Không còn là cú sốc với hai lần thảm bại của Thạch Kim Tuấn ở Olympic

Trần Khánh
thứ hai 26-7-2021 14:55:57 +07:00 0 bình luận
Nếu nhìn nhận thảm bại của Thạch Kim Tuấn ở Olympic 2021 là cú sốc, không hẳn đúng. Bởi trước đó, đô cử này không vượt qua chính mình tại Rio năm 2016.

Năm 2016, Thạch Kim Tuấn lần đầu tiên tham dự Olympic tại Rio Janeiro (Brazil) ở hạng cân 56kg. Năm đó, Tuấn 22 tuổi và đang sung sức. Anh giành HCB ASIAD 2014, HCĐ giải vô địch thế giới 2015. Trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho Olympic 2016, Thạch Kim Tuấn vượt xa mức tổng cử 287kg mà anh từng thiết lập ở giải vô địch thế giới 2015.

Tuổi 22, Thạch Kim Tuấn thảm bại ở Olympic 2016 dù được kỳ vọng lớn.

Chính vì thế, mục tiêu mà BHL đặt ra là chinh phục mức tổng cử trên dưới 300kg. Theo tính toán, chỉ cần nằm trong mức này, Tuấn sẽ có huy chương. Bước vào cuộc tranh tài, VĐV của Việt Nam được đánh giá khá cao, sẽ cùng Om Yun Chol (Triều Tiên), Long Qingquan (Trung Quốc) đua tranh cho ba vị trí dẫn đầu. Trong khi đó, Kruathong Sinphet (Thái Lan) được đánh giá là kẻ thách thức đáng gờm. 

Thế nhưng, mọi toan tính đều sụp đổ. Thạch Kim Tuấn có màn trình diễn tệ hại đến khó tin. Khi bước vào nội dung cử giật với mức tạ ban đầu là 130kg, Tuấn tỏ ra căng thẳng và thất bại. Đến lần cử thứ hai, anh mới thành công nhưng đô cử sinh năm 1994 không vượt qua chính mình trong lần cử giật thứ 3, để rồi thất bại. 

Khép lại nội dung cử giật, Thạch Kim Tuấn vẫn còn vẹn nguyên cơ hội tranh huy chương khi với 130kg, thành tích của Tuấn tạm xếp thứ 4; kém Long Qingquan 7kg, Om Yun-chol 4kg và Kruathong Sinphet 2kg.

Thông số khiến giới chuyên môn bất ngờ ở kỳ Olympic 5 năm về trước.

Nhìn vào mức tạ đăng ký ban đầu của nội dung cử đẩy, giới chuyên môn vẫn đánh giá cao cơ hội giành huy chương của Tuấn. Anh đăng ký mức 157kg trong khi đô cử của Thái Lan đăng ký mức 154kg. Ấy vậy, đô cử của Việt Nam lại gây thất vọng não nề. Anh rớt tạ ở lần đầu. BHL điều chỉnh tăng lên 3kg. Tuấn tiếp tục rơi tạ và khép lại với lần rơi tạ thứ ba cũng ở mức 160kg.

Trong khi đó, Long Qingquan giành HCV với tổng mức 307kg, Om Yun-chol về nhì với 303kg và đô cử Kruathong Sinphet giành HCĐ chỉ mới mức 289kg. Sau thảm bại trên đất Brazil, nguyên nhân được chỉ ra là do Thạch Kim Tuấn không có thể lực tốt nhất khi tái phát chấn thương cũ.

Năm năm sau, Tuấn cũng rơi tạ đến 5 lần trong 6 lần cử.

Năm năm sau, cánh cửa giành huy chương của Thạch Kim Tuấn càng được đánh giá sáng hơn tại Olympic Tokyo 2021. Một loạt VĐV mạnh của Triều Tiên, Thái Lan hay Colombia không tham dự hạng cân 61kg vì nhiều lý do khác nhau. Ngoài ra, đô cử Eko của Indonesia cũng đã 33 tuổi.

Theo giới chuyên môn đánh giá, chỉ cần vượt qua chính mình, Thạch Kim Tuấn có thể giành huy chương. Tổng thư ký Liên đoàn cử tạ thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng nhận định, vượt qua mức tổng cử tối thiểu 298kg, Tuấn sẽ có huy chương.

Ở SEA Games 30, Thạch Kim Tuấn từng chinh phục cột mốc 304kg. Đó là cơ sở để giới chuyên môn đặt niềm tin vào Tuấn. Ấy vậy, chính đô cử 27 tuổi này đánh mất đi lợi thế bất ngờ.

Với Tuấn, thất bại trước ngưỡng cửa thiên đường đã là "thói quen" chứ
không còn bất ngờ.

Điều chỉnh từ 128kg xuống còn 126kg ở nội dung cử giật, Thạch Kim Tuấn vẫn không vượt qua lần cử đầu tiên. Anh vất vả để thành công trong lần thứ hai nhưng rồi thất bại ở lần thứ ba khi nâng lên mức 130kg. Đến phần cử đẩy, đô cử này gây thất vọng lớn. Lần này, BHL điều chỉnh từ 158kg xuống 150kg. Thế nhưng, Tuấn thất bại liên tiếp trong cả 2 lần đầu và khi nâng lên 3kg, anh cũng thất bại trong lần cử cuối.

Hai lần tham dự Olympic với tư cách là ứng viên cho chiếc huy chương, Thạch Kim Tuấn đều thảm bại. Anh rớt tạ đến 10 lần trong 12 lần nâng tạ. Một con số gây choáng với giới chuyên môn, nhất là VĐV được đầu tư trọng điểm, tham gia hàng loạt giải đấu lớn như Thạch Kim Tuấn. Và rồi, khi Tuấn thảm bại trong sự kỳ vọng của NHM ở Olympic 2021, đó không còn là cú sốc nữa mà trở thành “thói quen” của đô cử này ở các giải đấu lớn, góp mặt các VĐV hàng đầu thế giới. 

Thất bại của Tuấn không chỉ gói gọn trong yếu tố tâm lý như ông Kháng chia sẻ mà cần nhìn rộng hơn, đó là việc chuẩn bị Olympic cho Tuấn, nhất là về trạng thái thi đấu và tâm lý. Cả Tuấn rồi chính HLV và các nhà quản lý đều run rẩy khi đối mặt với "đỉnh" Olympic. Chưa kể Tuấn luôn chịu ảnh hưởng chấn thương hay đau đúng vào Olympic.  

Một câu hỏi lớn cần đặt ra đã qua kỳ Olympic thứ hai, tại sao một niềm hi vọng lại có thể sụp đổ dễ dàng như vậy?

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm