olympic 2016, với hơn một nửa trong số đó đến từ những nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin khẳng định con số thực tế lên đến 20 tỷ USD và đóng góp của các nhà đầu tư không lớn như nhiều người nghĩ.

Thời điểm xây dựng các công trình dành cho Olympic cũng là lúc Rio đang gặp khủng hoảng tài chính, với nguyên nhân đến từ việc quản lý yếu kém và giá dầu giảm mạnh. Bác sĩ, giáo viên và công nhân bị nợ lương hàng tháng. Thậm chí, người dân đã phải quyên tiền giúp cảnh sát mua mực in và… giấy vệ sinh.

Chính quyền đã hỗ trợ 1 tỷ USD để trả lương, song đó chỉ là biện pháp tình thế. Những tấm biểu ngữ thể hiện sự tức giận như “Chào mừng tới địa ngục” xuất hiện nhan nhản tại sân bay để đón tiếp các đoàn thể thao.

Biểu ngữ ''Chào mừng tới địa ngục'' của người dân Rio tại sân bay
Biểu ngữ "Chào mừng tới địa ngục" của người dân Rio tại sân bay

Khi giành quyền đăng cai Olympic vào năm 2009, BTC Rio 2016 cam kết dọn sạch rác thải tại vịnh Guanabara, đồng thời xây dựng một chương trình quốc gia để giúp những người có mức sống thấp ở những nơi bị giải tỏa để phục vụ Olympic nhận cơ hội thoát nghèo và nâng thu nhập lên tiêu chuẩn thành thị vào năm 2020.

Tuy nhiên, Liamarcia Fragoso - công nhân đang sống tại khu ổ chuột ở Morro do Banco - tin chắc kế hoạch trên đã thất bại hoàn toàn. Cuộc sống của chị chưa và chẳng có biểu hiện gì của một sự thay đổi hay cải thiện như lời hứa của chính quyền. Bên kia sườn đồi, cách không xa nơi Fragoso ở, công viên Olympic vẫn lộng lẫy và hoành tráng trông càng chướng mắt.

“Họ chi rất nhiều tiền cho những sân vân động đẹp đẽ mà sẽ chẳng có ai sử dụng, trong khi ở đây không có lấy một công trình công cộng phục vụ cho hàng nghìn người dân đang sống”, Fragoso bức xúc.

Đó chưa phải mối bận tâm duy nhất của Fragoso. Khi Olympic diễn ra, cảnh sát được tăng cường, những cuộc tuần tra diễn ra thường xuyên hơn cũng ít nhiều khiến các băng đảng tội phạm hạn chế hoạt động. Nay Olympic đã hết, nỗi lo của người dân về sự an toàn của bản thân lại tăng lên.

“Những màn đấu súng giữa các băng đảng ma túy là một phần trong cuộc sống của chúng tôi”, Fragoso ngán ngẩm. Còn theo báo chí Brazil, khoảng 1/5 người dân tại thành phố Rio sống trong cảnh túng thiếu và thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực đường phố.

Maria de Oliveira cảm thấy an toàn khi được bán hàng trong Công viên Madureira.
Maria de Oliveira cảm thấy an toàn khi được bán hàng trong Công viên Madureira.

Đương nhiên, không thể phủ nhận những giá trị tích cực mà Olympic mang lại, song chính điều đó lại càng làm bật lên hình ảnh một xã hội Brazil đầy vấn đề, như Maria de Oliveira - chủ một quầy hàng ăn tại Công viên Madureira – nhận xét: “Công viên như một thế giới đẹp đẽ mà khi ra khỏi cánh cổng đó, chúng tôi phải đối mặt với cuộc sống khác, một thế giới thực khó khăn”.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm