Năm 2005, lực sĩ lạ mặt sinh năm 1985 này đã gây sửng sốt cả làng cử tạ thế giới khi đoạt 1 HCV, 2 HCB hạng 56kg tại giải trẻ thế giới. Sau cột mốc quan trọng đó, Hoàng Anh Tuấn đã có những bước đột phá ngoạn mục để liên tục đứng trong Top 3 mọi giải đấu quốc tế từ châu Á tới thế giới.
Sau tấm HCB tại ASIAD 2006 với mức tổng cử 285kg, đô cử quê Bắc Ninh đã được ngành thể thao nhắm tới mục tiêu đua tranh một tấm huy chương Olympic 2008. Trong quá trình chuẩn bị, thể thao Việt Nam đã ưu tiên đầu tư chuyên biệt cho Tuấn với mức kinh phí rất “khủng” lúc đó là 50.000 USD/năm.
Để rồi tuyển thủ Việt Nam đã đến Olympic 2008 tranh tài với vị thế, trình độ của một đấu thủ hàng đầu thế giới và đang có phong độ đỉnh cao ở nội dung của mình. Như giới chuyên môn quốc tế đánh giá trước Đại hội, Hoàng Anh Tuấn có thể tranh chấp sòng phẳng huy chương hạng 56kg, mà khả thi nhất là một tấm HCB. Nếu Tuấn văng ra khỏi nhóm huy chương, sẽ là một bất ngờ cực lớn. Cho đến ngay cả Olympic 2021, chưa một VĐV Việt Nam đạt tới tầm mức như vậy khi bước vào đấu trường lớn nhất thế giới.
Và cuối cùng ở cuộc đấu quyết định vào ngày 7/8/2008, Anh Tuấn đã giúp TTVN lần thứ hai chinh phục thành công “đỉnh” Olympic với một tấm HCB đẳng cấp và xứng đáng, ở một môn cơ bản hàng đầu.
Đô cử Việt Nam đã khởi đầu tuyệt vời ở nội dung cử giật, qua “ngọt” khởi điểm 126kg. Sau khi nâng lên mức tạ 130kg, dù vừa sức song do căng thẳng ảnh hưởng tới kỹ thuật nên phải mất tới 2 lần thực hiện, tuyển thủ quê Bắc Ninh mới thành công. Đến nội dung cử đẩy, Tuấn vượt qua ngay mức 155kg. Mọi chuyện được quyết định trong lần đẩy thứ 2 của anh với mức 160kg.
Cú đẩy đầu của Tuấn đã nâng được tạ lên song lại sai kỹ thuật nên tạ bị văng ra sau. Ở cú đẩy thứ 2, Tuấn đã kịp thể hiện bản lĩnh để hoàn tất khoảnh khắc quan trọng nhất sự nghiệp, dù có đôi chút “lung lay”: Mang huy chương về cho thể thao Việt Nam.
Càng đáng nói hơn vì đó lại là một tấm huy chương màu Bạc, với mức tổng cử 290kg, chỉ chịu thua đối thủ 17 tuổi Long Quinquan (Trung Quốc) đột ngột xuất hiện như “kỳ nhân” đúng 2kg. Dù khó có thể tranh Vàng, song trên thực tế thông số chuyên môn của Tuấn đã có thể cao hơn, nếu như thời gian nghỉ giữa hai lần động tác không quá dài, khiến anh phần nào đó bị rơi vào trạng thái “nguội”.
Tấm HCB đẳng cấp của Tuấn khi đó giống như một sự “nâng tầm” cho thể thao Việt Nam. Quan trọng hơn, kỳ tích ấy chính là một “cột mốc Vàng” khai mở để cử tạ Việt Nam vươn lên trở thành mũi nhọn số 1 vượt trội của thể thao Việt Nam tại các kỳ Olympic. Chỉ tiếc rằng, vì nhiều lý do, sự nghiệp đỉnh cao của tài năng đặc biệt Hoàng Anh Tuấn coi như đã khép lại kể từ sau kỳ tích Olympic ở tuổi 23 của mình.